Thành phố vươn mình về phía biển

07:01, 03/01/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thành phố Quảng Ngãi hôm nay đã khoác lên mình một diện mạo mới khang trang hơn, bề thế hơn. Thành phố như một chàng trai trẻ tràn đầy sức sống, ôm trọn dòng sông Trà thơ mộng vào lòng và vươn mình về hướng biển, với con đường Mỹ Trà- Mỹ Khê uốn lượn mềm mại, nối xuống cảng Sa Kỳ...

Điểm nhấn từ hướng đông bắc
 

Đô thị mới hình thành bên bờ tả ngạn sông Trà, ven tuyến đường Mỹ Trà - Mỹ Khê.                   Ảnh: NGỌC ĐỨC
Đô thị mới hình thành bên bờ tả ngạn sông Trà, ven tuyến đường Mỹ Trà - Mỹ Khê. Ảnh: NGỌC ĐỨC
Chủ tịch UBND xã Tịnh Khê Trương Thanh Thảo phấn khởi bảo: “Sau khi sáp nhập vào thành phố, cùng với chương trình xây dựng nông thôn mới, xã Tịnh Khê được thành phố quan tâm đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, điện chiếu sáng, đường sá, nhất là tuyến đường Dung Quất - Sa Huỳnh mở ra thì bộ mặt địa phương đã có nhiều thay đổi, diện mạo khang trang hơn. Các vấn đề vệ sinh môi trường, an ninh trật tự luôn đảm bảo. Mới đây, Tịnh Khê đã được UBND tỉnh quyết định công nhận là xã nông thôn mới với 19/19 tiêu chí đạt chuẩn. Kết quả này minh chứng cho sự nỗ lực rất lớn của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong xã, cùng với sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, các ngành”.

Dọc theo phía bắc tả ngạn sông Trà xuôi về hướng biển theo trục đường Mỹ Trà - Mỹ Khê, tôi cảm nhận được sự đổi thay đang hiển hiện từng ngày trên những vùng quê một thời gian khó. Chính con đường ven biển Dung Quất- Sa Huỳnh mà hiện hữu rõ nhất là đoạn Mỹ Trà- Mỹ Khê đã trở thành điểm nhấn để các xã khu đông Sơn Tịnh mới sáp nhập vào TP. Quảng Ngãi khởi sắc. Ngang qua các xã Tịnh An, Tịnh Long, Tịnh Khê, con đường mới mở vốn đã rất đẹp càng được tô điểm thêm bởi hình hài của những căn biệt thự, nhà cao tầng nằm san sát bên đường. Còn phía đối diện là dòng sông Trà trong xanh hiền hòa uốn lượn, cảnh đẹp như một bức tranh vẽ.

Theo Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ TP. Quảng Ngãi, mục tiêu trong 5 năm đến sẽ “xây dựng và phát triển các xã Nghĩa Dõng, Nghĩa Dũng, Tịnh Khê, Tịnh Ấn Tây và Nghĩa Phú trở thành phường, trong đó Tịnh Khê là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội phía đông bắc thành phố”. Đây là chủ trương làm nức lòng cán bộ và nhân dân xã Tịnh Khê, địa phương có nhiều đóng góp to lớn trong hai cuộc kháng chiến, hai lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Không chỉ Tịnh Khê, mà các xã khác ở hai hướng đông- bắc mới sáp nhập vào TP. Quảng Ngãi theo Nghị quyết 123 của Chính phủ cũng đang ra sức xây dựng và phát triển để trở thành phường, hoặc xã nông thôn mới vào năm 2020 theo chỉ tiêu Nghị quyết Đảng bộ thành phố đề ra: 80% xã đạt chuẩn nông thôn mới, 20% xã còn lại đạt 14 tiêu chí nông thôn mới trở lên.

Kỳ vọng đô thị “năng động và thân thiện”

Sau hơn chục năm nỗ lực phấn đấu xây dựng và phát triển, mới đây TP. Quảng Ngãi đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận đô thị loại II. Chủ tịch UBND TP. Quảng Ngãi Phạm Tấn Hoàng tâm sự: “Trở thành đô thị loại II là niềm vui rất lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố. Song hiện tại vẫn còn 4 tiêu chí chưa đạt chuẩn, trong đó quan trọng nhất là 2 tiêu chí: Thu nhập bình quân đầu người và mật độ đường chính trong nội thị.
 

Năm 2015, kinh tế của TP. Quảng Ngãi tiếp tục có bước phát triển khá, tổng giá trị sản xuất ước đạt 44.560 tỷ đồng, tăng 13,16% so với năm 2014; tổng giá trị gia tăng 13.197 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế 11,79%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng: Dịch vụ 48,32%; công nghiệp - xây dựng 38,12% và nông lâm ngư nghiệp 13,56%.Trong năm, có 927 hộ thoát nghèo; giải quyết việc làm cho trên 5.000 lao động...

Với tiêu chí về thu nhập của người dân, theo yêu cầu thì đô thị loại II phải gấp 1,4 lần so với thu nhập bình quân cả nước, nhưng hiện TP. Quảng Ngãi chỉ gấp 1,1 lần. “Chúng tôi đang nỗ lực tạo điều kiện để nâng cao mức thu nhập của người dân lên, bởi đây là vấn đề hết sức quan trọng. Lên đô thị loại II, thậm chí loại I mà thu nhập người dân không nâng lên được thì cũng không có ý nghĩa gì”, ông Hoàng nói. Và để đạt tiêu chí này, thành phố tập trung giải quyết việc làm thông qua nhiều biện pháp như đẩy mạnh phát triển thương mại - dịch vụ; mở ra các tuyến đường, tạo điều kiện cho người dân phát triển các loại hình dịch vụ. Bên cạnh đó, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào thành phố để thu hút lao động, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân...

Còn với tiêu chí đường giao thông trong nội thị, “với 40 tuyến đường trong thành phố đã được HĐND tỉnh đặt tên, chúng tôi sẽ chọn những đường có tính chất quan trọng để đầu tư nâng cấp, mở rộng, vừa tạo điều kiện phát triển thương mại - dịch vụ, vừa phát triển hạ tầng đô thị. Vấn đề này sẽ giải quyết dần, chứ đầu tư kinh phí lớn quá, trong khi nguồn lực của thành phố có hạn”, ông Hoàng cho hay. Với chỉ tiêu dân số toàn đô thị, thành phố sẽ tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án phát triển đô thị như: Khu Đô thị - Dịch vụ VSIP Quảng Ngãi (giai đoạn 1A) quy mô 99,78ha và các khu đô thị mới nam Lê Lợi, nam Trường Chinh...

Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ thành phố đề ra mục tiêu trong 5 năm đến là xây dựng và phát triển thành phố trở thành đô thị “năng động và thân thiện”, với tỷ lệ đô thị hóa đạt 60%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 5 năm đạt 30.000 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch: Dịch vụ 53,29%; công nghiệp - xây dựng 36,6% và nông nghiệp 10,11%. Đồng thời, sẽ tạo việc làm mới và tăng thêm việc làm hằng năm 7.000 - 8.000 lao động; thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 3.000 USD/người/năm...

Để đạt được mực tiêu đó, TP. Quảng Ngãi còn rất nhiều việc phải làm nhất là trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp. Chẳng hạn, trước đây với 10 xã, phường thì ngân sách dồi dào, việc đầu tư khá thuận tiện. Còn nay là 23 xã, phường, trong khi “miếng bánh” ngân sách tuy có tăng song không đáng kể, nhưng phải đầu tư khá nhiều. Đầu tư cho phát triển đô thị thì “lủng” giao thông, vùng ven biển, và ngược lại.

Đặc biệt, sau khi khảo sát lại, một số xã sau khi sáp nhập vào thành phố còn rất yếu trong xây dựng nông thôn mới, như Nghĩa Hà, Tịnh Thiện số tiêu chí nông thôn mới chỉ đếm trên đầu ngón tay, trong đó tiêu chí về hạ tầng còn rất thấp. Dự kiến, thành phố sẽ cắt giảm đầu tư cho những xã, phường cũ, tập trung đầu tư cho những xã mới sáp nhập, trước tiên là những gì thiết thực nhất như đường bê tông, điện chiếu sáng, trường học... để từng bước hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, giao thông.

 

THẢO VINH



 


.