Lắng nghe tiếng nói người nghèo

01:01, 07/01/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thay đổi cách tiếp cận, hỗ trợ để người nghèo phát huy tính chủ động, nỗ lực vươn lên thoát nghèo, đồng thời chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều cho giai đoạn 2016 – 2020, được xem là những quyết sách đúng đắn khi người nghèo nhận được sự hỗ trợ đa chiều, đúng trọng tâm.

TIN LIÊN QUAN

Hiểu để giúp đúng những gì dân cần

Chúng tôi tìm đến thôn Dư Hữu và thôn Minh Xuân, xã Long Mai (Minh Long) – nơi có 18 hộ dân đồng lòng tham gia mô hình sinh kế nuôi bò cái lai sinh sản do Dự án PRPP tài trợ. Những đổi thay sau khi được tham gia vào mô hình sinh kế của Dự án đã thể hiện rõ nét ở từng nóc nhà, góc vườn… Hộ gia đình chị Đinh Thị Ri - một trong những gia đình thuộc diện hộ nghèo của xã Long Mai tham gia mô hình sinh kế.

Thông qua các buổi đối thoại chính sách giảm nghèo, người nghèo đã có cơ hội để trình bày mong muốn cũng như các thắc mắc, kiến nghị của mình.
Thông qua các buổi đối thoại chính sách giảm nghèo, người nghèo đã có cơ hội để trình bày mong muốn cũng như các thắc mắc, kiến nghị của mình.
Ông Trương Đình Đức - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, Trưởng Tiểu Ban quản lý Dự án giảm nghèo PRPP tỉnh, cho biết: “Được thụ hưởng rất nhiều chính sách hỗ trợ giảm nghèo, nhưng tại một số địa phương, việc triển khai thực hiện công tác giảm nghèo vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Mà một trong những nguyên nhân chủ yếu là do người dân vẫn chưa hiểu hết về các chính sách hỗ trợ giảm nghèo để có hướng tiếp cận hiệu quả. Chính vì thế, đối thoại là việc làm cần thiết để thực hiện tốt chính sách giảm nghèo và công cuộc giảm nghèo”.

Trước đây, gia đình chị có 4 nhân khẩu nhưng lại thiếu đất sản xuất, nguồn thu nhập chính chủ yếu chỉ từ việc làm thuê, nên gia đình chị lúc nào cũng lâm vào cảnh túng quẫn, nợ nần. Còn hiện tại, sau 29 tháng tham gia mô hình sinh kế nuôi bò cái lai sinh sản, chị Ri đã có trong tay 2 con bò cái sinh sản, 2 bê con. Dù cho mô hình đã kết thúc gần nửa năm, nhưng 100% hộ tham gia đều đảm bảo duy trì và mở rộng diện tích trồng cỏ VA06 làm thức ăn cho bò, điều mà trước đây các hộ dân trên chưa từng mặn mà thực hiện. “Tôi được tham gia bàn bạc lựa chọn đối tượng mô hình, được dẫn đến chỗ cung ứng giống để lựa chọn con bò theo ý thích và học lớp tập huấn hướng dẫn cách trồng cỏ, xây chuồng, chăm sóc, trước khi nhận bò. Không chỉ một con bò được cho không, chúng tôi còn phải cam kết đối ứng thêm một con bò nữa. Bò Nhà nước có, bò của mình bỏ tiền ra cũng có, nên tôi tự nhủ phải nỗ lực hơn, không ỷ lại”, chị Ri tâm sự.

Cũng thành công nhờ tăng cường trao quyền cho người dân mà sau 2 năm triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo theo địa chỉ (mỗi năm, một xã quyết tâm giúp một hộ nghèo thoát nghèo bền vững) đến nay, huyện Mộ Đức đã hỗ trợ thành công 25 hộ nghèo thoát nghèo. Tham gia chương trình, các hộ dân ngoài việc được hỗ trợ về vốn còn được tư vấn, hướng dẫn của tổ trợ giúp, gồm 8 – 12 thành viên luôn bám sát và giúp đỡ các hộ dân thoát nghèo. Không hỗ trợ theo kiểu cấp phát, các gia đình được lựa chọn đối tượng mô hình phù hợp với nhu cầu và đặc trưng sản xuất của từng địa phương. Gia đình bà Đặng Thị Lân ở xã Đức Lợi sống ở ven biển, có nhu cầu đánh bắt hải sản, nên  UBND xã Đức Lợi đã hỗ trợ 25 triệu đồng để giúp gia đình mua ngư lưới cụ. Còn hộ ông Huỳnh Tấn Đoan ở xã Đức Nhuận, thì lại có nhu cầu chăn nuôi và may gia công, nên được hỗ trợ 22,3 triệu đồng để mua bò và máy may.

Ngoài giúp người dân phát huy tính chủ động vươn lên thoát nghèo, thêm một phương pháp tiếp cận sáng tạo trong thực hiện giảm nghèo bền vững, đó là tăng cường lắng nghe tiếng nói của người nghèo thông qua các cuộc đối thoại về chính sách giảm nghèo, do Tiểu Ban quản lý Dự án giảm nghèo PRPP tỉnh triển khai thực hiện. Trong 2 năm trở lại đây, việc đối thoại chính sách giảm nghèo đã được Dự án thực hiện thí điểm ở 11 địa phương. Đây được xem là mô hình đầu tiên thực hiện trong cả nước.

Bước ngoặt trong thay đổi chuẩn nghèo

Tuy đã có những thành công trong hỗ trợ hộ dân thoát nghèo bền vững, song thời gian qua, việc xác định, phân loại đối tượng nghèo vẫn chưa chính xác dẫn đến việc hỗ trợ chưa đạt kết quả như momg muốn. Vì thế, việc chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều (chỉ dựa vào tiêu chí thu nhập) sang hướng đa chiều, được xem là một bước ngoặt lớn để nhận dạng đối tượng nghèo chính xác, cụ thể hơn, đồng thời có giải pháp hỗ trợ phù hợp hơn nhu cầu của hộ nghèo, cận nghèo.

Đo lường mức độ thiếu hụt trong tiếp cận thông tin cũng là một trong những tiêu chí tiếp cận đo lường nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 – 2020.                                                                   Ảnh: Y.T
Đo lường mức độ thiếu hụt trong tiếp cận thông tin cũng là một trong những tiêu chí tiếp cận đo lường nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 – 2020. Ảnh: Y.T


 Các tiêu chí trong tiếp cận đo lường nghèo đa chiều gồm: Tiêu chí thu nhập và tiêu chí mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản. Trong giai đoạn 2016-2020, Thủ tướng Chính phủ đã thống nhất chuẩn nghèo về thu nhập (còn gọi là chuẩn nghèo chính sách) đối với khu vực nông thôn là 700.000 đồng/người/tháng và khu vực thành thị là 900.000 đồng/người/tháng. Tiêu chí mức độ thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản được xác định 5 chiều, mỗi chiều có 2 chỉ số. Các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt bao gồm về giáo dục (trình độ giáo dục của người lớn, tình trạng đi học của trẻ em), về y tế (tiếp cận các dịch vụ y tế,  bảo hiểm y tế), về nhà ở (chất lượng nhà ở, diện tích nhà ở bình quân đầu người), về nước sạch và vệ sinh (nguồn nước sinh hoạt; loại hố xí/nhà tiêu) và về tiếp cận thông tin (sử dụng dịch vụ viễn thông, tài sản phục vụ tiếp cận thông tin).

Theo ông Nguyễn Duy Nhân - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH: Thông qua phương pháp này, chúng ta sẽ đánh giá được mức độ thay đổi các nhu cầu dịch vụ xã hội cơ bản của người dân tại từng địa phương. Đặc biệt, các cơ quan quản lý sẽ nhận thấy rõ hơn các khu vực có mức độ thiếu hụt cao, làm cơ sở xây dựng các chính sách cụ thể để từng bước giảm dần mức độ thiếu hụt giữa các vùng, nhóm dân cư.

Việc áp dụng theo chuẩn nghèo mới, sẽ trao cho người nghèo cơ hội nâng cao thu nhập và được tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản. Đồng thời, sẽ là thách thức trong thực hiện công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh giai đoạn mới, bởi theo Giám đốc Sở LĐ-TB&XH khi thực hiện phương pháp tiếp cận này sẽ làm thay đổi tỷ lệ giảm nghèo ở tỉnh ta trong thời gian tới. Ước đến cuối năm 2015, qua điều tra, rà soát theo chuẩn cũ giai đoạn 2011 – 2015, tỷ lệ hộ nghèo tỉnh ta còn khoảng 8,44%; nếu chuyển đổi phương pháp mới này trong giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ giảm nghèo tỉnh ta sẽ tăng 1,5 - 2 lần so với chuẩn cũ. Do đó, ngân sách và giải pháp cụ thể dành cho chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững cần được cân đối, bố trí để thực hiện các chương trình, chính sách hỗ trợ cho phù hợp.

                                        

X.HIẾU - Ý THU

 


.