Kéo điện ra đồng: Hiểm nguy rình rập

08:01, 01/01/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Để phục vụ nhu cầu trồng lúa, nuôi tôm, nhiều nông dân đã kéo điện ra đồng. Tuy nhiên, vì mạnh ai nấy kéo điện, việc đầu tư lại sơ sài nên tiềm ẩn nhiều hiểm nguy cho người tham gia sản xuất...

Dây điện dưới đất, trên cây

Về vùng nuôi tôm xã Đức Minh (Mộ Đức), không khó để nhận ra hình ảnh dây điện chằng chịt, mắc tạm bợ trên những cọc tre mục nát. Theo ông  Võ Văn Bình, thôn Đạm Thủy Nam, chủ hồ tôm có diện tích trên 4.800m2 thì để có điện chạy máy sục ô–xy, ông cũng như nhiều hộ dân đã kí hợp đồng mua bán điện với Công ty CP điện Mộ Đức. Tuy nhiên, việc dựng trụ kéo dây điện là do người dân tự bỏ tiền đầu tư nên mạnh ai nấy làm. Hệ thống điện ở vùng nuôi tôm vì thế cũng muôn hình vạn trạng. “Có người mắc dây điện trên cây. Người lại chôn dây điện dưới đất. Miễn sao có điện ra ao nuôi tôm là được”, ông Bình cho hay.

Hệ thống điện vùng nuôi tôm được đầu tư sơ sài, tiềm ẩn nhiều hiểm nguy cho người sản xuất.
Hệ thống điện vùng nuôi tôm được đầu tư sơ sài, tiềm ẩn nhiều hiểm nguy cho người sản xuất.


 Còn tại xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa), đồng ruộng cũng được bao bọc bởi cọc tre, dây điện lớn nhỏ đan xen như mạng nhện. Ông Dương Thanh Tâm, thôn Hòa Phú, xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa) cho biết: “Cứ vào vụ sản xuất lúa là tại cánh đồng Đông Hòa máy bơm nước hoạt động suốt ngày đêm”. Vừa nói, ông Tâm vừa lúi húi cắm ổ điện, khởi động chiếc mô tơ đã gỉ sắt. Nhìn nước tuôn ra từ chiếc mô tơ nhỏ, ông Tâm bảo: “Giá như trời mưa nhiều, kênh mương dẫn được nước thì  bà con nông dân chúng tôi bớt cực, lại đỡ lo”.

Hiểm nguy rình rập

Nông dân kéo điện ra đồng phục vụ sản xuất là chuyện bình thường. Tuy nhiên, việc mạnh ai nấy làm như thế tiềm ẩn nhiều hiểm nguy cho cả chủ hộ cũng như người dân tham gia sản xuất. Ví dụ như điện ở khu vực nuôi tôm, phần lớn dây điện mắc nhờ trên cây nên mỗi khi mưa gió, cây ngã đổ, dây điện bị đứt hoặc bong tróc vương vãi trên đường sẽ là “cái bẫy chết người” đối với những người tham gia giao thông. Do đó, một số hộ cho rằng, việc chôn dây điện dưới đất sẽ an toàn hơn. Song, theo ông Võ Minh Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Đức Minh thì: “Ống nhựa được người dân dùng để bọc dây điện là loại thông thường, không phải chuyên dụng nên rất dễ vỡ, gây nhiễu điện, mức độ nguy hiểm vì thế cũng lan rộng và cao hơn”.

Một hiểm nguy nữa chính là thiết bị phục vụ nuôi tôm như máy chạy ô-xy được người dân đầu tư sơ sài, còn hệ thống điện dẫn ra ao nuôi có nhiều mối đấu nối bị hở, rò rỉ. Trong khi đó, người nuôi tôm thường xuyên tiếp xúc với nguồn nước, người ướt, dễ té ngã nên nguy cơ tai nạn do điện luôn rình rập. Hiểm nguy thế, nhưng vì hiện giờ nghề nuôi tôm đang bấp bênh nên không đơn vị nào mạnh dạn đầu tư hạ tầng điện tại vùng nuôi. Ngay cả nông dân, họ cũng chỉ làm theo kiểu được chăng hay chớ để giữ hồ.

 Với nông dân xã Nghĩa Hòa, nguy cơ xảy ra tai nạn do điện là rất lớn. Bởi, phần lớn ổ cắm điện, máy bơm nước của người dân được đặt ngay bờ ruộng, xung quanh nước chảy lênh láng. Ông Đỗ Tấn Y, thôn Hòa Phú cho rằng, trước đây đã có người bị điện giật khi bơm nước tưới lúa. Dù chưa ảnh hưởng đến tính mạng nhưng từ đó, người dân ở đây vẫn rất lo lắng mỗi khi cắm điện chạy nước ngoài đồng. “Nhưng mà lo rồi để trong lòng thôi. Chứ nếu hệ thống điện được đầu tư bài bản, hoặc kênh mương dẫn được nước Thạch Nham về ruộng đầy đủ thì nông dân kéo điện ra đồng làm gì. Vừa tốn kém, lại nguy hiểm”, ông Y bày tỏ.

Hẳn đó cũng chính là nỗi lòng của người dân xã Nghĩa Hòa nói riêng, của nông dân đang lâm vào cảnh "kéo điện ra đồng" để sản xuất trên địa bàn tỉnh nói chung.

Bài, ảnh: MỸ HOA
 


.