Nỗi lo sạt lở sông, suối ở Sơn Tây

10:12, 22/12/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tình trạng sạt lở hai bên bờ các dòng sông, suối xâm thực vào các khu dân cư trên địa bàn huyện Sơn Tây khiến người dân vô cùng lo lắng. Nhiều đoạn sạt lở qua nhiều năm khiến cho dòng chảy thay đổi, áp sát tường nhà dân và các cơ quan nhà nước.

TIN LIÊN QUAN

Bất an trước nạn sạt lở

Từng hoảng loạn huy động người nhà dọn đồ đạc để tháo chạy trong đợt sạt lở hồi cuối năm 2013, nên anh Đặng Phi Hổ, thôn Tang Via, xã Sơn Dung bảo, cứ mỗi lần mưa lớn là cả gia đình anh lại tính toán chuyện tìm nơi trú ẩn. “Hồi trước, nhà tôi cách sông cả chục mét và rất an toàn. Thế mà từ năm 2013 đến nay sạt lở liên tục xảy ra. Đợt lũ lịch sử năm 2013, nước từ rừng sâu chảy về ầm ầm, sau đó là những tảng đất đổ nhào theo dòng nước. Ngôi nhà nằm chênh vênh bên bờ vực, nguy hiểm vô cùng”, anh Hổ nhớ lại.

Một nhà dân trước nguy cơ bị sông
Một nhà dân trước nguy cơ bị sông "nuốt".


Còn anh Trần Tiến Thọ ở thôn Huy Măng, xã Sơn Dung, cũng trong hoàn cảnh tương tự khi mà phần đất đổ làm nền bị những cơn lũ cuốn trôi. Ngôi nhà giờ chỉ còn những trụ bê tông chống đỡ. Anh Thọ cho biết, tôi đã nhiều lần lên kế hoạch gia cố lại ngôi nhà nhưng rồi không thể thực hiện được do sạt lở liên tục. Khi lực trượt của nền đất khá lớn nên đổ bao nhiêu đất xuống cũng đều bị cuốn trôi hết.

Cần có biện pháp căn cơ

Trước thực trạng sạt lở ngày càng nặng nề, đe dọa trực tiếp đến tính mạng, tài sản người dân, chính quyền xã Sơn Dung và huyện Sơn Tây đã nhiều lần tổ chức các đoàn đi kiểm tra thực địa và bàn biện pháp khắc phục nhưng vẫn chưa thể tìm ra cách.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây Đinh Quang Ven, chỉ tính riêng khu vực trung tâm huyện đã có đến 4 điểm sạt lở. Tình trạng này diễn ra ngày càng nghiêm trọng, đe dọa trực tiếp cuộc sống của hàng chục hộ dân và rất nhiều nhà cửa, đất hoa màu. Huyện cũng đã chủ động đầu tư nhiều dự án kè chống sạt lở, với tổng vốn đầu tư khoảng 13 tỷ đồng. Trong đó, kè đoạn sạt lở qua khu vực bệnh viện huyện với chiều dài hơn 500m và kè chống sạt lở bờ sông Huy Măng đều từ nguồn vượt thu dự toán HĐND tỉnh giao năm 2013 và 2014 cùng ngân sách huyện. Tuy nhiên, với chừng đó là chưa đủ để đảm bảo không còn sạt lở xảy ra.

“Lo sợ nhất hiện nay là khu vực hai bên bờ suối Nước Lát, với chiều dài sạt lở hai bên bờ khoảng 5.000m làm mất nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp của người dân và đe dọa trực tiếp đến khu vực quy hoạch trung tâm huyện mới. Hay như đoạn từ Trường Dân tộc Nội trú huyện đến cầu Huy Măng, chiều dài sạt lở khoảng 1.500m, hiện suối đã chuyển dòng chảy áp sát 14 ngôi nhà với 54 nhân khẩu tại khu dân cư Đăk Ma và nhiều cơ quan của huyện. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị cấp có thẩm quyền về tình hình sạt lở trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa được hỗ trợ để xây dựng các tuyến kè.  Để đảm bảo an toàn cho người dân và cơ quan nhà nước trong vùng có nguy cơ sạt lở cao, đề nghị UBND tỉnh có kế hoạch trình Trung ương phân bổ, hỗ trợ kinh phí để xây dựng kè bê tông hoặc rọ đá để chống sạt lở, chứ với nguồn ngân sách huyện thì không thể”, ông Ven kiến nghị.

Bài, ảnh: LÊ ĐỨC

 


.