Nghề bó chổi đót trên non

07:12, 12/12/2015
.

(Baoquangngai.vn)- Với quyết tâm giữ nghề, chị Hồ Thị Hồng Thanh (46 tuổi) trú xã Trà Phong, huyện Tây Trà vẫn ngày ngày lặng lẽ vào rừng bứt đót, bó chổi phục vụ đời sống sinh hoạt thường nhật của bà con, hướng thế hệ trẻ quay lại với nghề.
Nghề xóa đói
 
Đó là nhận định của chị Thanh về nghề bó chổi đót. Chị có thâm niên hơn chục năm gắn bó với nghề. Công việc này đã góp phần không nhỏ trong việc tăng thu nhập, cải thiện kinh tế cho gia đình. Những ngày cuối năm, đơn đặt hàng nhiều hơn, việc đan chổi khẩn trương hơn bao giờ hết. Để kịp giao hàng cho khách, có hôm chị Thanh phải thức tới tận canh ba.
 
Tây Trà là một huyện nghèo của tỉnh, bao đời nay, đồng bào Cor chỉ biết dựa vào nương rẫy để sống. Trồng lúa là chính, xa hơn nữa là keo. Kinh tế còn thiếu thốn đủ bề. Nhờ những nghề thủ công như thế mà bữa cơm của họ có phần cải thiện hơn.
 
Chị Thanh cho hay: “Lúc trước đông vui lắm. Cứ độ tháng Giêng, tháng 2 Âm lịch là cả làng rủ nhau vào rừng săn đót, 4- 5 hôm mới về. Nhà nào cũng óng ánh màu vàng ươm của “lộc rừng”. Ai cũng tranh nhau bó chổi để bán, có được đồng ra đồng vô, phấn khởi không gì bằng”.
 
Hàng chục năm qua, chị vẫn luôn giữ lấy nghề bó chổi đót truyền thống của người Cor.
Hàng chục năm qua, chị vẫn luôn giữ lấy nghề bó chổi đót truyền thống của người Cor.
 
Trung bình mỗi ngày chị Thanh bó khoảng 20 cây chổi, có hôm chị bó đến 60 cây chổi. Tùy theo loại, bỏ sỉ hay lẻ, chị bán cho khách dao động từ 20 nghìn đồng đến 30 nghìn đồng/cây. Trừ hết chi phí, đều đặn mỗi tháng chị bỏ túi 6 -7 triệu đồng, phụ thêm nuôi con cái ăn học.
 
Chị Nguyễn Thị Thành (40 tuổi), một khách hàng, cho biết: “Chổi đót ở ngoài thị trường rất nhiều nhưng tôi vẫn lặn lội lên đây mua chổi chị Thanh. Lưỡi chổi được làm rất gọn, đẹp, dày. Thân chổi được buộc bằng dây mây rất chắc chắn nên dùng được lâu, khác với những loại làm bằng dây cước như dưới xuôi, buộc rất lỏng lẻo, rất mau hỏng".
 
Rồi những cây chổi có chất lượng, mẫu mã đẹp theo những chuyến xe về xuôi rong ruổi đến các tỉnh, thành để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Dần dà, chổi Tây Trà do chị Thanh bó tạo được tiếng vang, khách hàng tin dùng, vì độ bền cao.
 
Trăn trở giữ nghề
 
Cái thời huy hoàng của nghề bó chổi đót đã qua, giờ ở đây không còn mấy nhà theo nghiệp ấy nữa. Chắc có lẽ, chị Thanh là thế hệ cuối cùng bám trụ. Trong tâm khảm của người phụ nữ này chưa lúc nào nguôi nỗi lo “thất truyền”.
 
Động lực lớn nhất khiến chị nhất định không chịu từ bỏ chính là người thầy- người cha ruột của chị (gìa làng Hồ Văn Liên), ông đã truyền trọn vẹn niềm đam mê yêu nghề của mình vào con gái.
 
“Có lẽ vì nặng lòng với nghề mà cha tôi luôn căn dặn con cháu rằng, dù giàu hay nghèo cũng phải luôn giữ lấy nghề”- chị Thanh bộc bạch. Rồi khi ông già yếu, không còn đủ sức để ngồi làm công việc ấy nữa, chị Thanh phải thay cha quán xuyến.
 
Không chỉ biết bó chổi đót, chị còn đan được cả những vật dụng phục vụ đời sống sinh hoạt của đồng bào như mủng, nia… Chị Thanh cũng nghĩ tới việc tích lũy vốn để mở riêng cho mình cơ sở sản xuất nhằm phát triển nghề truyền thống; có không gian để truyền dạy lại cho thế hệ trẻ, quyết không để nghề mai một.
 
Bên cạnh chổi đót, chị Thanh còn rất khéo léo trong việc đan mũng, nia và nhiều vật dụng của người Cor.
Bên cạnh chổi đót, chị Thanh còn rất khéo léo trong việc đan mủng, nia và nhiều vật dụng của người Cor.
 
Bà Hồ Thị Ân - Phó Chủ tịch UBND xã Trà Phong đánh giá: “Trước giờ, chị Thanh luôn là một tấm gương điển hình giỏi việc nước, đảm việc nhà ở địa phương. Bên cạnh việc hoàn thành xuất sắc vai trò của một cán bộ chuyên trách về Dân số - KHH&GĐ, chị còn là người có nhiều cố gắng khi biết giữ nghề và làm giàu từ nghề truyền thống. Từ một hộ nghèo khó, gia đình chị là một trong những hộ có kinh tế vững chắc ở xã. Địa phương cũng đã có hướng tạo điều kiện cho chị Thanh triển khai, nhân rộng mô hình này".
 
 
Bài, ảnh: Thiên Hậu
 

.