Ly hương và những hệ lụy

01:12, 09/12/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hiện nay trên địa bàn TP. Quảng Ngãi, tình trạng người dân đi làm ăn xa không chỉ diễn ra trong thanh niên mà có cả những người ở độ tuổi trung niên. Những chuyến đi đó đã góp phần cải thiện cuộc sống nhiều hộ gia đình. Tuy nhiên, hệ lụy của nó là những đứa trẻ "bị bỏ lại" quê nhà, thiếu vắng tình thương, sự chăm sóc của cha mẹ...

TIN LIÊN QUAN

Xã Nghĩa Hà có 3.800 hộ, đa số làm nông nghiệp, nhưng đất chật nên nhiều năm qua tình trạng người dân ly hương vào Nam làm ăn, mưu sinh ngày càng nhiều. Ông Võ Văn Lợi- Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hà, cho biết, toàn xã có khoảng 1.500 lao động đi làm ăn ở các tỉnh phía nam, một năm về quê 2 lần. Ngoài ra, nhiều lao động còn đi làm công việc thời vụ ở các tỉnh Tây Nguyên. “Cả xã có 11 thôn, do ruộng ít, các ngành nghề, dịch vụ không phát triển nên người dân phải đi nơi khác kiếm kế sinh nhai. Với thu nhập 40-50 triệu đồng/năm, họ có điều kiện lo cho con học hành và trang trải sinh hoạt gia đình”, ông Lợi nói.

Rất nhiều gia đình ở Nghĩa Dõng chỉ có ông bà và cháu ở nhà vì cha mẹ đi làm ăn xa. Trong ảnh: Em Lương Thị Bích Ngọc và bà ngoại tự chăm sóc cho nhau khi bố mẹ em vào Nam mưu sinh.
Rất nhiều gia đình ở Nghĩa Dõng chỉ có ông bà và cháu ở nhà vì cha mẹ đi làm ăn xa. Trong ảnh: Em Lương Thị Bích Ngọc và bà ngoại tự chăm sóc cho nhau khi bố mẹ em vào Nam mưu sinh.


Cũng như Nghĩa Hà, xã Nghĩa Dõng cũng có trên 1.200 lao động đi làm ăn xa, chiếm đến 25% số người trong độ tuổi lao động của xã. Ly hương hiện đang là thực trạng chung của lao động ở những xã ngoại thành của TP. Quảng Ngãi. Tuy nhiên, ngoài lợi ích mang về cho gia đình nguồn thu nhập ổn định thì tình trạng ly hương cũng để lại những hệ lụy khó lường trong cuộc sống gia đình, tương lai của lớp trẻ.

Tại Trường THCS Nghĩa Dõng, năm học này mới trôi qua gần 1 học kỳ, vậy mà đã có đến ba học sinh bỏ học. Cả ba em này đều có cha, mẹ đi làm ăn xa. Thầy Trần Văn Sự - Hiệu trưởng nhà trường kể trong sự lo lắng: “Hầu như năm học nào trường cũng có 10-15 em bỏ học, chiếm 2-3% tổng số học sinh của trường và phần lớn các em có chung đặc điểm là có cha, mẹ đi làm ăn xa”. Năm học này, Trường THCS Nghĩa Dõng có 400 học sinh, theo thống kê của nhà trường thì có tới 79 học sinh thuộc đối tượng trên. “Các em này không có sự quan tâm giáo dục và quản lý của cha mẹ nên dễ nghe theo lời dụ dỗ của bạn bè xấu, dẫn đến ham mê internet, bỏ học”, thầy Sự chia sẻ. Đơn cử như trường hợp của em Y. học sinh lớp 7C. Cha mẹ em vào Nam làm việc, gửi em cho ông bà ngoại chăm nom. Ông bà ngoại đã già yếu nên không thể quản lý cháu sát sao, nên Y. ham mê các trò chơi điện tử dẫn đến lười học, học yếu và giờ đã bỏ học theo cha mẹ vào Nam.  

Thầy Sự cho rằng, nhiều em còn chịu những thiệt thòi do cuộc sống gia đình không hạnh phúc. Như trường hợp em T. học sinh lớp 6D. Vài năm trước, vì gia cảnh nghèo khó, cha T. đành để lại vợ con ở quê nhà để vào Nam tìm việc. Trớ trêu thay, từ đó bố T. đi biền biệt với người phụ nữ khác. Mẹ T. phải vất vả đi bưng bê cho quán cơm, ngày kiếm 50.000 đồng. Số tiền đó không đủ để trang trải cho cuộc sống của 2 mẹ con thế nên giờ đây T. phải ở nhà, không được đi học nữa…

Gần 10 nghìn phụ nữ TP. Quảng Ngãi đi làm ăn xa


Bà  Lê Thị Hồng Trinh –  Chủ tịch Hội Phụ nữ TP. Quảng Ngãi cho biết: Toàn thành phố có 9.695 phụ nữ đi làm ăn xa. Tập trung ở các xã ngoại thành. Từ việc đi làm ăn xa nhiều gia đình đã trở nên khấm khá, con cái được học hành đến nơi đến chốn. Bên cạnh đó thì vẫn có tác động tiêu cực nhất định đối với trẻ em trong gia đình. Các cấp, ngành trong tỉnh cần có sự nhìn nhận, nghiên cứu kỹ hơn về vấn đề này. Trong đó, cần cải thiện, nâng cao điều kiện sống cho lao động, chuyển đổi ngành nghề, tạo việc làm phù hợp. Đối với các bậc phụ huynh, cần sắp xếp kế hoạch hợp lý, dành sự quan tâm đến con em, nhằm tránh những hậu quả đau lòng.


PV


 


.