Chính sách tín dụng cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số: Còn bất cập

07:12, 17/12/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Chính sách tín dụng cho vay phát triển sản xuất hướng đến các đối tượng là người dân tộc thiểu số ở vùng đặc biệt khó khăn, đã mở thêm cơ hội cho người dân các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh vươn lên thoát nghèo. Tuy nhiên, quá trình triển khai, các địa phương vẫn còn gặp nhiều lúng túng trong rà soát đối tượng vay, đảm bảo sử dụng vốn vay đúng mục đích…

TIN LIÊN QUAN

Chính sách tín dụng cho vay phát triển sản xuất theo Quyết định số 54/2012/QĐ – TTg trên cơ sở điều chỉnh Quyết định 32/2007/QĐ – TTg đã tiếp sức cho người dân trong phát triển sản xuất, áp dụng các mô hình kinh tế mới, vươn lên thoát nghèo.

Theo đó mức vay tối đa là 8 triệu đồng, lãi suất 0,1% trên tháng, người vay không phải dùng tài sản để bảo đảm tiền vay và được miễn lệ phí làm thủ tục hành chính trong việc vay vốn. Thời hạn vay tối đa 5 năm, trường hợp đến hạn trả nợ nhưng hộ vay vốn vẫn thuộc diện hộ đặc biệt khó khăn và có nhu cầu tiếp tục sử dụng vốn vay thì được xem xét kéo dài thời gian trả nợ, nhưng tối đa không quá 5 năm. Nếu hộ vay đã thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn, nhưng chưa thoát nghèo theo chuẩn nghèo và hộ gặp khó khăn tài chính tạm thời chưa có nguồn trả nợ thì có thể được xem xét kéo dài thời gian trả nợ, nhưng tối đa không quá 2,5 năm…

 Đa số người dân dùng nguồn vốn vay hỗ trợ mở rộng quỹ đất, chuyển đổi nghề…theo QĐ 755/QĐ – TTg để mua keo giống và trồng keo.
Đa số người dân dùng nguồn vốn vay hỗ trợ mở rộng quỹ đất, chuyển đổi nghề…theo QĐ 755/QĐ – TTg để mua keo giống và trồng keo.


Hiện nay, khi các mô hình giảm nghèo hỗ trợ cho người dân đang giảm dần xu hướng cho không, buộc người dân phải đối ứng; thì nguồn vốn vay phát triển sản xuất này sẽ giúp người dân xoay được vốn để đối ứng, mở rộng mô hình.

Được vay vốn với lãi suất thấp và được hưởng nhiều ưu đãi, nhưng trên thực tế, vốn tín dụng được phân bổ cho chính sách vay theo Quyết định số 54 vẫn còn ở mức thấp. Cụ thể, từ năm 2011 - 2015, tổng vốn tín dụng được phân bổ cho các chính sách cho vay theo Quyết định số 32/2007/QĐ – TTg và Quyết định số 54/2012/QĐ – TTg trên địa bàn huyện Sơn Tây chỉ ở mức 287 triệu đồng với 58 hộ vay. Tại huyện Trà Bồng, con số trên cũng chỉ dừng lại ở 437 triệu đồng. Riêng chính sách cho vay theo Quyết định số 755 được áp dụng đối với các hộ dân tộc thiểu số nghèo thiếu đất sản xuất và hộ nghèo thiếu đất sản xuất ở khu vực có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn, mặc dù QĐ đã ban hành từ năm 2013 nhưng đến nay, huyện Trà Bồng vẫn chưa triển khai thực hiện được.

Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh, tại đợt kiểm tra tình hình thực hiện một số chính sách tín dụng đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh vừa qua, hầu hết các hộ vay theo Quyết định 755/QĐ-TTg đã không sử dụng vốn đúng mục đích của chính sách. Theo đó, trong khi mục đích của chính sách là để tạo quỹ đất hoặc mua sắm máy móc làm dịch vụ nông nghiệp… thì phần lớn các hộ sử dụng vốn vay theo chính sách này để thuê nhân công phát rẫy trồng keo, mua cây giống.  Mặt khác, một số ít các hộ sử dụng vốn vay đúng mục đích, nhưng lại không được hướng dẫn và yêu cầu thực hiện các thủ tục theo quy định.

Kiến nghị về vấn đề này, ông Nguyễn Vương - Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho rằng: “Phần lớn các hộ được vay vốn tín dụng theo các chính sách phát triển sản xuất, hỗ trợ đất ở, đất sản xuất… đều sử dụng vốn có hiệu quả. Một số hộ vay theo Quyết định số 32/2007/QĐ – TTg (sau này là QĐ 54/2012/QĐ – TTg) đã thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn, có hộ đã thoát được nghèo.

Riêng việc triển khai chính sách tín dụng theo Quyết định 755/QĐ – TTg, do đối tượng vay hẹp, mục đích sử dụng vốn vay cũng chỉ bó hẹp cho các hộ khó khăn về đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt nên các địa phương cần tăng cường công tác tập huấn, kiểm tra, giám sát đảm bảo chính sách được triển khai đúng đối tượng, đảm bảo và đầy đủ các thủ tục nhằm hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng vốn vay không đúng mục đích”.


Bài, ảnh: Ý THU

 


.