Cán bộ "ngâm" hồ sơ, dân mỏi mòn chờ chế độ

09:12, 21/12/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mặc dù người dân nhiều lần phản ánh, bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết - cán bộ thương binh - xã hội xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa) thiếu tinh thần trách nhiệm trong giải quyết hồ sơ chính sách, nhưng chưa được lãnh đạo xã xem xét. Đến khi bà Tuyết nghỉ thai sản, xã tuyển người khác vào làm, qua kiểm tra hồ sơ đã phát hiện hơn 100 bộ hồ sơ bị “ngâm” tại xã.

Mòn mỏi chờ…

"Đầu năm 2013, có thông tin những người tàn tật như tôi được Nhà nước trợ cấp an sinh xã hội, tôi làm hồ sơ xét duyệt hỗ trợ gửi cán bộ thôn (hồi đó quy định gửi qua thôn). Rồi sau đó người ta nói hồ sơ chưa đạt phải làm lại. Cuối năm 2014, tôi ra tỉnh khám lại lần 2 để làm hồ sơ gửi UBND xã, nhưng rồi đến nay vẫn mòn mỏi chờ...?", ông Trần Trung Phán (68 tuổi), thôn Đông Mỹ, xã Nghĩa Hiệp, nói. Bà Trần Thị Hoài Phương (vợ ông Phán) cho biết thêm: Tôi có ra xã hỏi thì bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết nói hồ sơ bị thất lạc, sau đó lại nói hồ sơ đã chuyển lên huyện... Tôi lên huyện thì cán bộ Phòng LĐ-TB&XH nói không có thông tin về hồ sơ của chồng tôi.

 Mọi sinh hoạt hằng ngày của bà Đặng Thị Ái đều phải nhờ người chồng già 76 tuổi.
Mọi sinh hoạt hằng ngày của bà Đặng Thị Ái đều phải nhờ người chồng già 76 tuổi.


Cùng cảnh tật nguyền như ông Phán, bà Đặng Thị Ái (73 tuổi), thôn Đông Mỹ bị mù từ năm 2013, nên mọi sinh hoạt đều phải nhờ vào người chồng già yếu là ông Lê Ngộ (76 tuổi). Bà Ái cho biết, đầu năm 2013, bà bị ngã do tai biến mạch máu não nên mắt bị mờ. Cùng năm đó, vợ chồng bà vay mượn tiền ra Bệnh viện huyện Tư Nghĩa khám, làm hồ sơ đề nghị Nhà nước trợ cấp. Nạp hồ sơ và chờ mãi không thấy thông tin nên đầu năm 2015, ông Lê Ngộ xuống hỏi thì cô Tuyết nói đã gửi huyện, nhưng lên huyện thì bảo không có hồ sơ. "Tôi quay về xã hỏi thì họ nói phải làm lại. Cuộc sống vợ chồng tôi giờ quá khó khăn, tiền vay mượn đi khám làm hồ sơ lần trước chưa biết lấy gì trả, cái ăn còn chưa đủ no lấy tiền đâu mà khám lại”, bà Ái thở dài lo lắng.

Quá tin cấp dưới…

Hoàn cảnh gia đình ông Phán và bà Ái hiện rất khó khăn. Bản thân ông Phán phải ngồi xe lăn, mọi sinh hoạt đều phải nhờ vợ con. Còn bà Ái thì hoàn cảnh hơn, bản thân bà mù, nên mọi sinh hoạt đều phải nhờ người chồng già 76 tuổi thường xuyên đau ốm. Hai cô con gái lấy chồng xa và làm thuê trong TP. Hồ Chí Minh nên cũng không chu cấp được gì cho cha mẹ. Những đối tượng này đáng ra phải được trợ cấp khó khăn từ năm 2013, nhưng rồi vì sự tắc trách của cán bộ mà nhiều hộ chưa được giải quyết.

Trao đổi với chúng tôi về việc hồ sơ bị “bỏ quên” trong tủ, ông Trần Văn An - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hiệp, nói: Qua kiểm tra, năm 2013 tồn đọng 54 hồ sơ đề nghị được hưởng trợ cấp xã hội; 42 bộ hồ sơ đề nghị nhận thờ cúng liệt sĩ. Còn năm 2014, trên địa bàn xã có 120 bộ hồ sơ đề nghị nhận thờ cúng liệt sĩ và đã giải quyết 76 bộ hồ sơ…

Hiện các hồ sơ đang được xã chỉ đạo tập trung giải quyết. Trong đó có 10/16 bộ hồ sơ đã chuyển cho Bộ LĐ- TB&XH phê duyệt truy tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng, 2 hồ sơ huyện đang kiểm tra và 4 bộ hồ sơ xã yêu cầu các đối tượng bổ sung. Về hồ sơ đề nghị nhận thờ cúng liệt sĩ tồn đọng năm 2013 đã có 32/42 hộ đến nhận hồ sơ về bổ sung ủy quyền. Riêng số hồ sơ đề nghị nhận thờ cúng liệt sĩ năm 2014 còn 53 hồ sơ, xã đang tập trung giải quyết. Cũng theo ông An, nguyên nhân do cán bộ hợp đồng làm công tác TBXH làm không kịp, có lúc báo cáo không trung thực... Việc xử lý cán bộ để tồn đọng hồ sơ này như thế nào phải chờ đến khi cán bộ này đi làm trở lại.

Bài, ảnh: Bá Sơn
 


.