Ấm áp tình người

02:12, 19/12/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong lúc nguy kịch, người bị bệnh sốt xuất huyết (SXH) cần chuyển gấp những đơn vị tiểu cầu để giành sự sống. Nhiều trường hợp người nhà không cùng nhóm máu, bệnh viện không trữ được nhưng cũng đã nhận được những tấm lòng và nghĩa cử cao đẹp.

TIN LIÊN QUAN

Đã hơn 5 giờ chiều của ngày cuối tuần, Khoa nhiệt đới (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) liên tục tiếp nhận những bệnh nhân có dấu hiệu SXH. Bác sĩ Dương Thị Hải Đường cho biết, mấy tháng nay bệnh nhân tăng liên tục, có ngày tiếp nhận 30-35 ca, kéo dài khoảng 5 tháng qua. Đến ngày 11.12, tại Khoa nhiệt đới còn có đến 126 bệnh nhân đang điều trị, trong đó người mắc bệnh SXH gần 100 ca. Đa số người nhập viện trong tình trạng tụt huyết áp sâu, người đã vỡ tiểu cầu, xuất huyết nội hoặc ngoài da. “Những bệnh nhân này nếu cấp cứu không kịp thời thì nguy cơ tử vong rất cao”, bác sĩ Đường bộc bạch.

Ông Nguyễn Đình Ảnh dần vượt qua cơn nguy kịch, nhờ tấm lòng chia sẻ những giọt tiểu cầu của nhiều người.
Ông Nguyễn Đình Ảnh dần vượt qua cơn nguy kịch, nhờ tấm lòng chia sẻ những giọt tiểu cầu của nhiều người.


Theo các bác sĩ, những bệnh nhân bị bệnh SXH nặng là do vỡ tiểu cầu, xuất huyết dẫn đến tụt huyết áp. Nhiều bệnh nhân nặng, huyết áp giảm còn 20.000k/ul- 50.000k/ul (người bình thường là 140.000– 150.000k/ul) thì khó điều trị bằng thuốc hay truyền nước, mà cần phải có một lượng tiểu cầu nhất định để bổ sung vào cơ thể. Trong khi, đặc thù của loại tiểu cầu thì không thể dự trữ trong “ngân hàng máu" nên cần phải có người hiến tặng trực tiếp.

Chị Nguyễn Thị Bốn ở thị trấn Chợ Chùa (Nghĩa Hành) vừa mới qua cơn nguy kịch, bộc bạch: "Nếu không có tiểu cầu của người cháu thì có lẽ tôi đã không qua khỏi". Khi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, chị rơi vào trạng thái xuất huyết ở mũi, hậu môn, bác sĩ chỉ định cần truyền tiểu cầu gấp. Cả nhà chị phải huy động anh em, bà con hơn 15 người tập trung đến bệnh viện để lấy máu xét nghiệm nhưng bác sĩ đều lắc đầu. Trong phút giây thập tử nhất sinh, chị Bốn đã được người cháu ở xa về trong đêm để lấy tiểu cầu, tiếp sự sống cho chị.
 

Trong năm 2015, bệnh SXH tăng và kéo dài nên đến nay Bệnh viện và người nhà bệnh nhân đã huy động được hơn 500 đơn vị tiểu cầu để cứu người bệnh kịp thời. Nghĩa cử cao đẹp của người hiến tặng trong thời điểm bệnh nhân rơi vào trạng thái nguy kịch càng ấm tình người.

Ở giường bệnh gần bên, ông Nguyễn Đình Ảnh (phường Lê Hồng Phong TP. Quảng Ngãi), bày tỏ: “Trong lúc nguy kịch mới thấy tình người…”. Ông Ảnh được đưa vào viện trong tình trạng đau đầu, nôn ói, chân tay mỏi, yếu. Bác sĩ chỉ định bác cũng phải truyền tiểu cầu gấp. Nhà ông phải huy động bà con, cháu nội ngoại, nhưng hết người đến người lần lượt ra về, đến người thứ 15 bác sĩ mới lấy được tiểu cầu để truyền cho ông.

Tại Khoa nhiệt đới, người bệnh và người nhà bệnh nhân còn chứng kiến nhiều câu chuyện cảm động về nghĩa cử cao đẹp hiến tặng cho nhau những giọt tiểu cầu để cứu sống người bệnh. Như trường hợp của một lão nông quê Bình Trị (Bình Sơn) bị SXH nặng. Bác sĩ chỉ định truyền tiểu cầu ngay trong đêm, gia đình không quen biết ai ở TP. Quảng Ngãi nên huy động hết người thân ở quê và bà con lối xóm khoảng 20 người vào trong đêm vẫn không lấy được tiểu cầu. Cảm động trước hoàn cảnh của bác, những người nhà bệnh nhân cùng nằm viện với bác đã đưa thông tin lên facebook, ngay sau đó có một công nhân ở Dung Quất tìm đến Bệnh viện để hiến tặng tiểu cầu. Nghĩa cử của anh công nhân dù không để lại tên nhưng vẫn lưu mãi trong lòng người bệnh, người nhà bệnh nhân về một hình ảnh cao đẹp của tình người.   
    
Theo cử nhân Nguyễn Thị Mỹ Thoa - Phòng huyết học, xuất huyết cho biết: Sở dĩ tiểu cầu lấy khó là do gặp rất nhiều trở ngại so với lấy máu nguyên khối. Trước hết, muốn lấy tiểu cầu phải xác định người bệnh thuộc nhóm máu nào. Sau đó xác định nhóm máu của người hiến tặng. Rồi mới tiến hành xét nghiệm sàng lọc máu đủ tiêu chuẩn, tránh các loại bệnh mãn tính. Hơn nữa người hiến máu phải có vênh khỏe, to, để tránh trường hợp vênh vỡ làm hỏng thiết bị gạn tách tiểu cầu, tốn chi phí cao. Vì vậy, tìm nhóm máu đã khó, khi có thì không đủ tiêu chuẩn.

Mỗi lần sàng lọc, xét nghiệm phải mất 2 tiếng đồng hồ, nên mỗi bệnh nhân bị bệnh SXH nặng tìm được tiểu cầu mất nhiều thời gian. Nhiều lúc bệnh nhân không tìm ra người hiến tặng, bệnh viện phải huy động “ngân hàng tiểu cầu sống”. Đã có nhiều đoàn viên ở Bệnh viện hiến tặng nhiều lần để giúp bệnh nhân giành lại sự sống.
 

Bài, ảnh: MAI HẠ


 


.