Sơn Hà kết nối các huyện vùng cao để phát triển

01:11, 03/11/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội (KT - XH) đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 của tỉnh xác định, Sơn Hà sẽ là tiểu vùng trung tâm KT-XH phía tây của tỉnh, tạo động lực để KT - XH 6 huyện miền núi của tỉnh phát triển. Do đó, cùng với việc khai thác nội lực, huyện Sơn Hà cũng đã xây dựng lộ trình mở rộng phạm vi kết nối giữa các huyện vùng cao trong tỉnh để cùng nhau phát triển...

TIN LIÊN QUAN

Động lực phát triển...

"Các huyện miền núi trong tỉnh liên kết  để phát triển nhằm  khai thác lợi thế của mỗi địa phương là hướng đi đúng đắn. Song, vấn đề quan trọng  ở đây là phải làm sao thay đổi cho được  tập quán sản xuất, canh tác lạc hậu của người dân, xóa bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại vào Nhà nước. Để làm được điều đó, phải xây dựng cho bằng được đội ngũ cán bộ có chất lượng", Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Quang, nói

Với vị thế là trung tâm của 6 huyện miền núi trong tỉnh, Sơn Hà có nhiều thuận lợi trong việc liên kết vùng để phát triển KT - XH. Đây là lợi thế mà không phải huyện miền núi nào trong tỉnh cũng có được, đồng thời cũng là chiến lược phát triển kinh tế vùng của tỉnh được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII nhấn mạnh. Vì thế, trong những năm qua, Sơn Hà đã huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông liên xã, liên huyện, coi đây là nền tảng để mỗi địa phương khai thác có hiệu quả các lợi thế để phát triển KT-XH và đảm bảo quốc phòng, an ninh  khu vực miền núi.

Ông Nguyễn Phong- Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà, nói: "Để liên kết vùng là động lực phát triển của mỗi địa phương, trước mắt chúng ta phải kết nối cho được về hạ tầng giao thông; hình thành các Cụm công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp, làng nghề; phát triển vùng nguyên liệu, cây trồng, vật nuôi... theo lợi thế của từng địa phương”.

Việc Sơn Hà tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng, nâng cấp tuyến đường Sơn Cao - Sơn Kỳ, Sơn Thượng - Sơn Tinh, cầu Sông Rin 2... đã khởi đầu cho việc liên kết vùng để phát triển. Cùng với đó là việc đầu tư xây dựng Cụm TTCN Đèo Gió (Sơn Hạ) đã thu hút DN đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến lâm sản và dăm gỗ công suất 60.000 tấn/năm đã góp phần tăng giá trị sản xuất công nghiệp của huyện. Trong nhiệm kỳ qua, tổng giá trị sản xuất của huyện đạt 585 tỷ đồng, tăng trưởng 11,6%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm từ 64,2% xuống còn 24%, vượt 6% chỉ tiêu tỉnh giao. Đến nay, thị trấn Di Lăng đã đạt 30/49 tiêu chí của đô thị loại V và đang vươn lên xứng tầm là trung tâm kinh tế - văn hóa ở phía tây tỉnh... Sơn Hà phấn đấu đến năm 2020, xây dựng thị trấn Di Lăng đạt đô thị loại V và một số tiêu chí của đô thị loại IV.

Liên kết cùng phát triển

 Từ khi có cây cầu treo dân sinh, đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân thôn Làng Bung  xã Sơn Ba (Sơn Hà).         Ảnh: T.L
Từ khi có cây cầu treo dân sinh, đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân thôn Làng Bung xã Sơn Ba (Sơn Hà). Ảnh: T.L


Hiện tại, các huyện miền núi trong tỉnh bước đầu đã khai thác có hiệu quả những tiềm năng, lợi thế trong phát triển kinh tế- xã hội. Như ở Sơn Hà có Nhà máy chế biến tinh bột mì Sơn Hải, tiêu thụ sản phẩm cho người dân Ba Tơ, Sơn Tây. Ở huyện Ba Tơ, tập trung phát triển cây keo nguyên liệu để phục vụ Nhà máy chế biến dăm gỗ xuất khẩu trên địa bàn huyện. Còn ở huyện Tây Trà, Trà Bồng phát triển cây quế, kết hợp phát triển chăn nuôi.

Thời gian đến, cùng với phát triển cây mì, keo nguyên liệu, Sơn Hà chú trọng phát triển cây lâm nghiệp lấy gỗ như lim, sao đen, dầu... nhằm tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp. Khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa. Đây là bước đột phá căn bản, mở hướng phát triển bền vững. Dự kiến, mỗi năm huyện dành 2 tỷ đồng từ các nguồn vốn để hỗ trợ kỹ thuật, cây giống lâm nghiệp, vật nuôi cho người dân.  

Cũng theo ông Nguyễn Phong, để Sơn Hà sớm đạt kết quả theo hướng là trung tâm đô thị phía tây của tỉnh, tỉnh cần phải quy hoạch tổng thể, hỗ trợ kinh phí, cơ chế để Sơn Hà thể hiện vai trò, vị trí của mình trong phát triển kinh tế vùng. Trong đó, tiếp tục hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông tạo động lực liên kết vùng để phát triển.


B.Sơn - P.Đức

 


.