Quản lý môi trường nông thôn: Nhiều lĩnh vực khó xử lý

09:11, 19/11/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nông thôn giữ vai trò là vành đai xanh đối với đô thị. Nó góp phần cân bằng sinh thái giữa thành thị và nông thôn. Tuy nhiên, hiện nay môi trường nông thôn (MTNT) trên địa bàn tỉnh đang chịu nhiều sức ép khi chất thải sản xuất, sinh hoạt, chất thải làng nghề… ngày một gia tăng. Trong khi đó công tác quản lý MTNT lại thiếu đơn vị đầu mối quản lý, nên nhiều mảng còn bỏ ngỏ.

TIN LIÊN QUAN

Quá tải rác thải

Những năm gần đây, MTNT trên địa bàn tỉnh chịu nhiều áp lực khi lượng rác thải đang ngày một gia tăng. Không đơn thuần chỉ là rác thải sinh hoạt, mà chất thải là bao bì hóa chất bảo vệ thực vật, chất thải từ các hoạt động sản xuất nông – lâm – ngư nghiệp, chất thải từ các cụm làng nghề... khiến việc xử lý ô nhiễm môi trường trở nên khó khăn, phức tạp.

Rất ít xã ở khu vực nông thôn thành lập được đội thu gom rác với xe thu gom hiện đại như thế này.
Rất ít xã ở khu vực nông thôn thành lập được đội thu gom rác với xe thu gom hiện đại như thế này.


Theo thống kê của Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh MTNT, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 230.000 hộ gia đình chăn nuôi phân tán, xen lẫn trong các khu dân cư. Trong đó, số hộ dân thực hiện các dự án khí sinh học giảm thiểu ô nhiễm trong chăn nuôi chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Vì vậy, việc giải quyết chất thải trong chăn nuôi tại khu vực nông thôn đang là vấn nạn chưa thể giải quyết triệt để. Hiện, tỷ lệ chất thải rắn ở nông thôn được xử lý đạt khoảng 40%. Điều đó đồng nghĩa với việc 60% lượng chất thải rắn còn lại, người dân phải “tự lo”.
 

Ông Cao Văn Cảnh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường, cho rằng: “ Ý thức trách nhiệm của người dân trong bảo vệ môi trường đóng vai trò quyết định. Vì thế, các cấp, ngành phải tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật đến người dân”.

Theo ông Nguyễn Văn Thuộc- Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh MTNT: “ Vấn đề quá tải rác thải khu vực nông thôn, nhất là tại các khu vực ven biển đang ngày càng trở nên bức xúc. Trong khi đó, kinh phí để xử lý ô nhiễm MTNT lại quá thấp, nên Trung tâm chỉ mới dừng lại ở công tác tuyên truyền. Còn tại các địa phương, chính quyền và người dân phải linh động tự thành lập đội thu gom, sau đó hợp đồng với các công ty thu gom để đưa rác về bãi chôn lấp”.


Với đặc thù  của các xã ven biển là đất chật, người đông, đường sá nhỏ hẹp, lại không có nơi  để xây dựng bãi chôn lấp nên vấn đề quá tải rác thải tại khu vực này đang ngày một trầm trọng. Dọc các xã ven biển như Bình Châu, Bình Đông (Bình Sơn) và huyện đảo Lý Sơn... tình trạng rác thải sinh hoạt được “tập kết” ngay ngoài đường, cảng cá... đã và đang là vấn đề nhức nhối, chưa thể giải quyết.

Nhiều “điểm đen” ô nhiễm khó xóa bỏ

Ngoài các vấn đề bức xúc liên quan đến quá tải rác thải, khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh còn có rất nhiều “địa chỉ” nằm trong danh mục ô nhiễm môi trường trầm trọng, nhưng rất khó xử lý dứt điểm vì thiếu kinh phí. Đó là 6 nền kho thuốc bị ô nhiễm. Điều đáng lo ngại là dư lượng thuốc BVTV tại 6 điểm này nếu không sớm giải quyết, sẽ dần ngấm vào đất, gây ô nhiễm mạch nước ngầm, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Đơn cử như kho thuốc BVTV tại xã Phổ Cường. Đây là kho thuốc xây dựng từ năm 1986, hiện tầng đất bên dưới nền kho bị ô nhiễm nặng bởi các loại thuốc BVTV. Các tầng đất khu vực xung quanh nền kho bị ảnh hưởng nhiều mức độ khác nhau. Mùi hôi của thuốc BVTV vẫn tiếp tục phát sinh và phát tán ra khu vực xung quanh theo sự thay đổi của thời tiết.  Đáng chú ý nhất là nhà kho nằm giữa khu dân cư, tiếp giáp 2 con đường đi lại của người dân trong xã.

Liên quan đến những vấn đề nêu trên, UBND tỉnh đã nhiều lần kiến nghị Bộ TN&MT xem xét tham mưu bổ sung các kho thuốc BVTV trên địa bàn tỉnh vào kế hoạch xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cần xử lý triệt để giai đoạn 2016 - 2020 của Chính phủ và hỗ trợ tỉnh về kinh phí cũng như hướng dẫn phương pháp tiêu hủy, xử lý ô nhiễm tại các nền kho thuốc BVTV trên địa bàn.

Trước tình trạng ô nhiễm môi trường khu vực nông thôn ngày càng trầm trọng, đã đặt ra cho các ngành chức năng cần quyết liệt, trách nhiệm hơn nữa trong công tác quản lý, xử lý. Theo ông Nguyễn Văn Thuộc - Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh MTNT, để nâng cao hiệu quả công tác thu gom, xử lý rác thải khu vực nông thôn, cần có nhiều giải pháp, cơ chế, chính sách trong huy động tài chính, kêu gọi, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực vệ sinh MTNT. Bởi hiện tại trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có doanh nghiệp mặn mà với việc đầu tư,  xây dựng nhà máy thu gom, tái chế rác thải ở khu vực nông thôn.
 

Bài, ảnh: Ý THU

 


.