Nợ bảo hiểm xã hội: Kỳ 2- Nhiều bất cập cần sớm có lời giải

08:11, 19/11/2015
.

(Baoquangngai.vn)- Thực trạng trốn nợ, chây ỳ kéo dài thời gian đóng BHXH trong năm nay tiếp tục gia tăng và đã trở thành nợ khó đòi, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người lao động. Hàng chục nghìn lao động đang rơi vào cảnh "tiền mất tật vẫn mang".

TIN LIÊN QUAN


Lương hưu thấp hơn thu nhập hộ nghèo

Vừa qua, Đoàn Kiểm tra liên ngành 1119 của tỉnh gồm đại diện BHXH tỉnh, Thanh tra tỉnh và Sở LĐ TB&XH tỉnh đã đi kiểm tra thực tế tại hàng loạt các DN nợ BHXH. Không chỉ nợ BHXH, cách tính đóng BHXH cho người lao động của các DN cũng lộ rõ những bất cập.

Mức đóng BHXH bắt buộc, BHTN được tính trên cơ sở tiền lương, tiền công của người lao động. Đối với người lao động đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH là mức tiền lương, tiền công ghi trong hợp đồng lao động.

Như vậy, số tiền đóng BHXH bắt buộc sẽ căn cứ trên tiền lương, tiền công ghi trên hợp đồng lao động chứ không phải căn cứ vào mức lương tối thiểu vùng. Mức tiền lương, tiền công được điều chỉnh tăng lên thì mức đóng BHXH, BHTN cũng tăng theo.

Thế nhưng, hầu hết các DN “lập lờ đánh lận con đen”, không làm rõ ràng, cụ thể hợp đồng lao động, không xây dựng bảng lương, thang lương; đóng BHXH, BHTN căn cứ trên mức lương tối thiểu vùng, dù lương có tăng lên bao nhiêu lần thì mức đóng BH cho người lao động vẫn như cũ.

 

Hàng ngàn người lao động đang phải chịu thiệt vì DN nợ BHXH. Ảnh: Minh hoa.
Hàng ngàn người lao động đang phải chịu thiệt vì DN nợ BHXH. Ảnh minh họa.



Ông Nguyễn Thái Long- Phó Trưởng phòng Lao động tiền lương & Bảo hiểm xã hội (Sở LĐ TB&XH tỉnh) cho rằng, việc tính đóng BH của DN hiện nay bất cập, gây nhiều thiệt thòi cho người lao động, đến khi về hưu tiền lương hưu do BHXH tri chả còn thấp hơn thu nhập quy định của hộ nghèo. Hóa ra họ lại rơi vào diện hộ nghèo, tăng thêm gánh nặng cho xã hội thay vì giảm gánh nặng cho xã hội.

Ông Long dẫn chứng, mức lương tối thiểu vùng tại TP.Quảng Ngãi của khối DN là 2,4 triệu đồng và hầu hết DN đóng BH cho người lao động dựa theo mức này từ lúc kí hợp đồng đến khi về hưu.

DN nợ nên họ rơi vào cảnh "tiền mất tật mang", sẽ không có sổ BHXH, không được Nhà nước chăm lo khi ốm đau, thai sản, bị tai nạn lao động... Không ít trường hợp nghỉ việc, nhưng không được hưởng chính sách BHTN, ốm đau phải tự chạy vạy tiền thuốc men… Khổ sở thế đã đành, đến khi về hưu lương thì lương hưu lại thấp hơn quy định của hộ nghèo.

Đơn cử như năm 2014, Công ty TNHH Đầu tư và xây dựng Phong Thành có 19 lao động thuộc diện bắt buộc đóng BHXH, từ đầu năm 2015 đến nay có 7 lao động nghỉ việc, nhưng vẫn không thể chốt được Sổ BHXH vì DN nợ BHXH cả năm 2015.

Không chỉ nợ BHXH, tình trạng “giam” lương cũng diễn ra phổ biến ở nhiều DN, là chuyện không mới, khiến người lao động lâm vào cảnh khốn cùng.

Một giảng viên từng dạy tại một trường dân lập tâm tư: Cả tháng qua, do trường nợ lương, nợ BH nên anh đành nghỉ việc để tìm việc làm khác. Dạy tại trường đã 7 năm, mức lương cũng chỉ được 4,5 triệu đồng/tháng, tiền lương tháng trả, tháng không, dạy vượt quy định đến hơn 150 tiết mỗi năm vẫn không được tính tiền tăng tiết, cầm trên tay được thẻ BHYT chưa kịp mừng đã hết hạn.

Việc nợ chế độ của người lao động ở đơn vị này là chuyện thường tình. Cố gắng cầm cự từ tháng này qua tháng khác với hy vọng sẽ được trả lương, khắc phục nợ BHXH nhưng rốt cuộc anh lại tiếp tục thất vọng. Giờ thất nghiệp, chạy vạy khắp nơi để tìm việc trong khi không thể giải quyết được chế độ BHTN do không thể chốt được sổ BHXH.

 

Số tiền nợ BHXH tại Quảng Ngãi đã lên đến con số 100 tỷ đồng.
Số tiền nợ BHXH tại Quảng Ngãi đã lên đến con số 100 tỷ đồng.

Có thể xử lý hình sự

Hành vi cố tình chiếm dụng BH của người lao động nếu không có một biện pháp mới và chế tài mạnh hơn, thì việc thất thoát tiền tỷ của nhà nước cũng là điều dễ hiểu, thiệt thòi luôn ở phía người lao động. Việc kiện các DN vi phạm ra toà như thời gian qua là việc làm hết sức cần thiết, song hiệu quả đem lại chưa thực sự như mong muốn.

Mới đây, BHXH Việt Nam vừa có báo cáo gửi Bộ Tư pháp nội dung góp ý dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi). Đáng chú ý, Dự thảo Bộ Luật hình sự (sửa đổi) đã bổ sung thêm các tội danh liên quan đến lĩnh vực này, đó là tội gian lận BHXH (Điều 218); tội gian lận BHYT (Điều 219); tội trốn đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm bắt buộc cho người lao động (Điều 220).

Dự thảo Bộ Luật hình sự sửa đổi hiện nay đang được lấy ý kiến nhân dân sau khi các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII cho ý kiến. Theo đó, cùng với nâng mức phạt tiền còn được đề nghị bổ sung thêm mức phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm; tùy theo hành vi và số tiền nợ.

Tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN là tội phạm gắn với lợi ích kinh tế của cả bên bị hại cũng như bên phạm tội; mục đích truy cứu trách nhiệm hình sự với hành vi này cũng nhằm trước hết là bảo vệ quỹ BHXH, BHYT, bảo vệ quyền lợi của người lao động. Hy vọng, điều này sẽ hóa giải được bài toán nợ BHXH phức tạp và kéo dài dai dẳng.

 

Bài, ảnh: Ái Kiều
 


.