Nợ bảo hiểm xã hội: Kỳ 1- Ăn nên làm ra vẫn "chây ì"

09:11, 18/11/2015
.

(Baoquangngai.vn)- Đã thành thông lệ, từ tháng 10 đến cuối năm, ngành bảo hiểm lại phải “tung quân” đến tận các doanh nghiệp (DN) để đòi nợ bảo hiểm của người lao động. Và năm nay cũng không ngoại lệ.

TIN LIÊN QUAN

Theo quy định, hằng tháng DN đóng cho người lao động và trích từ tiền lương tháng của người lao động để đóng cùng một lúc vào Quỹ BHXH, BHYT, BHTN với tỷ lệ đóng là 32,5%, trong đó, người lao động đóng 10,5% và DN đóng 22%. Hằng tháng người lao động vẫn đều đặn bị khấu trừ từ lương cơ bản, thế nhưng, số tiền ấy lại không đến được với cơ quan BHXH.

Danh sách DN nợ BH dài dằng dặc, có đến gần 700 DN, với số tiền lên đến cả 100 tỷ đồng, kéo dài trong nhiều năm qua. Không ít DN nợ kéo dài từ năm 2012 đến nay vẫn không chịu trả.

Trong đó, điển hình nhất là Công ty CP Bê tông ly tâm Dung Quất với số tiền nợ tính đến tháng 7.2015 lên tới hơn 3,4 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Trà Tân 833 triệu đồng, Công ty CP Thiên Đàng 925 triệu đồng.

Chi nhánh Công ty CP Xây dựng công trình giao thông 586- Xí nghiệp xây dựng công trình 5 nợ 576 triệu đồng, Công ty CP SX- TM- DV Xuất nhập khẩu Dung Quất 703 triệu đồng.

Công ty TNHH Công nghệ Khánh Linh 409 triệu đồng, Công ty CP Xây dựng&Thương mại PLG 321 triệu đồng, Công ty TNHH Tấn Phát 193 triệu đồng, Công ty TNHH Trắc địa và Môi trường 345 triệu đồng, Công ty CP TM DV Phước Đạt 251 triệu đồng.

 

Đoàn kiểm tra liên ngành 1119 của tỉnh kiểm tra tại Công ty Phong Thành.
Đoàn kiểm tra liên ngành 1119 của tỉnh kiểm tra tình hình đóng BHXH cho người lao động tại Công ty TNHH Đầu tư và xây dựng Phong Thành (TP. Quảng Ngãi).


Trung tâm Trắc địa và quan trắc môi trường Quảng Ngãi 454 triệu đồng, Trung tâm Kỹ thuật quan trắc môi trường 692 triệu đồng, Công ty TNHH Bất động sản Hưng Việt- chi nhánh Quảng Ngãi 580 triệu đồng, Công ty Tư vấn xây dựng công trình giao thông Quảng Ngãi 350 triệu đồng,… Nguyên nhân mà hầu hết DN viện dẫn nợ BHXH là do làm ăn thua lỗ hoặc không có lãi.

Lãnh đạo một DN đóng trên địa bàn Khu Kinh tế Dung Quất phân trần: “Thực ra chúng tôi không muốn nợ BHXH để làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động cũng như uy tín của đơn vị. Nhưng do những năm gần đây tình hình kinh doanh của DN gặp rất nhiều khó khăn, thu không đủ bù chi, DN đã nhiều lần xin bổ sung ngành nghề hoạt động, nhưng do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế nên tình hình vẫn chưa được cải thiện”.

Tuy nhiên, ông Phan Văn Lệ- Trưởng Phòng thu, BHXH tỉnh cho rằng: “Cũng có DN thua lỗ, nhưng cũng có nhiều DN ăn nên làm ra vẫn cố tình không nộp, “chây ì” để chiếm dụng".

Ông Trần Nguyên Phong- Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và xây dựng Phong Thành, DN đang nợ 132 triệu đồng tiền BHXH của 12 lao động giãi bày: “Công ty hoạt động bên lĩnh vực tư vấn, thiết kế, mà công việc này đầu năm có công trình và cuối năm mới giải ngân nên đơn vị mới đóng BHXH cho người lao động vào cuối năm”.

Cũng có tình trạng đơn vị lập tức chuyển trả sau khi BHXH gửi lịch thanh, kiểm tra. Tuy nhiên, số này chiếm thiểu số, còn hầu hết là chây ì. Mặc dù BHXH đã thành lập các đoàn thanh, kiểm tra đến tận nơi tuyên truyền luật BHXH, vận động, nhắc nhở, thậm chí là xử phạt hành chính, khi ấy họ đối phó bằng cách chi trả theo kiểu lấy lòng tin, nhỏ giọt rồi đâu lại vào đấy.

Hiện nay, mức phạt chậm nộp BHXH, BHTN là 7,54%/năm, tương đương với 0,628%/tháng, còn mức phạt BHYT bằng hai lần lãi suất liên ngân hàng tính trên số tiền, thời gian chậm đóng chưa đủ mạnh để các DN thực hiện nghiêm túc. Phương châm của DN là thà nợ BH còn hơn nợ ngân hàng.

Sau nhiều năm loay hoay đòi nợ, hai năm qua, BHXH áp dụng biện pháp tưởng chừng mạnh tay nhất, hữu hiệu nhất là kiện DN ra tòa cũng gian nan không kém. Vừa qua, BHXH tỉnh và BHXH các huyện, thành phố đã kiện 22 DN ra tòa, dù thắng kiện, nhưng kết quả chỉ có 11 DN trả nợ số tiền ít ỏi hơn 3,6/12 tỷ đồng.

Đơn cử như tại huyện Bình Sơn, BHXH huyện đã thắng kiện 3 đơn vị là Công ty CP SX- TM- DV Xuất nhập khẩu Dung Quất, Công ty Lý Tuấn và Công ty CP Bê tông ly tâm Dung Quất, nhưng mới chỉ có Công ty Lý Tuấn chuyển trả 50/260 triệu đồng tiền nợ.

Theo cơ quan thi hành án, việc xác minh để kiểm kê tài sản của các DN rất khó thực hiện. Bởi thế, việc “đến hẹn lại đòi”  vẫn chưa thoát khỏi tiền lệ, và người lao động lại tiếp tục chịu thiệt.

Bài, ảnh: Ái Kiều

 

Nợ bảo hiểm xã hội: Kỳ 2- Nhiều bất cập cần sớm có lời giải


 


.