Đảm bảo ATGT đường thủy khu vực lòng hồ:
Cần nâng cao ý thức cho người dân

01:11, 11/11/2015
.

(Baoquangngai.vn)- Hiện nay, số lượng ghe máy dân dụng của người dân dùng để di chuyển, đánh bắt thủy sản… ở khu vực hồ chứa nước Nước Trong (Sơn Hà) và thủy điện Đăkđrinh (Sơn Tây) khá lớn. Tuy nhiên, có không ít hộ dân chưa ý thức cao về vấn đề đảm bảo an toàn giao thông đường thủy.  Chính vì vậy, đây đang là mối quan tâm lớn, nhất là đang trong thời điểm mùa mưa lũ. 

TIN LIÊN QUAN

Mối nguy hiểm rình rập
 
Những năm gần đây, từ khi hồ chứa nước Nước Trong và thủy điện Đăkđrinh ngăn dòng, tích nước, nhiều diện tích nương rẫy của người dân nằm trong khu vực lòng hồ, nên hành trang trong những chuyến đi rẫy của người dân Sơn Bao (Sơn Hà), Sơn Dung (Sơn Tây)... sống dọc ven hồ chứa nước Nước Trong và thủy điện Đăkđrinh ngoài những công cụ sản xuất truyền thống còn không thể thiếu những chiếc ghe dân dụng.
 
Với diện tích lòng hồ tương đối rộng, thì  những chiếc ghe máy trở thành phương tiện khá thuận tiện của người dân để đi lại hàng ngày tham gia lao động, sản xuất, đánh bắt thủy sản, mua bán trao đổi hàng hoá với nhau....  
 
Song bên cạnh những tiện ích, góp phần giao lưu trao đổi kinh tế - xã hội của người dân vùng lòng hồ, thì vấn đề an toàn giao thông (ATGT) đường thủy đang là nỗi lo, nhất là khi mùa mưa bão đã đến. Bởi, vấn đề ý thức đảm bảo ATGT hầu như không được người điều khiển phương tiện ghe máy chú ý. 
 
Mục sở thị tại khu vực hồ chứa nước Nước Trong và thủy điện Đăkđrinh, chúng tôi nhận thấy trừ một số ghe máy hoạt động chuyên chở khách, hàng hóa có trang bị áo phao hoặc các dụng cụ nổi cứu sinh, còn lại hầu hết các ghe máy dân dụng của người dân dùng để di chuyển hàng ngày đều không có những thiết bị đảm bảo an toàn. 
 
Giữa biển nước mênh mông, già trẻ, trai gái ai cũng có thể điều khiển. Điều đáng lo ngại là những chiếc ghe này đều do người dân mua hoặc tự đóng, người điều khiển phương tiện lại chưa nắm được hết các quy định của pháp luật về giao thông đường thủy. Đáng sợ nhất là nhiều ghe máy khá nhỏ nhưng vẫn chở 4 - 5 người, thậm chí 6 người nên rất mất an toàn. Nguy cơ tiềm ẩn tai nạn xảy ra trên lòng hồ vẫn luôn rình rập bất cứ lúc nào.
 
Rất nhiều người dân đi lại trên khu vực lòng hồ chứa nuóc chưa ý thức được vấn đề ATGT đường thủy
Rất nhiều người dân đi lại trên khu vực lòng hồ chứa chưa ý thức được vấn đề ATGT đường thủy.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, mặc dù thời gian qua chưa xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng dẫn đến chết người, nhưng theo người dân thường xuyên đi lại ở những khu vực này cho biết, cũng đã có không ít vụ tai nạn giao thông đường thủy xảy ra như chìm ghe, gặp sự cố lật giữa dòng…
 
Điển hình như, tháng 2 năm 2015, ông Đinh Văn Rê ở xã Sơn Dung (Sơn Tây) dùng ghe máy chở anh em trong gia đình sang thăm nhà bà con ở xã Đắk Nên ở huyện Kon Plông (Kon Tum), trên đường về thì gặp sự cố lật ghe, làm cả 5 người trên ghe rơi xuống nước. May mắn, lúc ghe gặp sự cố chỉ còn cách bờ khoảng 100m nên toàn bộ số người đi trên ghe đều bơi được vào bờ thoát chết.
 
Biết nguy hiểm là vậy. Song, khi được hỏi tại sao không mang theo áo phao đi cho an toàn? Người thì lý giải có nhưng quên mang theo, người thì nói không đủ tiền mua áo phao, nhiều người thì cho rằng đi quen rồi nên không ngại, nếu có chìm ghe thì họ vẫn dư sức bơi vào được bờ.... 
 
Chính ý thức chủ quan của người dân nên mỗi ngày người dân nơi đây vẫn “hồn nhiên” đi lại trên lòng hồ mêng mông này bằng phương tiện ghe tự chế, họ chưa ý thức được “tử thần” đang rình rập từng phút, từng giây.
 
Đừng để mọi chuyện quá muộn
 
Với giá từ 15- 20 triệu đồng/ghe máy dân dụng, nên nhiều  gia đình có điều kiện, sống ven khu vực lòng hồ đều tự sắm cho mình một chiếc, dẫn đến số lượng ghe máy dân dụng ngày càng tăng lên. Theo thống kê chưa đầy đủ, thì hiện tại khu vực  hồ chứa nước Nước Trong và thủy điện Đăkđrinh cũng có hàng chục phương tiện ghe máy dân dụng của người dân dùng để di chuyển, đánh bắt thủy sản trên hồ.
 
Song trên thực tế, việc quản lý giao thông đường thủy ở những khu vực này còn gặp nhiều khó khăn. Chủ yếu vẫn là do nhận thức của người dân, đặc biệt là các chủ phương tiện về chấp hành pháp luật giao thông đường thủy còn hạn chế.
 
Người dân cần nâng cao ý thức ATGT đường thủy hơn trong việc sử dụng các phương tiện ghe, thuyền khi lưu thông
Người dân cần nâng cao ý thức chấp hành quy định về ATGT đường thủy trong việc sử dụng các phương tiện ghe, thuyền khi lưu thông ở khu vực lòng hồ.

Ông Đinh Quang Ven- Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây cho biết:  Để đảm bảo an toàn cho người dân, chính quyền địa phương thường xuyên tổ chức các đợt tuyên truyền, hướng dẫn các quy định về ATGT đường thủy, cấp phát áo phao và các dụng cụ nổi cứu sinh… cho các chủ phương tiện và người dân đi lại ở khu vực hồ chứa nước của thủy điện Đăkđrinh. Nhưng bên cạnh các hộ dân có ý thức tốt thì cũng còn không ít người dân vẫn còn lơ là trong vấn đề này. 
 
"Thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục tăng cường công tác vận động, tuyên truyền, hướng dẫn nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của người dân về vấn đề ATGT đường thủy"- ông Đinh Quang Ven bày tỏ. 
 
Trong điều kiện thời tiết của mùa mưa, việc di chuyển trên khu vực lòng hồ sẽ rất nguy hiểm, nguy cơ tiềm ẩn tai nạn xảy ra là điều tất yếu khi người dân vẫn còn chủ quan, không có các biện pháp phòng chống và thiếu ý thức bảo vệ mình. Chính vì vậy, bên cạnh sự vào cuộc của chính quyền địa phương và các ngành chức năng liên quan, hơn ai hết, người dân sống ven vùng lòng hồ cần chủ động nâng cao hơn nữa ý thức tự bảo vệ tài sản và tính mạng của mình nhằm tránh để xảy ra những trường hợp tai nạn đáng tiếc xảy ra. 
 
PV
 
 
 

.