"Cánh tay nối dài" của ngân hàng

09:11, 04/11/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thông qua mô hình tổ vay vốn cơ sở, vốn của ngân hàng đến đúng địa chỉ, giúp nhiều đối tượng vay có cơ hội thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Vì thế, tổ vay vốn được ví như “cánh tay nối dài” của hệ thống ngân hàng.

TIN LIÊN QUAN

Với lợi thế tổ trưởng các tổ vay vốn cơ sở đều là cán bộ Hội nông dân, phụ nữ tại địa phương nên họ hiểu rõ hoàn cảnh kinh tế của từng người trong thôn xóm, khu dân cư. Điều này đã giúp cho ngân hàng an tâm hơn trong việc lựa chọn, đưa tiền đến đúng đối tượng, đúng mục đích sử dụng để đồng vốn phát huy hiệu quả.

Đưa vốn đến đúng đối tượng

Mặc dù mới gắn bó với tổ vay vốn hơn 3 năm, nhưng chị Trần Thị Độ, Tổ trưởng tổ vay vốn 1, thôn Phúc Minh Tây, xã Hành Thuận (Nghĩa Hành) đã mang lại niềm vui cho nhiều chị em phụ nữ thiếu vốn làm ăn cũng như những hộ nghèo và đối tượng chính sách. Chị Độ nói: “Nếu nói về làm tổ trưởng tổ vay vốn để kiếm tiền huê hồng thì chẳng có mấy ai đảm nhận. Thế nhưng, với mong muốn để cho những hội viên của mình và những người nghèo thuận lợi hơn trong việc tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước nên hầu hết các tổ vay vốn đều nhiệt tình với công việc".

Tổ trưởng tổ vay vốn thôn Phúc Minh Tây, xã Hành Thuận (Nghĩa Hành) kiểm tra, động viên hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả.Toàn tỉnh có 1.760 tổ vay vốn
Tổ trưởng tổ vay vốn thôn Phúc Minh Tây, xã Hành Thuận (Nghĩa Hành) kiểm tra, động viên hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả.Toàn tỉnh có 1.760 tổ vay vốn


Hiện tại, tổ vay vốn của chị Độ là một trong những tổ có số dư nợ cao, với khoảng 2 tỷ đồng thuộc Ngân hàng NN&PTNT và khoảng 2,3 tỷ đồng thuộc Ngân hàng Chính sách xã hội. Bên cạnh đó, mỗi tháng chị Độ còn huy động tiền gửi tiết kiệm từ 7 – 8 triệu đồng, giúp nhiều chị em có của để dành, lo cho con cái ăn học và trang trải trong cuộc sống.

Cũng là “cánh tay nối dài” của ngân hàng, ông Huỳnh Duy Tích, xã Bình Thới (Bình Sơn) đã gắn bó với công việc này hơn 10 năm. Không ngại sớm tối, nắng mưa, chỉ cần nghe cán bộ Ngân hàng Chính sách hoặc Ngân hàng NN&PTNT thông báo đến kỳ thu lãi, giải ngân là ông lập tức làm giấy mời, đem lên Hội nông dân xã để ký rồi đi gửi đến từng hộ vay. Tuy nhiên, công việc thu lãi đôi lúc cũng gặp trở ngại, có những hộ phải đi đến 3 lần mới thu được nhưng ông Tích vẫn vui vẻ. Bà Huỳnh Thị Soát – Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Thới cho biết, trong 13 tổ vay vốn thông qua hội đoàn thể của xã thì, tổ của ông Tích làm tốt nhất. Với cách làm khoa học, nhanh nhẹn và tận tâm nên ông Tích luôn hoàn thành mọi công việc trong thời gian sớm nhất, giúp đối tượng vay nhanh chóng nhận được tiền cũng như trả lãi đúng kỳ hạn.
 

Theo báo cáo của Ngân hàng NN&PTNT – Chi nhánh Quảng Ngãi thì, thông qua chương trình ký kết giữa Ngân hàng với Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, đến nay, Agribank Quảng Ngãi đã thành lập khoảng 1.760 tổ vay vốn, kết nạp trên 52.540 thành viên, với tổng dư nợ đạt trên 1.000 tỷ đổng, tỷ lệ nợ xấu chiếm khoảng 0,25%.

Hiệu quả rõ rệt

Hoạt động cho vay hộ sản xuất thông qua tổ vay vốn đã góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế của địa phương. Các hộ nông dân từ chỗ sản xuất, chăn nuôi với quy mô nhỏ nay đã phát triển với quy mô sản xuất hàng hóa lớn hơn. Nhiều mô hình sản xuất kinh doanh lớn có tính chuyên nghiệp cao và sản xuất kinh doanh theo mô hình trang trại được hình thành.

Như trường hợp của ông Phạm Đình Luân, tổ dân phố Phú Bình Đông, thị trấn Chợ Chùa (Nghĩa Hành), trước đây chỉ vay từ 20 đến 50 triệu đồng để đầu tư chăn nuôi nhỏ lẻ, nay đã phát triển quy mô với hơn 100 con heo, 6 con bò vỗ béo, hàng trăm con gia cầm. Trung bình mỗi năm gia đình ông Luân thu nhập hàng trăm triệu đồng. Hiện nay, ông Luân đang có dư nợ tại Ngân hàng Agribank Quảng Ngãi – Chi nhánh huyện Nghĩa Hành 150 triệu đồng. Nguồn vốn vay được ông tiếp tục đầu từ vào việc mở rộng chăn nuôi, phát triển đàn bò, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Còn chị Bùi Thị Loan, ở thôn Phúc Minh Tây, xã Hành Thuận chia sẻ: “Cách đây 3 năm, cuộc sống gia đình còn khó khăn, cả nhà chỉ biết dựa vào cái máy may cũ với vài sào ruộng. Nhờ thông qua tổ vay vốn của Hội phụ nữ, tôi mới vay của ngân hàng 50 triệu đồng để mua thêm 4 chiếc máy may. Từ đó, đơn hàng nhận gia công ngày càng nhiều hơn, giải quyết công ăn việc làm cho thêm 6 chị em trong thôn, với mức thu nhập từ 2,5 – 5,5 triệu đồng/tháng”.

Ông Phạm Trung Hải – Phó Giám đốc Chi nhánh Agribank Nghĩa Hành khẳng định: "Các tổ vay vốn thật sự là những cánh tay nối dài của ngân hàng. Thông qua các tổ vay vốn mà dư nợ của ngân hàng năm sau luôn cao hơn năm trước và đặc biệt là việc trả lãi của các hộ vay đúng kỳ hạn hơn, tỷ lệ nợ xấu cũng rất thấp.

 

Bài, ảnh: HỒNG HOA

 


.