Tình yêu cổ tích của người thương binh mù

02:10, 31/10/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ông là thương binh bị mù cả hai mắt. Bà là y tá đảm nhận nhiệm vụ chăm sóc, giúp ông làm quen với cuộc sống không ánh sáng. Thế rồi họ yêu nhau, lấy nhau trong sự chúc phúc của các y, bác sĩ và thương binh tại Trung tâm điều dưỡng thương binh nặng Kim Châu (Bình Định).

37 năm về trước, khi đang làm nhiệm vụ quốc tế tại chiến trường K, người thanh niên Huỳnh Bình, ở thôn An Ba, xã Hành Thịnh (Nghĩa Hành) không may bị thương nặng. Cuối năm 1979, khi mới 21 tuổi, ông bị mù cả hai mắt (thương binh 1/4) được đưa về Trung tâm điều dưỡng thương binh nặng Kim Châu. Cũng chính tại nơi này, người thương binh ấy đã gặp được một nửa của cuộc đời mình là y tá Lê Thị Thu Trang- người đảm nhận nhiệm vụ chăm sóc, hỗ trợ ông làm quen với cuộc sống mới. Bà Trang cũng chính là người đã vực dậy ý chí sống, mở ra cho ông cánh cửa mới của cuộc đời - cánh cửa mà ông cứ ngỡ đã đóng chặt với một người mù như ông. “Lúc ấy, ngay cả cuộc sống đời thường tôi còn chẳng tự tin để sống, chứ nói gì đến việc tìm được một người con gái yêu thương mình”, ông Bình bộc bạch.

Bên nhau hơn 30 năm, tình yêu của cặp vợ chồng người thương binh mù vẫn vẹn nguyên như thuở nào.
Bên nhau hơn 30 năm, tình yêu của cặp vợ chồng người thương binh mù vẫn vẹn nguyên như thuở nào.


Cảm phục người thương binh đầy nghị lực, vì phụng sự Tổ quốc mà không màng đến bản thân mình, cô y tá Lê Thị Thu Trang từ xúc động, dần dà chuyển thành cảm mến, yêu thương... Sau 2 năm gắn bó, chuyện tình đẹp như mơ giữa cô y tá trẻ và người thương binh mù đã đơm hoa bằng một đám cưới đơn sơ, ấm cúng được tổ chức ngay tại Trung tâm điều dưỡng Kim Châu, trước sự chứng kiến và chúc phúc của hàng trăm thương binh và y, bác sĩ.

 Nghe thì đơn giản vậy, nhưng để đến được với nhau, cả hai người đã phải vượt qua không biết bao nhiêu rào cản. Ông Bình thì mạnh mẽ gạt đi sự tự ti trong lòng mình. Còn bà - một cô gái mới 24 tuổi chân yếu tay mềm, bỏ ngoài tai mọi lời cấm đoán, thị phi từ gia đình, bạn bè… để vẹn hai chữ “nghĩa tình” với ông.  “Biết là sẽ cực khổ lắm, nhưng cô chấp nhận. Bởi vì với cô, ưng chú- một người biết hy sinh thân mình vì nhiệm vụ chung của Tổ quốc là niềm vinh dự”, bà Trang tâm sự.

Sau lễ cưới, ông Bình và vợ được Trung tâm cấp cho một căn phòng nhỏ ấm cúng ngay trong Trung tâm. Rồi khi 3 đứa con lần lượt ra đời, niềm hạnh phúc dẫu được nhân đôi, nhưng nỗi vất vả cũng tăng thêm bội phần. “Nhiều lúc 3 đứa con cùng bệnh một lúc, rồi ông nhà cũng bệnh. Tôi vừa lo cho chồng, lại vừa tất tả vào bệnh viện chăm sóc cho con. Khổ nhất là những lúc ấy”, bà Trang hồi tưởng.

Năm 1990, ông Bình được Nhà nước hỗ trợ một căn nhà tình nghĩa ngay tại quê nhà. Có được mái ấm riêng, ông cùng vợ và 3 con khăn gói rời Trung tâm điều dưỡng Kim Châu về lại quê hương. Cuộc sống bước sang một trang mới. Họ lại cùng nhau chia sẻ những lo toan để nuôi dạy 3 con nên người. Ông dè xẻn từng đồng từ tiền trợ cấp thương binh, còn bà chăm chỉ công việc đồng áng, với quyết tâm lo cho 3 con học hành đến nơi đến chốn. Nhờ sự quyết tâm, đồng cam cộng khổ của hai vợ chồng, mà ba người con của ông bà, người lớn nhất 33 tuổi, nhỏ nhất 29 tuổi… hiện giờ đều đã có công ăn việc làm ổn định ở TP. Hồ Chí Minh.

Con cái nên người, những nhọc nhằn giờ đã bớt lại, thì nỗi lo mới lại chớm bắt đầu. “Sau những năm tháng vất vả vì tôi, giờ sức khỏe của bà cũng bắt đầu yếu dần. Lo nhất là khi bà ốm, tôi sẽ chẳng thể nào chăm sóc được bà chu đáo, như bà đã chăm sóc tôi”, ông Bình trầm ngâm. Nghe ông nói xong, bà chỉ lặng lẽ cười. Bà bảo ông là thương binh 1/4, vết thương chiến tranh thường xuyên tái phát, đau nhức liên miên… có hơn gì bà đâu mà cứ suy nghĩ, lo lắng cho bà.

Nhìn cái cách mà họ quan tâm, chăm sóc nhau từng chút một, tôi cứ ngỡ, mọi bon chen, vất vả của cuộc đời dường như đã được họ vứt bỏ hết ngoài bậc cửa. Phía bên trong tổ ấm, chỉ còn lại người chồng thương binh mù cả hai mắt, người vợ hiền hậu cùng mối "tình già" thủy chung, son sắt.

Bài, ảnh: Ý THU
 


.