Nàng dâu thảo một vai gánh cả nhà chồng

09:10, 19/10/2015
.

(Baoquangngai.vn)- Cuộc sống đang diễn ra êm ả thì chồng chị bị bệnh tắc nghẽn động mạch, không thể tiếp tục vươn khơi, gia đình lâm vào cảnh túng thiếu. Từ phận “liễu yếu đào tơ" chị chấp nhận khoác lên vai mình gánh nặng “trụ cột”, bươn chải mưu sinh lo cho mái ấm với tất cả 7 thành viên. 
Kiều "Héc quyn"
 
Ở thôn Bàn An, xã Phổ Quang (huyện Đức Phổ), ai cũng dành cho chị Nguyễn Thị Diễm Kiều (38 tuổi) bằng cái tên đầy trìu mến - Kiều Héc quyn. Héc quyn - cái tên gắn liền với một vị thần sức mạnh thuở xưa. Còn bây giờ, nó được nhiều người phong tặng cho người phụ nữ như chị. Bởi lẽ, tuy là phái yếu nhưng chị còn mạnh mẽ và làm được nhiều việc mà những người đàn ông phải thán phục, tấm tắc khen ngợi.
 
Mỗi ngày, chị luôn bận rộn với “trăm công, nghìn việc”. Nhiều lúc, vừa ở nhà đấy nhưng 10 phút sau lại thấy chị đi mua lúa ở khắp nơi. Cứ thế, cái tuổi thanh xuân cứ trôi qua với những ngày tháng cùng cực.
 
Lúc chúng tôi đến nhà chơi cũng là lúc chị vừa đi thu mua lúa về. Ấn tượng đầu tiên khiến ai nấy đều “há hốc mồm” là hình ảnh một người phụ nữ xinh đẹp, trông có vẻ rất khỏe mạnh, tháo vát đang ung dung chạy chiếc xe ba gác máy vào sân. Trên xe là hàng chục bao lúa được sắp xếp gọn gàng.
 
Chị Kiều tự lái xe để đi thu mua lúa.
Chị Kiều tự lái xe ba gác máy để đi thu mua lúa.
 
Quệt vội giọt mồ hôi trên trán, chị gồng mình vát từng bao lúa đặt lên kho. Mọi việc xong xuôi, chị mới bắt đầu tiếp chuyện và chia sẻ về khoảng thời gian khó khăn cùng chặng đường vượt khó để thoát nghèo.
 
Trước đây, nếu nhắc đến cái nghèo khó thì gia đình chị luôn đứng trong “top” đầu. Đã 16 năm chồng chị mắc phải căn bệnh tắc nghẽn động mạch, sức khỏe ngày một yếu đi và không làm được việc nặng nhọc. Đến cái nghề đi biển, nghề chính nuôi sống gia đình cũng đành phải bỏ dở dang. 
 
"Xuất giá tòng phu", từ ngày chồng bệnh, chị giấu nhẹm những nỗi buồn vào sâu bên trong, “kham” luôn cả vai trò trụ cột gia đình. Mỗi tháng ngoài chạy tiền lo thuốc thang cho chồng, chị còn phải lo lắng cho 4 đứa con thơ dại ăn học, rồi chăm sóc người mẹ chồng, người cô ruột của mẹ chồng, tuổi đều đã cao, sức yếu, bệnh tật triền miên.
 
Thu nhập không ổn định với công việc làm thuê, làm mướn, “lèo tèo” có mấy con heo, con gà trong vườn mà phải lo cho đến 7 người, đôi khi vượt sức chịu đựng của chị. Chị bảo, chẳng bao giờ chị dám nghĩ đến tương lai với một cuộc sống đầy đủ và ấm no, chỉ mong có tiền chữa bệnh cho người thân và mong con cái đi học đàng hoàng, tử tế là may mắn lắm rồi.
 
Không quản ngại khó khăn, chị đảm nhận luôn cả công việc của một người đàn ông.
Không quản ngại khó khăn, chị đảm nhận luôn cả công việc của một người đàn ông.
 
Mẹ chồng chị bùi ngùi chia sẻ: “Cả nhà tôi không biết sẽ ra sao nếu không có con Kiều. Hằng ngày cứ thấy nó tảo tần sớm trưa mà không cầm được nước mắt. Dù có khổ đến đâu nó vẫn chịu đựng vượt qua, không một lời than trách và luôn động viên mọi người trong nhà: Có thế nào cũng phải sống”.
 
“Nhiều lúc cũng tủi thân nhưng không thể đổ lỗi hoài cho số phận được. Thay vì thế, mình phải cố gắng kiếm được đồng nào hay đồng đó, chỉ mong gia đình có miếng cơm, manh áo qua ngày chứ nào dám nghĩ ngày mai sẽ ra sao”, đôi mắt rưng rưng, chị nói. 
 
Vượt khó vươn lên
 
Quyết tâm làm giàu, thoát nghèo của chị bắt đầu từ những câu chuyện về những tấm gương điển hình trong cuộc sống được báo, đài đăng, phát liên tục. “Nhìn họ làm được thì mình cũng phải làm được”, chị Kiều nghĩ vậy.
 
Cách đây 3 năm, nhờ vào sự giúp đỡ, hỗ trợ của địa phương, từ nguồn vốn vay cho hộ nghèo, cho hội viên Hội phụ nữ, chị gom góp được 30 triệu. Chị bắt đầu nuôi heo. Trung bình mỗi năm, chị nuôi khoảng 100 con. Nuôi heo có lời, tuy nhiên do không nắm rõ kỹ thuật vệ sinh chuồng trại nên gây ô nhiễm ở khu dân cư. Chị mạnh dạn chuyển qua trồng cỏ, nuôi bò. 
 
Ban đầu chị Kiều chỉ nuôi 2 con. Từ kinh nghiệm tích lũy và thấy được hiệu quả kinh tế, những năm sau đó, với số vốn tích góp được chị tiếp tục đầu tư, xây dựng thêm chuồng trại, mở rộng quy mô với số lượng 11 con. Mỗi con hiện nay có giá trên 25 triệu đồng.
 
Chưa dừng lại ở đó, đã dám nghĩ thì phải làm đến cùng. Người phụ nữ chịu thương, chịu khó ấy tiếp tục vay mượn, đầu tư máy xay xát gạo. Có chồng ở nhà phụ giúp, công việc trôi chảy hơn. Nghị lực vượt khó, thoát nghèo càng mạnh mẽ hơn bao giờ hết. 
 
Chồng chị - anh Nguyễn Cu (44 tuổi) tự hào về vợ: “Kiều giỏi lắm! Khá nhanh nhẹn, tháo vát, biết cách làm ăn. Nhờ có cô ấy mà tôi đỡ tủi thân hơn khi nhìn đàn con nheo nhóc thiếu sự bảo bọc của cha. Tất cả công việc từ lớn tới nhỏ, vợ tôi đều quyết”.
 
Chị Kiều chăm đàn bò.
Từ hai con, đàn bò nhà chị đã phát triển lên 11 con.
 
Táo bạo hơn, chị còn mua hẳn một chiếc xe ba gác máy 40 triệu đồng về tự lái đi buôn trái cây, buôn lúa. “Tôi nghĩ rồi muốn khá giả thì phải lăn lộn ra ngoài, chứ bám riết ở nhà xát gạo, nuôi bò thì chừng nào mới đạt được ước mơ ấy", chị Kiều chia sẻ. 
 
Và, mỗi sáng khi gà chưa kịp gáy, người ta lại thấy chị nổ máy chạy ba gác ra chợ Trà Câu bỏ mối trái cây. Khi bóng chiều còn vắt trên ngọn cau, tiếng xe ấy lại vang khắp làng chở những bao lúa nặng hạt về nhà để xay và bán lại gạo trắng cho các đại lý. Bây giờ, mỗi tháng, trừ hết chi phí và quán xuyến cho gia đình, chị cũng tiết kiệm được cả chục triệu đồng.
 
Gần đây nhất, người vợ đảm đang này lại “đánh cược” bằng việc thêm vào tài sản gia đình một xe tải gần 400 triệu đồng để thuận tiện hơn trong việc vận chuyển hàng hóa với khối lượng lớn. Chị còn theo học bằng lái xe để chủ động hơn trong công việc. Với cơ ngơi chị có bây giờ, dân trong vùng đều kháo nhau khen ngợi “nhìn nó đàn bà mà quá đàn ông”.
 
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư xã Phổ Quang, đánh giá: “Với ý chí và nghị lực của mình, cá nhân chị Kiều xứng đáng là tấm gương điển hình về người phụ nữ Việt Nam với phẩm chất trung hậu, đảm đang đáng quý trọng. Trong lương lai, kinh tế gia đình chị chắc chắn có nhiều điều kiện vươn xa hơn nữa".
 
Bài, ảnh: Thiên Hậu
 

.