Tăng cường quản lý lao động ở Lý Sơn

06:09, 30/09/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hàng loạt dự án lớn đang được triển khai xây dựng trên đảo Lý Sơn, thu hút khá nhiều lao động đến đây làm việc. Đó là tín hiệu vui,  nhưng cũng là nỗi lo trong việc quản lý lao động.

TIN LIÊN QUAN

An toàn lao động: Thả nổi

Hiện tại ở đảo Lý Sơn ít nhất có khoảng 10 dự án lớn xây dựng hạ tầng kỹ thuật đang triển khai thi công. Hầu hết các công trình này đang cần nguồn lao động lớn để đẩy nhanh tiến độ, tránh thiệt hại khi mùa mưa bão đang về. Tại cảng Lý Sơn đã có 3 công trình xây dựng hạ tầng lớn là đường cơ động Đông Nam đảo, kho dự trữ xăng dầu, đường giao thông từ cồn An Vĩnh đi Rada tầm xa. Máy móc và hàng trăm công nhân đang trực tiếp thi công. Đất đá ngổn ngang, bụi khói, tiếng ồn... Thế mà hầu như chẳng có lao động nào thực hiện đúng quy định về bảo hộ lao động. Các công trình nhà ở cao tầng của dân, người lao động dù ngồi trên các tầng lầu xây, tô nhưng cũng chỉ áo thường, mũ vải hoặc nón lá.

 

Người lao động thi công nhà cao tầng ở Lý Sơn không trang bị bảo hộ lao động đúng quy định.
Người lao động thi công nhà cao tầng ở Lý Sơn không trang bị bảo hộ lao động đúng quy định.


Quan sát công trình nhà cao tầng, đối diện công viên mini Lý Sơn, vào giờ làm việc, tinh thần lao động khá khẩn trương, những khẩu hiệu được treo khá nhiều ở ngay chân công trình. Thậm chí ở trên tầng 3 đang thi công khẩu hiệu “Lao động phải tuyệt đối an toàn” cắm ngay trước mặt các công nhân làm việc. Thế nhưng công nhân thì vẫn chỉ áo cộc tay, mũ vải; khuôn viên xây dựng không hàng rào che chắn.

Việc chấp hành không nghiêm các quy định về an toàn lao động đã dẫn đến một số vụ tai nạn lao động. Mới đây, chị Trần Thị Lệ ở khu dân cư số 3, thôn Tây, xã An Vĩnh đã bị ngã từ tầng cao xuống đất khi đang phụ hồ cho một công trình nhà ở cao tầng. Hậu quả chị Lệ bị gãy 2 tay, 1 chân và tổn thương phần mềm khá nặng. Mặc dù được điều trị tích cực, tốn kém song sức khỏe vẫn chưa bình phục.

 Chỉ quản lý được… “người của địa phương”

Trao đổi về thực hiện quy định đăng ký và quản lý lao động, ông Trần Minh Hoằng – Trưởng Phòng Nội vụ - Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Lý Sơn cho biết: “Hiện tại người lao động ra Lý Sơn để thi công các công trình khá nhiều. Tuy nhiên, chưa có doanh nghiệp nào thực hiện đăng ký quản lý lao động với huyện cả. Hiện nay, huyện chỉ quản lý được lao động đang làm việc cho các doanh nghiệp do huyện cấp giấy phép hoạt động”.

Theo bà Phạm Thị Hương – Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn thì, hiện tại có khoảng 500 lao động ở các địa phương khác ra đảo thi công các công trình. Tuy nhiên, với yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thi công để tránh mưa bão, các nhà thầu đang huy động thêm nhân công đến công trình để làm việc. Đơn cử như mới đây, nhà thầu thi công Khách sạn Mường Thanh đã huy động thêm khoảng 200 công nhân quyết tâm đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành đưa vào khai thác trong mùa du lịch 2016. Bên cạnh đó, nhu cầu xây mới, cải tạo nhà ở tại đảo Lý Sơn hiện đang tăng cao.

Theo thống kê của Phòng Kinh tế - Hạ tầng Lý Sơn, ở thời điểm này có khoảng 100 nhà cao tầng của người dân đang xây mới. Hầu hết các nhà ở này được người dân hợp đồng với các nhà thầu, trong đó có một số nhà thầu từ đất liền ra và không thực hiện đăng ký lao động theo quy định với huyện Lý Sơn. Ngoài ra các doanh nghiệp và nhà thầu thi công công trình xây dựng ở đảo Lý Sơn còn chưa chấp hành nghiêm việc đăng ký tạm trú, tạm vắng cho số công nhân, kỹ sư đang sống, làm việc tại đảo.

Tăng cường quản lý

Khi đặt vấn đề với các phòng, ban chuyên môn thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lao động ở đảo, các cơ quan này đều thừa nhận: "Chưa quản lý được!".  Đại diện cơ quan bảo vệ quyền lợi người lao động, ông Ngô Đình Thành – Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Lý Sơn nói: “Huyện chưa thực hiện hết trách nhiệm với người lao động đang làm việc trên địa bàn huyện.

Thời gian đến sẽ phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức thanh tra, kiểm tra để có biện pháp xử lý doanh nghiệp vi phạm, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động”. Về phía phòng Nội vụ - Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Lý Sơn, ông Trần Minh Hoằng cũng khẳng định: “Sắp tới, phòng sẽ phối hợp với Liên đoàn Lao động và cơ quan Bảo hiểm xã hội huyện tổ chức thanh tra để đưa công tác quản lý nhà nước về lao động ở Lý Sơn đi vào nền nếp”.

Theo ông Trần Minh Hoằng, qua thanh tra sẽ buộc các doanh nghiệp xây dựng phải chấp hành đăng ký quản lý lao động; ký hợp đồng lao động và đóng các loại bảo hiểm cho người lao động. Nếu doanh nghiệp do huyện quản lý khi đã thanh tra, phát hiện vi phạm mà không khắc phục sẽ tham mưu cho UBND huyện thu hồi giấy phép và đình chỉ hoạt động. Riêng đối với doanh nghiệp ngoài địa bàn, sẽ kiến nghị cơ quan chức năng có biện pháp nhắc nhở, chấn chỉnh buộc phải chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về đăng ký quản lý lao động. Vấn đề đăng ký tạm trú, tạm vắng để quản lý về mặt con người, đảm bảo an ninh trật tự đối với số lao động ra đảo hiện cũng đang được Công an huyện Lý Sơn tích cực triển khai.

  

Bài, ảnh: THANH NHỊ
 


.