Rủ nhau lên núi "săn" trái mây rừng bán cho thương lái

10:09, 14/09/2015
.

(Baoquangngai.vn)- Thời gian qua, trước việc thương lái săn lùng thu mua trái mây rừng với giá cao, nhiều người dân vùng cao Tây Trà, Trà Bồng đã rủ nhau lên rừng tìm trái mây về bán cho thương lái. Tuy nhiên việc khai thác theo kiểu tận thu này đang dẫn đến nguy cơ "lợi bất cập hại".

TIN LIÊN QUAN

Băng rừng tìm trái mây
 
Những ngày trung tuần tháng 9, men theo Tỉnh lộ 622B đi theo hướng từ huyện Trà Bồng lên Tây Trà chúng tôi bắt gặp khá nhiều người dân từ sáng sớm đã tay rựa, lưng gùi í ới gọi nhau lên rừng tìm trái mây về bán cho thương lái.
 
Để vào được vùng có mây, người dân phải đi bộ nhiều kilômét trong rừng. Hiện tại, thương lái thu mua trái mây với giá dao dộng từ 70 nghìn đồng- 150 nghìn đồng/kg tùy theo chất lượng trái nên chỉ cần kiếm được vài ba ký trái mây mỗi ngày là người dân đã có vài ba trăm nghìn.
 
Ông Hồ Văn Nhỏ ở xã Trà Lâm (Trà Bồng) thật thà cho biết, ông và một số người khác ở địa phương có thêm “cái nghề” này được mấy tháng rồi. Bình quân mỗi ngày ông hái được khoảng 3-4 kg trái mây đem bán được gần 300 nghìn đồng. So với làm rẫy, công việc hái mây không quá nặng nhọc, lại có thu nhập cao. Thậm chí, nếu may mắn và chịu khó, một ngày có người có thể kiếm được cả tiền triệu.
 
"Chiến lợi phẩm" của người dân sau một ngày băng rừng.
 
Tuy nhiên, theo ông Nhỏ, rất ít người gặp được may mắn như thế. Đa phần chỉ vài ba trăm ngàn đồng một ngày, thậm chí chỉ có vài chục ngàn, nhưng đây cũng là mức thu nhập hấp dẫn với người dân ở vùng miền núi còn khó khăn này.
 
Sau một ngày lặn lội trong rừng săn lùng trái mây, chiều về người dân vừa đặt chân đến bìa rừng đã có thương lái đón lõng để thu mua. Trung bình mỗi ngày, mỗi thương lái thu mua được hàng chục ký trái mây từ người dân. Chính vì thương lái thu gom với giá khá cao và không hạn chế số lượng nên nhiều người đi tìm hái, vì thế trái mây ngày càng ít và khó tìm.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, mây là một loại thân dây, thường mọc ở những khu rừng nhiệt đới, những đồi núi đá hay dọc hai bên bờ suối. Thân mây dẻo, đặc ruột, nên rất thích hợp để làm đồ mỹ nghệ, bàn, ghế... Cây mây có trái quanh năm, thoạt nhìn bề ngoài trái mây gần giống trái vải, có lớp vỏ dày, sần sùi, khi chín chuyển từ màu xanh sang màu vàng.

“Lúc trước vào rừng kiếm vài ký trái mây một ngày là rất dễ. Nay do diện tích rừng không còn lớn như nhiều năm về trước, trong khi nhiều người đổ xô đi hái, nên giờ việc hái trái mây cũng trở nên hết sức khó khăn. Để có trái mây bán, nhiều người phải luồn rừng, băng núi đến tận vùng núi cao mới tìm thấy. Nhiều khi phải dạt sang cả cánh rừng địa phương khác để săn lùng”- anh Hồ Văn Tính ở xã Trà Lãnh (Tây Trà) cho biết.

 
Lợi bất cập hại
 
Trên thực tế, thương lái thu mua trái mây rừng với giá cao khiến nhiều người cảm thấy “lạ” và bất ngờ. Tuy nhiên, điều bất ngờ hơn, mặc dù việc hái trái mây về đem bán cho thương lái mang lại thu nhập cho người dân, song khi chúng tôi hỏi về việc thương lái mua để làm gì thì tuyệt nhiên không người dân nào biết. “Thú thật, thấy thương lái thu mua với giá cao nên bà con chúng tôi vào rừng kiếm về bán chứ không biết người ta mua về với mục đích gì”- ông Hồ Văn Nhớ ở xã Trà Lãnh bày tỏ.
 
Không chỉ người dân mù tịt thông tin về mục đích của việc thu mua mà chính các thương lái đứng ra thu mua, bán lại cũng không biết rõ. “Tôi đứng ra thu mua của người dân rồi đem bán lại cho chủ đầu mối  lấy lời thôi. Tôi có nghe đâu người ta nói mua rồi xuất sang Trung Quốc để làm đồ trang sức, đồ mỹ nghệ gì đó, còn thật sự như thế nào thì tôi cũng không biết”- bà Nguyễn Thị Thanh- một thương lái thu mua cho biết. 
 
Thương lái luôn chờ sẵn ở dọc đường để thu mua trái mây
Thương lái luôn chờ sẵn ở dọc đường để thu mua trái mây.

 

Theo người dân kể, bình thường, trước đây trái mây được thu mua chủ yếu là mây chín. Song kể từ khi trái mây có giá, xanh chín gì người dân cũng hái, nhiều chùm mây  nhỏ người dân cũng cắt đem về bán.
 
Thực hư không biết những trái mây rừng thương lái thu mua về sẽ bán đi đâu? Song trước tình hình khai thác trái mây rừng như hiện nay, nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài nguy cơ mất nguồn giống rất dễ xảy ra và ảnh hưởng đến nguồn lợi kinh tế từ rừng của người dân sau này. 
 
 
Bảo Ngọc

.