Làng giữa sông trước mùa lũ

09:09, 10/09/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tháng 9 hằng năm, khi mùa mưa lũ sắp bắt đầu, người dân ở các “ốc đảo” nằm giữa sông Trà Khúc, Trà Bồng lại tất bật gia cố nhà cửa, sắm sửa nhu yếu phẩm… để khỏi rơi vào tình thế bị động khi nước sông dâng cao.

Trăn trở mùa dỡ cầu

Ngăn cách với đất liền bởi sông Trà Khúc, Trà Bồng rộng hơn trăm mét, nên thôn Ân Phú (xã Tịnh An, TP.Quảng Ngãi), thôn Đông Yên 3 (xã Bình Dương, Bình Sơn) và xóm Lân- thuộc một phần thôn Tăng Long, Gia Hòa (xã Tịnh Long, TP.Quảng Ngãi) được mệnh danh là “ốc đảo”  giữa sông. Không cầu kiên cố, không đường vào “ốc đảo”, hơn 2.500 nhân khẩu tại ba làng giữa sông này chỉ có thể dùng cầu tre để vượt sông.  Nhưng rồi những chiếc cầu tre tạm bợ cũng chỉ có giá trị tạm thời trong những tháng mùa nắng. Đến tháng 9 hằng năm, khi mùa mưa lũ sắp về, người dân tại các “ốc đảo” lại phải sửa soạn dỡ cầu và cất vào kho để bảo toàn cầu.

Mỗi hộ dân ở xóm Lân đều có ghe và áo phao để sẵn sàng ứng phó với lũ.
Mỗi hộ dân ở xóm Lân đều có ghe và áo phao để sẵn sàng ứng phó với lũ.


“Ngày 10.8 âm lịch, nhằm tháng 9 dương lịch hằng năm, bà con chúng tôi lại họp để dỡ cầu và xét chọn người lái đò trong những tháng mùa mưa. Phải đắn đo, cân nhắc dữ lắm, vì tính mạng của cả trăm người đều phụ thuộc vào người lái đò”, ông Hồ Chừ, một người sống lâu năm ở xóm Lân cho biết.

Không còn cầu tre vượt sông, việc đi lại của người dân các làng giữa sông phụ thuộc hoàn toàn vào những chiếc ghe nhỏ do các chủ ghe chở cát sạn trong mùa nắng, giờ tận dụng chuyên chở người và phương tiện trong mùa mưa. Hoạt động theo hình thức tự phát, chủ yếu là do người dân đầu tư nên các phương tiện đò ngang này vừa không đảm bảo điều kiện đăng ký, đăng kiểm theo quy định, vừa không đảm bảo an toàn giao thông. Biết là thế, nhưng vì không còn cách nào để qua sông nên người dân các làng giữa sông đành phải đi đò.

Muốn phòng lũ cũng chẳng được

Không có lối qua sông, phương tiện vượt sông thì tròng trành nên thôn Ân Phú, Đông Yên 3, xóm Lân là những địa phương thường xuyên bị cô lập vào mỗi mùa mưa lũ. Để sẵn sàng ứng phó, người dân tại các vùng này đều chuẩn bị đầy đủ nhu yếu phẩm và đóng thêm thúng, ghe để di chuyển khi có lũ lớn xảy ra. Tuy nhiên, nếu như người dân “ốc đảo” Ân Phú và Đông Yên 3 có thể tất bật gia cố nhà cửa, xây dựng thêm gác bê tông kiên cố trước mỗi mùa mưa lũ để kịp thời di chuyển người và tài sản khi nước lũ dâng cao, thì hơn 100 nhân khẩu xóm Lân lại rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan khi không dám sửa chữa, gia cố nhà để chống lũ.

 “Nhà làm từ năm 1980 nên giờ đã hư hỏng, xuống cấp. Trần nhà phải che thêm bao nilon cho đỡ dột, tường thì bị nước lũ làm bong tróc hết xi măng…nhưng chúng tôi lại không dám bỏ ra chi phí để sửa chữa. Vì nếu đầu tư sửa chữa, gia cố xong, mà địa phương lại thông báo di dời thì chúng tôi mất trắng”, ông Cao Văn Trường ở xóm Lân bày tỏ.

Theo dự án di dời dân vùng sạt lở vào năm 2003, thì toàn bộ 176 hộ dân xóm Lân  sẽ được di dời vào khu tái định cư Đồng Cây Sứ. Nhưng do thiếu đất nên địa phương mới chỉ giải quyết tái định cư đợt 1 cho 139 hộ vào năm 2006.  “Các hộ còn lại, dù địa phương đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên, nhưng vẫn chưa có hướng giải quyết, nên tạm thời địa phương chưa thể trả lời cho người dân chính xác thời gian, địa điểm”, ông Nguyễn Anh Tuấn - Chủ tịch UBND xã Tịnh Long cho biết.

Cũng vì không nhận được câu trả lời rõ ràng, mà suốt 9 năm qua, gần 40 hộ gia đình còn lại của xóm Lân phải chần chừ sống trong những ngôi nhà tạm để chờ ngày được tái định cư.  Lo âu nhà cửa sẽ không chống chọi nổi với những đợt mưa lớn , người dân xóm Lân ai nấy đều chủ động sắm thêm chiếc ghe nhỏ, để kịp thời đưa người và tài sản di chuyển khi lũ lớn tràn về.
                      

Bài, ảnh: Ý THU
 


.