Sẽ có hướng dẫn về địa bàn các xã đặc biệt khó khăn

04:08, 03/08/2015
.

Việc xác định các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi hiện chưa được quy định rõ ràng dẫn đến cách hiểu, vận dụng khác nhau về đối tượng và địa bàn thụ hưởng chính sách.

Gửi ý kiến đến Kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIII, Đại biểu Quốc hội Trương Thị Huệ, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên cho rằng, Nghị định số 116/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ quy định phụ cấp thu hút với các đối tượng là ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.

Nhưng trên thực tế hiện nay, trong khi kinh phí đầu tư cho các xã thuộc Chương trình 135 còn chưa đủ thì cán bộ, công chức, viên chức và người được hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở các xã an toàn khu, xã biên giới, bãi ngang ven biển không phải là xã đặc biệt khó khăn cũng được hưởng chế độ phụ cấp thu hút và các chế độ khác như các xã đặc biệt khó khăn theo Nghị định số 116/2010/NĐ-CP và các quy định khác gây bất bình trong cử tri ở vùng này, làm giảm hiệu lực của chính sách đối với vùng đặc biệt khó khăn của Đảng, Nhà nước ta và làm thất thoát ngân sách nhà nước (khoảng 3 tỷ đồng/xã/năm).

Đại biểu Trương Thị Huệ đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính với tư cách là cơ quan được Chính phủ giao hướng dẫn thực hiện Nghị định số 116/2010/NĐ-CP và là cơ quan cuối cùng nhận báo cáo tổng hợp của các địa phương để "xem xét giải quyết theo quy định" cho biết, việc chi trả chế độ phụ cấp thu hút cho các đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức và người được hưởng lương trong lực lượng vũ trang tại các xã (an toàn khu, biên giới, bãi ngang ven biển) không phải là xã đặc biệt khó khăn có đúng không? Trách nhiệm của Bộ trưởng trong việc xảy ra như trên (nếu chi sai) và giải pháp khắc phục.

Bộ trưởng Bộ Tài chính trả lời nội dung chất vấn của Đại biểu Trương Thị Huệ như sau:

Hiện nay, cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng các chính sách phụ cấp, trợ cấp theo quy định tại các văn bản sau:

Nghị định số 64/2009/NĐ-CP ngày 30/7/2009 của Chính phủ đối với cán bộ, viên chức y tế đang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, Nghị định số 116/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ về chính sách đối với cán bộ công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, Nghị định số 19/2013/NĐ-CP ngày 23/2/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2006/NĐ-CP ngày 20/6/2006 của Chính phủ về chính sách, đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn.

Theo quy định tại các Nghị định trên, phạm vi áp dụng chính sách là khác nhau như Nghị định số 64/2009/NĐ-CP là toàn bộ các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vùng đồng bào dân tộc và miền núi thuộc diện đầu tư Chương trình 135, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, trong khi theo quy định tại Nghị định số 116/2010/NĐ-CP và Nghị định số 19/2013/NĐ-CP thì chỉ áp dụng chính sách đối với các đối tượng công tác tại các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi thuộc diện đầu tư Chương trình 135, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo.

Tuy nhiên, việc xác định các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi hiện quy định chưa rõ ràng dẫn đến cách hiểu, vận dụng khác nhau về đối tượng và địa bàn thụ hưởng chính sách.

Tại Quyết định số 2405/QĐ-TTg ngày 10/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư của Chương trình 135 năm 2014 và năm 2015; Quyết định số 495/QĐ-TTg ngày 8/4/2014 điều chỉnh, bổ sung Quyết định số 2405/QĐ-TTg quy định cụ thể danh sách các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu nhưng không quy định cụ thể xã nào là xã đặc biệt khó khăn, xã nào vừa là xã đặc biệt khó khăn vừa là xã biên giới, xã an toàn khu.

Theo phân công của Chính phủ, Ủy ban Dân tộc có nhiệm vụ trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền danh mục các xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi thuộc vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn.

Về vấn đề này, Hội đồng dân tộc của Quốc hội cũng đã có ý kiến và Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản giao Ủy ban Dân tộc chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tiếp thu kiến nghị của Hội đồng Dân tộc về việc rà soát, hướng dẫn thực hiện một số chính sách đối với vùng dân tộc và miền núi (Công văn số 2662/VPCP-V.III ngày 17/4/2015 của Văn phòng Chính phủ) để quy định, hướng dẫn thống nhất áp dụng trên cả nước.

Theo quy định tại Thông tư liên tịch số 08/2011/TTLT-BNV-BTC ngày 31/8/2011 của liên Bộ Nội vụ - Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 116/2010/NĐ-CP, việc xét duyệt danh sách và lập dự toán kinh phí chi trả chính sách nêu trên xuất phát từ đơn vị trực tiếp quản lý công chức, viên chức báo cáo cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp thẩm định và tổng hợp gửi Sở Tài chính. Sở Tài chính địa phương là đơn vị tổng hợp chung trình UBND tỉnh, thành phố gửi Bộ Tài chính xem xét, giải quyết theo quy định.

Do việc hướng dẫn xác định, phạm vi các xã được hưởng chính sách theo Nghị định số 116/2010/NĐ-CP thời gian qua là chưa rõ, nên thực tế các địa phương có vận dụng khác nhau.

Về vấn đề này, sau khi Ủy ban Dân tộc có văn bản hướng dẫn về địa bàn các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý kinh phí các địa phương đã chi trả chính sách nêu trên trước thời điểm Uỷ ban Dân tộc có văn bản hướng dẫn cho phù hợp chế độ quy định.



Chinhphu.vn


.