Sân chơi cho trẻ em ở Lý Sơn: Bước đầu khởi sắc

01:08, 24/08/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Người dân tích cực tham gia xây dựng sân chơi cho trẻ em; các tổ chức, cá nhân trên mọi miền Tổ quốc mày mò, sáng tạo các vật liệu có thể hạn chế sự bào mòn của gió biển để kéo dài “tuổi thọ” các sân chơi...  Nhờ những hoạt động đó mà  Lý Sơn đã phần nào gỡ được “nút thắt” về sân chơi cho trẻ em.

TIN LIÊN QUAN

Từ sân chơi “xã hội hóa”...

Nếu như trước đây sân chơi là khái niệm hoàn toàn xa lạ với trẻ em trên đảo Lý Sơn, thì nay đã có nhiều sân chơi được hình thành nhờ vào hình thức xã hội hóa. Sân bóng đá mini, xe lửa điện, đu quay, xích lô mini cho trẻ em… đều đã hiện diện trên đảo và nhanh chóng thu hút được sự quan tâm của thiếu nhi và phụ huynh.

Các “khu vườn thần tiên” làm từ lốp xe đã giúp sân chơi trẻ em chống chịu được sự bào mòn của gió biển  Lý Sơn.
Các “khu vườn thần tiên” làm từ lốp xe đã giúp sân chơi trẻ em chống chịu được sự bào mòn của gió biển Lý Sơn.


Chị Nguyễn Thị Xuân, thôn Tây, xã An Hải cho biết: “Nửa tháng nay, trên đảo có dịch vụ thuê xe xích lô mini với giá 25 nghìn đồng/giờ vừa hợp túi tiền vừa là trò chơi rất lý thú, nên tối nào tôi cũng cho con đến chơi. Chỉ  có 19 xe thôi, nên phải tranh thủ đến sớm để không phải chờ”.

Không chỉ bắt nhịp cùng đất liền, đưa dịch vụ xe xích lô mini ra đảo, đảo Lý Sơn còn mới được đầu tư xây dựng khu vui chơi cho trẻ tại xã An Hải và sân bóng đá mini tại xã An Vĩnh với tổng diện tích 2.200m2 nên đã giải quyết được phần nào nhu cầu sân chơi cho trẻ em và thanh thiếu niên. Anh Bùi Văn Nhẫn, người vừa đầu tư gần 2 tỷ đồng để xây dựng khu vui chơi cho trẻ tại thôn Tây, xã An Hải cho biết: “Được huyện tạo điều kiện cho thuê diện tích 1.400m2, tôi đầu tư xây dựng hai sân bóng đá mini và khu vui chơi giải trí cho trẻ. Bởi tôi cũng là một người con sinh ra và lớn lên tại đảo, nên hiểu được trẻ em khao khát sân chơi như thế nào. Tôi đầu tư 300 triệu đồng  mua sắm trang thiết bị phục vụ vui chơi cho trẻ với mong muốn các em sẽ được tiếp cận với hầu hết các trò chơi, từ thú nhún, tàu lửa điện, nhà phao… như trẻ em đất liền”.

Nắm bắt được nhu cầu vui chơi của trẻ, anh Dương Vân Anh, ngụ xã An Vĩnh cũng mạnh dạn đầu tư hai sân bóng đá mini tại An Vĩnh từ đầu năm 2014 và đã nhanh chóng thu hút được thanh thiếu niên. “Từ 17 giờ - 20 giờ là thời điểm nhiều người đến thuê sân nhất thì tôi lấy giá từ 150 - 180 nghìn đồng/trận. Còn các thời gian khác, tôi lấy giá chỉ từ 50 nghìn đồng để tạo điều kiện cho các em ít tiền vẫn có thể tham gia chơi được”.

… đến những sân chơi miễn phí

Sân chơi dành cho trẻ em trên đảo Lý Sơn không chỉ chuyển mình nhờ hình thức kêu gọi xã hội hóa, mà trẻ em trên đảo còn có điều kiện được vui chơi miễn phí nhờ sự nhiệt tâm của các tổ chức thiện nguyện.

Xuất phát từ ý tưởng xây dựng không gian vui chơi miễn phí từ những vật dụng tự chế hoặc bỏ đi của nhóm Think Playgrounds, Bệnh viện Ô tô cùng Bridgestone Việt Nam đã đưa mô hình này tới đảo Lý Sơn để phục vụ trẻ em nơi đây. Bốn “khu vườn thần tiên” diện tích 400m2 được lót bằng cỏ nhân tạo cùng các đồ chơi độc đáo như xích đu, thang leo, bập bênh, sàn nhún, ô tô, mô tô… làm từ lốp xe đã được xây dựng tại các điểm Trường Mầm non An Vĩnh, Mầm non Lý Sơn, Mầm non An Hải, Tiểu học An Vĩnh 1.

“Trước đây, các trường nhận được rất nhiều thiết bị phục vụ nhu cầu vui chơi cho trẻ. Nhưng do đặc thù huyện đảo nên các thiết bị bằng kim loại trên nhanh chóng bị sương muối bào mòn gây hư hỏng. Bởi vậy, các thiết bị đồ chơi làm từ lốp xe này không chỉ giải quyết nhu cầu vui chơi cho trẻ, mà còn là giải pháp rất sáng tạo có thể giúp kéo dài thời gian sử dụng các sân chơi trên”,  ông Lê Nhụ - Phó Trưởng Phòng Giáo dục – Đào tạo huyện Lý Sơn cho biết.

Bài, ảnh: Ý THU
 


.