Nơi cập bến tình thương

01:08, 24/08/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật (TKT) Võ Hồng Sơn ra đời dựa trên tâm huyết, mồ hôi, công sức và tấm lòng hảo tâm của rất nhiều đơn vị, cá nhân. Để đáp lại những nhịp cầu nhân ái ấy, các em học sinh và cán bộ giáo viên nơi đây luôn nỗ lực hết mình để xứng đáng với sự kỳ vọng và quan tâm của cộng đồng xã hội.

Nâng bước em đi

Đến với Trung tâm, tôi không khỏi xúc động và thán phục những tâm hồn bé nhỏ không cam chịu bất hạnh, đã và đang từng ngày nỗ lực phấn đấu vươn lên hòa nhập với cộng đồng. Thầy trò, cô cháu cùng quây quần bên nhau như một gia đình, dù là khi học, khi chơi và cả khi ăn. Từng giáo viên, từng nhân viên và từng bảo mẫu lúc nào cũng luôn quan tâm, chăm chút cho các em từng bữa ăn, giấc ngủ. Bởi các em không như bao trẻ khác, em thì khiếm khuyết về mắt, em thì khiếm thính, di tật tay, chân... Điều để lại ấn tượng trong tôi là em Trần Công Toán (7 tuổi) ở thôn Kim Thành, xã Hành Dũng (Nghĩa Hành).

Em Toán được cô giáo hướng dẫn tô màu.
Em Toán được cô giáo hướng dẫn tô màu.


Là học sinh “út” nhất trong lớp học, nhưng lúc nào em cũng say sưa tập tô màu, ghi chữ. Thân thể em gầy còm, yếu ớt nhưng tinh thần ham học thì luôn bừng sáng trong đôi mắt trẻ thơ này. Từ khi Trung tâm đi vào hoạt động, Toán may mắn được tiếp nhận nuôi dạy miễn phí, nên bố mẹ em rất vui mừng. “Từ ngày gửi con đến Trung tâm, tôi mới an tâm đi làm kiếm tiền nuôi 5 miệng ăn trong gia đình. Nếu Trung tâm không tiếp nhận, chắc cháu mãi là đứa trẻ mù chữ, không thể hòa nhập cộng đồng”, anh Nguyễn Văn Tính, phụ huynh em Toán chia sẻ.

Còn em Bùi Minh Quang (16 tuổi), học sinh lớp khiếm thính cũng có hoàn cảnh rất éo le. Ba anh em của Quang đều bị khiếm thính. Gia đình có hoàn cảnh rất khó khăn. Từ ngày vào Trung tâm, để đáp lại kỳ vọng của gia đình và cán bộ giáo viên cũng như các tấm lòng hảo tâm, Quang đã nỗ lực học tập, rèn luyện. Em đã tập dò dẫm, biết được từng chữ cái, con số. Ở đây như ngôi nhà thứ hai đầy nhân ái, em được chăm sóc, nuôi dưỡng trong vòng tay yêu thương của thầy cô và bao bạn bè trang lứa. Ngoài nỗ lực học tập, Quang còn ham mê chơi cờ . Vừa qua, trong đợt giao lưu với học sinh khuyết tật tại Nha Trang em đã giành giải nhì môn cờ vua trước sự thán phục của mọi người.

Ngôi nhà nhân ái

Dù mới đi vào hoạt động 5 tháng qua, nhưng sự tiến bộ mà cô, trò nơi đây đạt được khá lớn. Nhiều em ban đầu còn khá lạ lẫm với bàn may, thì nay đã biết may đường nét cơ bản; các em biết từng chữ cái, đánh vần, biết những con số... Cô giáo Huỳnh Thị Tuyết Mai, ở phường Quảng Phú, TP.Quảng Ngãi, từng có thời gian dạy TKT tại TP. Hồ Chí Minh. Khi biết ở quê nhà có mở Trung tâm nuôi dạy TKT miễn phí, cô Mai đã từ bỏ công việc giảng dạy nơi đất khách để về “đầu quân” cho Trung tâm. Đối với cô, lương ở đây dù thấp, nhưng được làm việc, đem sức trẻ cống hiến tại quê nhà là ước nguyện lâu nay. Cô Mai tâm sự: “Niềm vui của tôi chỉ đơn giản là dạy các em học nói, nhận biết và đọc được những con số đơn giản. Mỗi người trong Trung tâm đều cùng chung một hoài bão, nỗ lực chăm sóc, dạy bảo để giúp các em có thể sớm hòa nhập với cộng đồng”.

Cô giáo Trần Thị Liên (55 tuổi)- giáo viên dạy nghề may, nguyên là cán bộ BHXH tỉnh. Sau khi nghỉ hưu, cô Liên tình nguyện lên Trung tâm dạy may cho các em. “Nhiều người nói, sao không nghỉ ngơi mà đi dạy cho mệt, nhất là dạy TKT. Nhưng với tôi, giúp các em học được cái nghề để chúng có thể tự nuôi sống bản thân sau này là niềm hạnh phúc. Người ta sẵn sàng bỏ nhiều tiền của để ủng hộ xây dựng mái ấm nhân ái này, còn tôi không có gì đóng góp, thì góp chút công sức để các đứa trẻ bất hạnh biết được nghề là vui lắm rồi”, cô Liên bộc bạch.

Để giúp các em biết được những đường may cơ bản là cả một quá trình nỗ lực của người giáo viên. Ngoài nỗ lực học ngôn ngữ, ký hiệu để giao tiếp với các em, trong giảng dạy cô còn phải chỉ đi chỉ lại nhiều lần, nhưng nhiều em cứ lắc đầu tỏ vẻ không hiểu. Những lúc như vậy, cô phải an ủi như một  “người mẹ”. Nhờ vậy mà giờ nhiều em có thể tự cắt may những thao tác đơn giản như áo gối, khẩu trang…Đấy là niềm vui và là động lực để cán bộ, giáo viên, nhân viên của Trung tâm tiếp tục thực hiện sứ mệnh cao cả của mình đối với trẻ khuyết tật.
    

Bài, ảnh: Trí Phong

 


.