Đóng ghe phòng lũ

10:08, 12/08/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Được xem là vùng “rốn lũ”, nên dù mới chỉ bước vào tháng 8, người dân ở xã Hành Tín Tây (Nghĩa Hành) đã sẵn sàng chuẩn bị đối phó với lũ lụt.

TIN LIÊN QUAN

Phòng lũ từ xa

Tháng 8, dòng sông Vệ trong xanh. Trên những cánh đồng, bãi bồi vùng trũng thôn Phú Khương, Tân Hòa, Tân Phú 1, Đồng Miễu, xã Hành Tín Tây trải dài màu xanh của hoa màu. Thế nhưng, ông Phạm Sú, ở thôn Tân Hòa lại trần mình dưới trời nắng gắt để đóng, lắp ghép chiếc ghe nhôm chuẩn bị cho mùa mưa lũ đến. Ông Sú cho hay: “Phải tranh thủ chứ mưa lũ sắp về rồi. Một chiếc ghe đóng cũng mất 12 công. Trước mùa mưa này, anh em trong đội đã nhận đóng 15 chiếc và phải bàn giao cho người dân vùng trũng trước tháng 9 đến”.

Người dân xã Hành Tín Tây đóng ghe chuẩn bị ứng phó với mùa mưa lũ.
Người dân xã Hành Tín Tây đóng ghe chuẩn bị ứng phó với mùa mưa lũ.


Ông Trần Văn Trường- Trưởng thôn Phú Khương, cho biết, mặc dù còn gần hai tháng nữa Quảng Ngãi mới vào mùa mưa bão, nhưng ngay từ bây giờ bà con đã chuẩn bị sắp xếp lương thực, thu dọn nhà cửa gọn gàng để sẵn sàng sơ tán khi lũ đến. Có nhiều gia đình gần sông như hộ ông Trần Xuân Tình, Trương Quang, Cao Huyền…đã chuẩn bị can nhựa để làm phao cứu sinh phòng khi lũ đổ về đột ngột. Ở các vùng trũng thôn Tân Hòa, Tân Phú 1, Đồng Miếu cũng chọn cách phòng lũ từ xa như bà con thôn Phú Khương.

Xã miền núi Hành Tín Tây nằm đầu nguồn con sông Vệ. Nơi đây được xem như vùng “rốn lũ” của huyện Nghĩa Hành. Bởi, khi mưa lũ đổ về, nước sông Vệ dâng cao, cộng với lượng nước từ các sườn đồi từ Minh Long ùa về làm cho các vùng trũng của xã Hành Tín Tây bị nhấn chìm trong nước. Đợt lũ lụt năm 2013, toàn xã có 70% nhà cửa, hoa màu, gia súc, gia cầm, nhấn chìm trong nước, giao thông tắc nghẽn và bị cô lập cả tuần. Ông Lê Tấn Chiến, ở thôn Tân Hòa chỉ vết nước dâng cao hơn 2 mét trên vách nhà, bảo: “Ở vùng trũng này, cứ mưa lớn đầu nguồn, nước sông Vệ dâng cao là bị ngập. Năm 2013, nhiều nhà ngập sâu từ 1,5 -3m. Nhiều người thoát thân không kịp nên bị mắc kẹt trên mái nhà. Những người có ghe như ông Sú, ông Sở mới cứu được người trong đêm mưa lũ”.

Theo nhận định của những người cao niên ở Hành Tín Tây thì, ngoài cơn lũ lịch sử năm 2013, cứ khoảng 5 – 10 năm là vùng đất này phải hứng lấy một trận lũ lớn, đó là chưa kể đến hằng năm đều phải chịu thiệt hại do ngập lụt. Vì thế mà kinh tế địa phương phát triển khá chậm.
 

Xây 54 nhà chống lũ


Ông Mai Văn Tường – Chủ tịch UBND xã Hành Tín Tây cho biết: Bên cạnh việc người dân chủ động đóng thuyền phòng  lũ, xã cũng đã lên kế hoạch di dời 37 hộ dân ở vùng sạt lở nứt núi và ngập sâu lên nơi cao ráo. Đồng thời đôn đốc, nhắc nhở những hộ được hỗ trợ xây dựng nhà chống lũ phải hoàn thành trước mùa mưa năm nay. Trong tổng số 54 nhà được hỗ trợ cho bà con nghèo vùng trũng, đến nay đã xây dựng hoàn thành 35 nhà, số còn lại đang thi công.

Đội thợ đóng ghe “bất đắc dĩ”

Ở xã Hành Tín Tây, đội thợ đóng ghe của ông Sú được xem là những người có tay nghề thuần thục nhất. Đội ông gồm có 3 người. Người cắt, đập, gò, lận cong các thanh nhôm, người gắn ốc vít, ráp ghe… Ông Sú cười xòa: “Bất đắc dĩ mới thành thợ đóng ghe, chứ nhà định cư miền núi lâu rồi làm gì biết ghe thuyền mà đóng, nhưng anh em tin tưởng nên mình cứ mạnh dạn làm”.

 Ông Sú sinh ra ở miền biển, nhưng về vùng trũng Hành Tín Tây sinh sống. Sở dĩ ông trở thành người thợ đóng ghe giỏi của làng cũng xuất phát từ việc chống chọi với lũ dữ. Ông Sú kể: Ngày đó, lũ dữ tràn về đột ngột. Nhà cửa bỗng chốc chìm trong nước, lương thực, thực phẩm đều ướt nhẹp, tính mạng của gia đình bị uy hiếp giữa bốn bề nước. May mà nhờ người hàng xóm chèo ghe nan đến đưa đi kịp thời.

Ám ảnh lần thoát nạn đó nên biết vùng trũng này hằng năm đều bị ngập lụt, ông Sú liền nhờ cha bày cho cách đan, lắp ráp chiếc ghe nan để phòng khi lũ về. Thế là kể từ đó, ông đã có chiếc “phao” hộ mệnh gia đình. Cứ 2 – 3 năm ông lại thay ghe một lần. “Trong quá trình đan, uốn, đóng ghe, phải khéo, phải có kinh nghiệm canh đều thì ghe mới lướt nhẹ, khỏi chao trong lũ dữ”- ông Sú chia sẻ kinh nghiệm.  

Thấy thuận lợi nên nhiều người trong vùng đã nhờ ông đóng ghe và học cách để cùng đóng. Ông Lê Tấn Chiến trở thành thợ trong đội đóng ghe của ông Sú cũng xuất phát từ việc chống lũ. Ông bảo: Phải đốn tre già, vót lấy cật tre, ngâm nước rồi đem lên phơi nắng mới đan. Nhưng muốn chiếc ghe chắc chắn khi đan ngoài nắng để các nan tre xít, chặt, ghe mới bền. Đóng được một chiếc ghe phải chuẩn bị từ tháng 3 đến tháng 8 mới hoàn thành”.   

Chính vì hằng năm đều đóng ghe tự vệ cho mình và cứu bà con trong lũ dữ mà ông Sú, ông Chiến đã tích lũy cho mình nhiều kinh nghiệm để đóng ghe nan, rồi đến ghe nhôm. Khi nhiều người dân vùng trũng đều muốn sắm cho mình chiếc ghe để sẵn sàng phòng lũ, ông Sú, ông Chiến rủ thêm ông Phạm Su ở Hành Phước thành lập đội đóng ghe “bất đắc dĩ” bên đầu nguồn sông Vệ. Năm nay, bà con trong và ngoài xã nhờ đóng với số lượng lớn, nên ngay từ đầu tháng 7, đội thợ của ông đã triển khai đóng ghe để bàn giao cho bà con trước khi mưa lũ về.

Bài, ảnh: MAI HẠ

 


.