Thủy điện, bài học chưa cũ- Kỳ 3: Bài học chưa cũ

10:07, 10/07/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Cùng với một số thủy điện đang vận hành, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi hiện có thêm nhiều thủy điện đang và sẽ triển khai. Với những gì đã diễn ra tại các dự án thủy điện, việc đầu tư các dự án mới cần được quản lý chặt chẽ hơn.

TIN LIÊN QUAN

Là một tỉnh vốn không nhiều tiềm năng về thủy điện, song trên địa bàn tỉnh cũng quy hoạch tới 25 thủy điện, với tổng công suất gần 440 MW. Tuy nhiên, “qua các đợt kiểm tra, rà soát, Sở Công thương đã tham mưu UBND tỉnh đề xuất Bộ Công thương loại khỏi quy hoạch 13 dự án không đảm bảo yêu cầu về kinh tế - xã hội, ảnh hưởng tiêu cực lớn đến môi trường sinh thái...”-ông Trương Quang Dũng- Quyền Giám đốc Sở Công thương cho biết.

Dù nhà cửa tại khu TĐC được xây dựng kiên cố, nhưng vì không có đất sản xuất nên nhiều ngôi nhà tại khu TĐC “cửa đóng then cài”.
Dù nhà cửa tại khu TĐC được xây dựng kiên cố, nhưng vì không có đất sản xuất nên nhiều ngôi nhà tại khu TĐC “cửa đóng then cài”.


Trong số 12 dự án thủy điện còn trong quy hoạch (tổng công suất hơn 290 MW), có 6 thủy điện (tổng công suất gần 160 MW) đã đi vào hoạt động. Ngoài ra, có 3 dự án thủy điện hiện đang triển khai. Đó là Dự án thủy điện Sơn Trà 1 (do Công ty Cổ phần 30.4 Quảng Ngãi làm chủ đầu tư), Dự án thủy điện Sơn Tây (do Công ty Sovico Quảng Ngãi làm chủ đầu tư) và Công ty Cổ phần Thủy điện Miền Trung làm chủ đầu tư dự án thủy điện Đắkđrinh 2. Tổng công suất của 3 dự án này là 91 MW, với tổng mức đầu tư hơn 3 nghìn tỷ đồng.

Theo ông Trương Quang Dũng, thủy điện Hà Nang là một bài học của tỉnh. Vì thế, sau khi có Nghị định 15 của Chính phủ và Thông tư 43 của Bộ Công thương thì việc quy hoạch, xây dựng các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh được quản lý chặt chẽ hơn. Nhất quyết không để xảy ra những trường hợp tương tự.
 

Thêm nỗi lo lũ từ… thủy điện
Trên địa bàn tỉnh hiện có 2 công trình thủy điện có khả năng kết hợp nhiệm vụ phòng chống lũ là thủy điện Đắkđrinh với dung tích hồ chứa khoảng 250 triệu mét khối và hồ chứa nước Nước Trong kết hợp thủy điện dung tích chứa khoảng 290 triệu mét khối. Đối với các hồ chứa nước lớn này, nếu vận hành không đúng quy trình đã được phê duyệt sẽ làm tăng lưu lượng lũ, đỉnh lũ cho vùng hạ du. Đáng chú ý là hầu hết các dự án đều nằm trên địa bàn hai huyện Sơn Tây và Sơn Hà, gây lo lắng cho chính quyền địa phương và nhân dân trong vùng.

Việc người đứng đầu ngành Công thương tỉnh thể hiện sự kiên quyết là điều đáng mừng. Tuy nhiên, có một thực tế là, với 3 dự án thủy điện mới đang triển khai, mặc dù các chủ đầu tư lên kế hoạch chi tiết về thời gian khởi công dự án, dự kiến thời gian hoàn thành, đưa Nhà máy đi vào vận hành (vào các năm 2017-2018) nhưng các dự án đều trình bày hết sức chung chung về phương án bồi thường, tái định cư, nhất là chưa có kế hoạch rõ ràng trong việc bố trí đất sản xuất tái định canh, hỗ trợ sản xuất, việc làm…

Tham gia vào đợt giám sát thủy điện của HĐND tỉnh, ông Tôn Long Hiếu-Trưởng Ban Pháp chế (HĐND tỉnh) cho rằng, với các dự án đầu tư mới, chưa thấy chủ đầu tư đặt vấn đề gì về phương án tái định canh, định cư. Điều đáng chú ý nữa là, trong số 3 dự án đang triển khai, sẽ có thêm cả trăm hecta đất rừng bị “khai tử”, trong đó có hơn 19 ha rừng phòng hộ thuộc dự án thủy điện Sơn Trà 1. Và điều khiến nhiều người lo lắng là, liệu việc trồng rừng thay thế có “đi vào vết xe cũ” hay không?

Lo ngại vấn đề này, ông Trần Ngọc Thương- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị thủy điện nghiêm túc thực hiện việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng đúng quy định. Và theo quy định mới, chủ đầu tư phải trồng rừng thay thế trước khi xây dựng thủy điện, nếu các chủ đầu tư không thực hiện thì tỉnh nên kiên quyết. Đồng quan điểm này, ông Phí Quang Hiển-Phó Giám đốc Sở TN&MT cho rằng, việc phát triển các thủy điện bên cạnh những tác động tích cực, vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Trong khi diện tích rừng bị thu hẹp do thủy điện thì cần phải làm tốt việc trồng rừng thay thế.

Trong khi đó, dù đã thống nhất việc xây dựng thủy điện Sơn Trà 1, nhưng huyện Sơn Hà lại “phân vân, lo ngại về phương án bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn ở khu vực xây dựng thủy điện khi đường thi công thủy điện bị người xấu lợi dụng để khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép”. “Vì thế cần có giải pháp hữu hiệu giữa ngành nông nghiệp và địa phương ngay từ khi khởi động dự án”-huyện Sơn Hà đề nghị.

Và điều quan trọng nhất là việc chăm lo cuộc sống cho những người dân “bị” tái định cư. Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh có khoảng 750 hộ dân di dời, tái định cư do ảnh hưởng bởi các dự án thủy điện. Đây là số lượng không nhiều. Theo đánh giá của Sở NN&PTNT  thì “hầu hết số hộ dân di dời tái định cư có nhà ở tương đối kiên cố so với nơi ở cũ”. Song điều đáng buồn là chỉ có một bộ phận người dân thuộc dự án thủy điện Đắkđrinh là có đời sống khấm khá hơn trước, còn phần lớn các hộ dân bị ảnh hưởng bởi các dự án thủy điện đời sống vẫn rất bấp bênh, hiện vẫn chưa được giải quyết rốt ráo. Đó là bài học nhãn tiền.

Cái khó lớn nhất của người dân đến nơi tái định cư là thiếu đất sản xuất. Vì thế, các đơn vị có trách nhiệm liên quan cần rà soát, điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tái định canh khi Nhà nước thu hồi đất, nhằm đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn tại các địa phương cũng như quy mô các dự án thủy điện. Thêm vào đó, các ngành chức năng, các địa phương liên quan phải phối hợp chặt chẽ để giải quyết, đảm bảo an sinh lâu dài cho các hộ dân đã di dời, tái định cư. Đừng để người dân tái định cư lại một lần nữa “chông chênh” bên các hồ thủy điện!
 

Các ngành, địa phương chưa phối hợp chặt chẽ

Ông Trần Ngọc Thương-Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, trong những năm qua mối quan hệ giữa các ngành, địa phương trong việc triển khai xây dựng thủy điện chưa chặt chẽ. Nhất là trong vấn đề lập phương án đền bù, giải phóng mặt bằng, xác định khu đất tái định cư và tái định canh cho dân, hầu như huyện tự làm. Chỉ khi vướng mắc, khi khu tái định cư thiếu đất, huyện mới làm văn bản đề nghị các ngành chức năng của tỉnh tham gia.

 

Nhóm PV Kinh tế

 


.