Thủy điện, bài học chưa cũ - Kỳ 2: Rừng đã mất và rừng vẫn... bị phá

07:07, 09/07/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Theo quy định, khi dự án thủy điện đi vào hoạt động, chủ đầu tư dự án phải  trồng rừng thay thế do bị mất khi làm thuỷ điện, gọi là “rừng bù”. Thế nhưng trong thực tế, rừng mất thì đã rõ nhưng “rừng bù” thì vẫn chưa thấy đâu. Không những thế, rừng còn bị mất dần do chính người dân trong vùng dự án vào rừng kiếm kế sinh nhai, vì họ thiếu đất, thậm chí là không có đất sản xuất.

 

TIN LIÊN QUAN


Trồng rừng thay thế,  quá ì ạch

Theo quy định, nếu không có phương án trồng rừng thay thế được duyệt thì kiên quyết không cho khởi công đầu tư các dự án thủy điện. Thế nhưng, thực tế không hẳn như vậy.

Với 6 dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh đã đưa vào vận hành, có hai dự án là thủy điện Hà Nang và Nước Trong phải thực hiện trồng rừng bù vào số diện tích rừng đã mất, với khoảng 85ha. Thế nhưng đến nay, rừng trồng thay thế chỉ là con số 0 tròn trĩnh.

Đánh giá về nghĩa vụ của các chủ đầu tư về việc trồng rừng thay thế, ông Trần Ngọc Thương-Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho hay, trong gần 85 ha rừng trồng thay thế thì chủ đầu tư thủy điện Hà Nang có nghĩa vụ trồng hơn 71ha và chủ đầu tư thủy điện Nước Trong trồng gần 13ha. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, đến ngày 14.2.2015, diện tích đất trồng rừng thay thế của Dự án thủy điện Hà Nang mới được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 222/QĐ-UBND. Theo đó, chủ đầu tư là Công ty Cổ phần  Đầu tư &Xây dựng Thiên Tân nộp tiền vào Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh và Quỹ này giao cho Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Trà Bồng thực hiện việc trồng rừng thay thế. Nguồn kinh phí trồng rừng thay thế khoảng 3,2 tỷ đồng. Dù vậy, đến nay chủ đầu tư thủy điện Hà Nang vẫn chưa nộp vào Quỹ, nên việc triển khai trồng rừng thay thế gặp khó khăn.
 

Thiếu đất sản xuất, người dân tái định cư ở Hà Nang “buộc phải” phá rừng làm rẫy.             Ảnh N.V
Thiếu đất sản xuất, người dân tái định cư ở Hà Nang “buộc phải” phá rừng làm rẫy. Ảnh N.V


Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Tá Trường Hải – Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Thiên Tân cho biết, Công ty xin UBND tỉnh nộp 3,2 tỷ đồng tiền trồng bù lại 71,3 ha rừng theo phân kỳ  “1 năm trồng 3 năm chăm sóc”, nhưng UBND tỉnh không chấp thuận. UBND tỉnh yêu cầu phải nộp một lần. Vì thế, công ty đã tính toán trong tháng 7.2015 sẽ nộp đủ số tiền nói trên.

Trong khi đó, Dự án thủy điện Nước Trong do Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Thạch Nham thực hiện trồng rừng, kinh phí được trích từ ngân sách nhà nước. Thế nhưng, việc triển khai cũng mới dừng trên… giấy tờ! Và dự kiến (theo kế hoạch-PV) phải đến cuối năm 2015, việc trồng rừng mới được triển khai.
 

“Tại văn bản chưa có tính răn đe”!

Theo Sở NN&PTNT Quảng Ngãi thì đối với việc trồng rừng thay thế, Sở đã có nhiều văn bản đôn đốc nhưng “những văn bản chưa có tính chất răn đe” nên chủ đầu tư thủy điện chây ỳ, dẫn đến chậm tiến độ thực hiện. Mà nguyên nhân chủ yếu là “việc thực hiện trồng rừng thay thế không được quan tâm nhiều và thiếu cơ sở pháp lý để buộc chủ dự án trồng rừng thay thế”!

Mưu sinh bằng cách… phá rừng

Thiếu đất sản xuất, dẫn đến tất yếu là dân tái định cư phá rừng phòng hộ. Đó là thực tế đau lòng đang diễn ra ở khu tái định cư thủy điện Hà Nang. Sau gần 6 năm di dời, 104 hộ đồng bào dân tộc Cor, với hơn 500 nhân khẩu, vẫn chưa có cuộc sống ổn định tại nơi ở mới. “Về đây không có đất sản xuất, nên người dân phải vào rừng chặt củi đổi gạo”, ông H.V.T, một người dân tái định cư nói. Ngày qua ngày, để có “củi đổi gạo” vì thế mà rừng mất dần. Nếu như cách đây 4-5 năm, xung quanh khu tái định cư này là rừng bạt ngàn xanh, “bước ra nhà là rừng phòng hộ” như lời của Bí thư Huyện ủy Trà Bồng, thì bây giờ, rừng xung quanh đang dần biến mất. Những cánh rừng đang bị thu hẹp, gặm nhấm dần về phía… tỉnh Quảng Nam, khi hàng chục hộ dân thiếu đất sản xuất “chỉ biết” phá rừng làm rẫy.

Ông Hồ Ngọc Thịnh-Bí thư Huyện ủy Trà Bồng thừa nhận thực tế, hầu hết các hộ dân tái định cư ở Trà Thủy hiện đang rất bức xúc vì thiếu đất sản xuất. Từ năm 2012, huyện Trà Bồng đã làm hồ sơ gửi cấp trên xin chuyển mục đích sử dụng khoảng 120ha đất từ đất rừng phòng hộ sang đất nông nghiệp để cấp cho 104 hộ dân tái định cư này có đất sản xuất (đến nay đã lên đến 194 hộ-PV). Tại kỳ họp HĐND tỉnh giữa năm 2013, tôi đã đặt vấn đề này với đồng chí Giám đốc Sở NN&PTNT, đồng chí ấy hứa cuối năm sẽ có đất tái định canh. Thế nhưng đến nay, gần đến kỳ họp giữa năm 2015 vẫn chưa thấy đất để bố trí cho dân.

Còn ông Trần Ngọc Thương-Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, khi dân chưa có đất tái định canh, huyện Trà Bồng cũng chưa làm hết trách nhiệm. Vấn đề này, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh. Tuy nhiên, việc chuyển đổi một lần với diện tích từ 50ha trở lên phải thông qua Quốc hội, còn tỉnh chỉ có thẩm quyền chuyển đổi với diện tích dưới 20ha. Sở cũng đã yêu cầu huyện rà soát những hộ thật sự cần đất để chuyển đổi dần trong phạm vi thẩm quyền cho phép nhưng huyện Trà Bồng yêu cầu chuyển đổi một lần với diện tích quá lớn, trong khi nếu chưa có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ mà chúng ta thực hiện là trái với quy định.

Trong khi tất cả các cơ quan liên quan đều đang ở “chế độ… trông chờ nhau”, thì hàng trăm nhân khẩu ở khu tái định cư Hà Nang cũng chỉ biết bấu víu vào rừng để kiếm kế sinh nhai. Và ở một nơi mà “bước ra nhà là rừng phòng hộ”, nếu việc giải quyết đất sản xuất cho dân càng chậm và kéo dài thì rừng sẽ ngày càng mất đi.

Nhóm PV Kinh tế

 

*Kỳ 3: Bài học chưa cũ

TIN, BÀI LIÊN QUAN

 




 


.