Thủy điện, bài học chưa cũ- Kỳ 1: "Chông chênh " tái định cư bên hồ thủy điện

08:07, 08/07/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Quảng Ngãi hiện có 12 dự án thủy điện còn trong quy hoạch, trong đó có 6 thủy điện đã đi vào hoạt động. Vì thế, nhận diện đầy đủ những mặt được và chưa được của các dự án thủy điện là việc nên làm, nhằm giúp công tác triển khai các dự án thủy điện đạt được mục tiêu vừa phát triển thủy điện, vừa phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương một cách hài hòa, hiệu quả, bền vững.

TIN LIÊN QUAN

 

Kỳ 1: “Chông chênh ” tái định cư bên hồ thủy điện

Phải thừa nhận rằng, các dự án thủy điện đi vào vận hành, khai thác đã có những đóng góp tích cực vào nguồn thu ngân sách địa phương và cải thiện đời sốngmột bộ phận người dân trong vùng dự án. Thế nhưng, vẫn còn những hậu quả mà đến nay vẫn chưa khắc phục xong.

 

Từ “bốn không” đến… “vẫn không”
 
Chuyện tái định cư (TĐC) và tái định canh cho dân của Dựán thủy điện Hà Nang đã từng tốn biết bao giấy mực, họp hành. Dù vậy, trung tuần tháng 6 vừa qua, trở lại Khu TĐC “bốn không” ngày nào (không đất sản xuất, không điện, không nước, không trường học-PV), giờ vẫn vậy, dù thủy điện này đã khánh thành, hòa vào điện lướiquốc gia cách đây hơn 5 năm.
 

 

Lòng hồ thủy điện Hà Nang.   Ảnh N.V
Lòng hồ thủy điện Hà Nang. Ảnh N.V
Sau khi vượt hơn 15 cây sốđường dốc cheo leo, chúng tôi đến được hồ chứa thủy điện vào khoảng 8 giờ sáng, đúng vàothời điểm các hộ dân khu TĐC lục tục vượt lòng hồ để về nơi ở cũ mưu sinh.

Mưa lất phất, sương là đà mặt hồ, gia đình anh Hồ Văn Thung dắt díu con nhỏ,mang theo cả chó con, gà mớinở bỏ xuống thúng để vượt hồ. Con bò– gia tài lớn nhất của gia đình, được anh Thung mượn một thanh niên khác cùng làng vật xuống, trói chặt 4 chân, gông cổ lại bằng những sợi dây rồi khiêng bỏ gọn vào thúng. Mất khoảng 30 phút công việc này mới hoàn tất, anh Thung chèo thúng chở bò, chó con, gà chiếp,còn con gái và vợ đi riêng trên một chiếc thúng khác.

“Ở đây trước nhà là đường, sau lưng là đồi dốc, sỏi đá, chẳng có gì làm thức ăn cho vật nuôi cả. Phải đưa nó về chỗ ở cũ để cứu nó.Từ khi vào khu TĐC này khổ cực vô cùng, không có ruộng córẫy, chỉ có cái nhà là to” – anh Thung buồn bã nói.
 
Cần 77 tỷ xây dựng, khôi phục hạ tầng
Ông Trương Quang Dũng-Quyền Giám đốc Sở Công thương cho biết,theo dự toán cần 70 tỷ đồng để làm đường giao thông, kéo điện… cho các hộ dân tái định cư thủy điện Hà Nang. Tuy nhiên, đến nay tỉnh mới bố trí được 15 tỷ đồng để kéo điện cho 194 hộ dân tái định cư ở Trà Thủy. Còn theo ông Hồ Ngọc Thịnh-Bí thư Huyện ủy Trà Bồng  thì, ngoài chuyện rừng bị ảnh hưởng, khi thủy điện Hà Nang chặn dòng xong, huyện Trà Bồng mất 2 thủy lợi lớn là Nước Nung và Trà Tân, huyện phải bỏ ra khoảng 7 tỷ đồng để làm lại 2 thủy lợi này nhưng chẳng ai nói gì, chẳng aitính toán cả. Đến nay, 2 dự án này vẫn chưa xong.
Đứng ngay bên bờ hồ chứa nước Hà Nang chứng kiến cảnh người dân huyện nhà phải vất vả trong cuộc mưu sinh bên chân thủy điện này, Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng Nguyễn Xuân Bắc đầy vẻ xót xa. Chỉ tay về phía bờ hồ nơi giáp chân rừng phòng hộ, ông Nguyễn Xuân Bắc cho biết: Hiện giờ huyện đang triển khai làm con đường để đi từ khu TĐC về nơi ở cũ, không phải vượt hồ nguy hiểm nữa. Thế nhưng con đường này chắc phải cuối năm mới hoàn thành vì quá trình thi công gặp một số khó khăn. Riêng về chuyện cấp điện cho người dân TĐC thủy điện này thì ông Bắc cho biết: Huyện đã lập dự án cấp điện, triển khai kéo đường dây từ năm 2014.

Theo kế hoạch, Tết Nguyên đán vừa rồi, dân sẽ có điện dùng nhưng vì quá trình thi công gặp một số vướng mắcnên đến nay vẫn chưa đóng điện được!
 
Nước Đốp, Đồi Gu cũng khổ vì thủy điện
 
Tương tự như ở vùng thuỷ điện Hà Nang, hiện nay khu dân cư Nước Đốp, thôn Ra Manh, xã Sơn Long (Sơn Tây) vẫn đang bị cô lập, kể từ khi thủy điện Đắkđrinh tích nước vào năm 2013. Trước đây, khi chưa làm hồ chứa thủy điện, người dân Nước Đốp đi lại bằng con đường đất vắt ngay dưới lòng hồ.

Rồi khi triển khai thủy điện, đường ngập sâu dưới cao trình 410m, trong khi thôn Nước Đốp nằm chênh vênh trên núi cao, nên người dân, dù không bị ảnh hưởng bởi dự án vẫn bị cô lập bởi lòng hồ mênh mông không có lối đi về.
 
Cuộc sống ở khu tái định cư Hà Nang gặp nhiều khó khăn, anh Hồ Văn Thung, phải về chỗ ở cũ để sản xuất.                   Ảnh: T.N
Cuộc sống ở khu tái định cư Hà Nang gặp nhiều khó khăn, anh Hồ Văn Thung, phải về chỗ ở cũ để sản xuất. Ảnh: T.N
Không có đường, cuộc sống của hàng trăm con người như rơi vào ngõ cụt. Không mua – bán giao thương, trẻ con phải đi vòng đường rừng để đến trường.UBND huyện Sơn Tây đã huy động sức trẻ mở một con đường đất từ Nước Đốp ra trung tâm xã, nhưng qua một mùa mưa, đường sạt lở không thể đi lại được nữa. Mới đây, HĐND huyện Sơn Tây tiếp xúc cử tri xã Sơn Long, nhân dân thôn Nước Đốp lại khẩn thiết mong được đầu tư làm đường để không còn cảnh sống cô lập trên non cao nữa.

Tại buổi tiếp xúc cử tri này, người dân thôn Ra Pân (Sơn Long) cũng đề nghị huyện Sơn Tây cần canthiệp chuyện thủy điện Đắkđrinh tích nước ngập hết gần 5.000m2 diện tích ruộng lúa nước của hộ ông Đinh Văn Ngôn ở khu dân cư Ra Pân đến nay vẫn chưa có kiểm tra, đền bù.
 
Còn tại khu Đồi Gu, ở thị trấn Di Lăng (Sơn Hà) được Ban quản lý dự án hợp phần di dân hồ chứa nước Nước Trong kết hợp thủy điện chọn làm nơi TĐC cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án. Thế nhưng vừa dọn về ở thì đã xảy ra tình trạng sạt lở, hiện tại nhiều hộ dân không dám ở trong nhà được cấp nữa, vì sợ nguy hiểm đến tính mạng.

Anh Đinh Văn Nga – một trong 6 hộ dân bị sạt lở đe dọa ở khu TĐC Đồi Gu bày tỏ nỗi bất an: Mỗi khi mưa to, gia đình tôiphải đi tá túc, không dám ở trong nhà mình. Vết sạt lở chỉ còn cách tường nhà chưa đến 1m thìkhông biết ngôi nhà này sẽ bị lôi xuống vực sâu lúc nào nữa”.
 
Không những thế, ở khu TĐC Đồi Gu, người dân còn không có nước sạch sinh hoạt để dùng, không có đất ruộng để gieo sạ mặc dù trong dự án có“đảm bảo đầy đủ” 2 vấn đề dân sinh thiết yếu này. Hệ thống nước sạch còn không phát huytác dụng, người dân phải hàng ngày xuống suối để lấy nước về dùng, dù không đảm bảo vệ sinh. Và lại càng trái khoáy, khi đất tái định canh cho dân lại không có hệ thống thủy lợi, nên 2/3 diện tích hiện nay đang bị bỏ hoang hóa…

 
 
NHÓM PV KINH TẾ
 
 
*Kỳ 2: Rừng đã mất và rừng vẫn... bị phá
 

.