Sống "thấp thỏm" ở khu tái định cư

09:07, 15/07/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Khi tuyến đường xã Bình Minh (Bình Sơn) đi xã Trà Phú (Trà Bồng) được xây dựng cũng là lúc những hộ dân  ở KDC 11, thôn Bình Trung, xã Trà Bình (Trà Bồng) nằm bên sông Trà Bồng bị đe dọa sạt lở được dời qua khu tái định cư (TĐC) mới. Thế nhưng, về nơi ở mới họ phải gánh lấy nỗi khổ thiếu điện, nước, “cách sông trở đò”.

TIN LIÊN QUAN


 KDC 11, thôn Bình Trung (Trà Bình) có nhiều hộ dân nằm cạnh sông Trà Bồng, chỉ cần mưa lớn nửa ngày là nước sông dâng lên nên tình trạng sạt lở thường xảy ra. Chính vì vậy, năm 2010, tỉnh đầu tư  xây dựng Khu TĐC mới để di dời những hộ nằm gần bờ sông. Khu TĐC có diện tích 4.200m², đảm bảo cho 21 hộ dân vào sinh sống. Cùng lúc đó, tuyến đường xã Bình Minh (Bình Sơn) đi xã Trà Phú (Trà Bồng) được làm xong. Những tưởng có tuyến đường nhựa thẳng tắp, có cây cầu Phú Giang bắc ngang sông Trà Bồng thì người dân, nhất là học sinh sẽ dễ dàng qua lại các điểm trường hơn. Nhưng rồi họ lại chọn qua lại bằng con đường cũ. Đó là lội sông Trà Bồng, bởi đi đường mới quá dài. Nếu đường cũ đi khoảng 1km là qua trung tâm xã Trà Bình, còn đường mới phải đi gần 8km qua xã Trà Giang, Trà Phú mới tới trung tâm Trà Bình.

Mảnh đất đầy cỏ, dây điện chằng chịt và những căn nhà bỏ hoang ở khu TĐC mới.
Mảnh đất đầy cỏ, dây điện chằng chịt và những căn nhà bỏ hoang ở khu TĐC mới.


Do vậy, học sinh tiểu học và THCS khi đến trường đều qua lại bằng đường sông, vì gần hơn. Phần lớn các em đều tự đến trường. Nước cạn thì lội, nước sâu thì đi bằng thúng, nên nguy hiểm luôn rình rập. “Không lẽ cho con mù chữ. Đi đường mới thì xa quá, đành phải đưa tụi nhỏ đi học bằng đường sông. Biết là nguy hiểm, nhưng giờ chúng tôi cũng không biết làm sao…”, anh Nguyễn Ngọc Thìn, nhà ở khu TĐC thở dài.

Không chỉ đường cách trở, cuộc sống người dân nơi đây còn thiếu thốn trăm bề. Nhà anh Nguyễn Ngọc Thìn có  6 người, mùa này phần lớn phải ngủ nghỉ ngoài hè do điện lúc có, lúc không.  “Một ngày cúp đến 3, 4 lần. Có ngày không có điện luôn. Mà không hiểu sao giá điện lại cao quá. Bình quân tháng nào gia đình tôi cũng trả hơn 300.000đồng”, anh Nguyễn Ngọc Thìn cho biết. Hộ ông Phạm Trà (72 tuổi) chỉ có hai vợ chồng già, thắp sáng bằng cái bóng chữ U, nhưng tháng nào cũng trên 300.000đồng. Nguyên nhân, do khu TĐC mới chưa có hệ thống điện riêng. Điện thắp sáng hiện tại do người dân tự xin bắt nhờ bên xã Bình Minh, trụ được làm bằng gỗ tạp, dây điện chắp nối, cao thấp chằng chịt  nên rất nguy hiểm.

Nước sinh hoạt cũng không đủ dùng, vì chỉ có 3 giếng nước nhưng phục vụ đến 21 hộ dân. “Tưởng qua khu TĐC mới chúng tôi sẽ không còn lo về điện, về nước. Nhưng giờ nỗi lo còn nhiều hơn. Muốn có nước dùng phải đi qua xã Trà Giang, Trà Phú để xin. Cực lắm!”, chị Phạm Thị Hậu thở dài. Vì lẽ đó, nhiều hộ qua ở một thời gian nay đành phải quy về nơi ở cũ, dù biết rằng ở như thế rất nguy hiểm vào mùa mưa lũ. Một số hộ có điều kiện thì sống một cảnh hai quê.

Ông Nguyễn Công Hành – Chủ tịch UBND xã Trà Bình cho biết: “21 hộ dân được chuyển vào khu TĐC mới nhằm tạo điều kiện cho bà con an cư lập nghiệp. Nhưng tình cảnh thiếu điện, thiếu nước, lại xa trường nên cuộc sống vô cùng khó khăn. Chúng tôi đã đề xuất phương án lên trên là cấp điện ổn định cho người dân, có thể  được kéo từ xã Bình Minh hoặc Trà Bình. Tiến hành đào thêm giếng để bà con có nước sinh hoạt. Đồng thời kiến nghị xin xây cầu vượt lũ để rút ngắn khoảng cách đi lại cho bà con”.

Bài, ảnh: Đăng Sương
 


.