Nghề buôn nước biển

09:07, 18/07/2015
.

(Baoquangngai.vn)- Nước biển là của thiên nhiên ban tặng, chiếm hơn 70% bề mặt Trái đất, vậy mà thật lạ cũng có người bán, kẻ buôn!

TIN LIÊN QUAN

Khi nói về cái nghề kỳ lạ này, nhiều người tỏ ra ngạc nhiên đến bật cười, nhưng thực tế là có thật và nó đã tồn tại cả chục năm trời.

Bên gió biển lồng lộng vi vu, tiếng sóng vỗ rì rào, nhâm nhi cốc nước, mắt hướng về đại dương bao la trong lúc chờ máy bơm hút nước biển vào bồn, anh Hoàng Nhật, chủ đại lý nước biển ở phường Nghĩa Chánh, thành phố Quảng Ngãi giật mình vì sự xuất hiện đột ngột của tôi. Vừa tiếp chuyện, anh liên tục nhận các cuộc gọi của các chủ quán đặt nước.

“Cả thành phố Quảng Ngãi chỉ mỗi mình anh bán nước biển, không ai khác làm cái nghề lạ này đâu!”- anh Nhật khẳng định chắc nịch.

Anh Nhật đã có thâm niên 4 năm trong nghề. Anh bảo mình không phải là người “khai sinh” ra cái nghề này, anh đến với nghề rất tình cờ và chưa bao giờ nghĩ đến dù chỉ là thoáng qua. Anh được “truyền” nghề từ một chủ vựa bán cá mú ở xã Tịnh Khê.

 

Bơm nước biển vào bồn.
Bơm nước biển vào bồn.


Là người chuyên kinh doanh cửa hàng vật liệu xây dựng nhỏ, trong hàng tá thứ việc anh Nhật phải làm có việc buôn bán nước biển. Nói là buôn cho oai chứ đơn giản chỉ là xuống biển lấy nước về đi bán, mà không phải lo lỗ, lo lời vì chẳng mất tiền để mua.

Chị Hạnh- một chủ vựa nuôi cá mú ở thôn Tư Cung, xã Tịnh Khê, người “khai sinh” và truyền nghề “lạ” cho anh Nhật kể: Gần chục năm về trước, vợ chồng chị khởi nghiệp bằng nghề kinh doanh cá mú. Lúc đầu chị bán hàng cho một số nhà hàng, quán nhậu ở thành phố Quảng Ngãi mang theo ít nước biển để trữ, đảm bảo cho hải sản tươi ngon, không bị chết trong khoảng thời gian dài.

Thời ấy, hai vợ chồng chị phải lọ mọ thức dậy từ lúc 4 giờ sáng, lặn lội xuống biển, đánh vật với sóng gió, chèo thúng ra cách bờ hơn 50 mét để lấy từng canh nước biển. Phải lấy nước càng xa bờ mới đảm bảo độ tinh khiết. Vất vả chẳng kém ngư dân thả lưới quăng chài.

Múc đủ vài chục canh nước biển rồi lại chất lên xe kéo hì hục vận chuyển tới hơn cả 15km giao hàng. Thời ấy phải đi nửa đêm gà gáy, nước biển nặng hơn cả nước ngọt, chở được mấy chục canh nước lên đến thị xã bở hơi tai”- chị Hạnh tâm sự.

Rồi các hàng hàng, quán nhậu mọc lên ngày càng nhiều, nhu cầu thưởng thức hải sản tươi sống tăng đột biến cần lượng nước biển rất lớn. Một lần tình cờ gặp gỡ cách đây 4 năm về trước, anh Nhật được vợ chồng chị Hạnh “truyền” nghề vì anh có sẵn lợi thế là chiếc xe tải trọng tải nhỏ. Từ dạo ấy, anh Nhật gắn bó với nghề buôn nước biển cho đến nay.

 

Anh Nhật giao nước biển cho khách hàng.
Anh Nhật giao nước biển cho khách hàng.


Không cần phải chèo thúng ra khơi để lấy nước biển, anh Nhật tỏ ra là nhà kinh doanh rất “chuyên nghiệp” khi đầu tư đóng giếng sâu cả hai chục mét ngay tại bờ biển Mỹ Khê và sắm cả bồn đựng nước thể tích lớn.

Thế là từ ấy, với chiếc xe tải nhỏ và chiếc bồn nước, anh đều đặn vận chuyển nước biển phục vụ khách khi có nhu cầu. Nước biển qua hệ thống lọc của nhiều tầng đất trở nên trong sạch, đủ độ mặn để nuôi cá và hải sản tươi sống.

“Nghe đơn giản thế, nhưng chẳng đơn giản tí nào. Mình phải đóng 5 cái giếng mới tìm được 1 cái đảm bảo độ mặn vì chúng nhiễm phèn. Phải đo độ mặn hẳn hoi mới dám giao hàng cho khách, như cá mú, ốc độ mặn 25/1.000, tôm hùm hơn 30/1.000”- anh Nhật cho biết:

Ngoài các nhà hàng, quán nhậu, thì những người có nhu cầu mua nước biển để tắm chữa bệnh ngoài da khi không có thời gian và điều kiện đi tắm biển thường xuyên cũng tăng cao những năm gần đây. Nếu như trước đây, một tháng anh đi khoảng 15 chuyến thì nay đã tăng lên gấp đôi. Thu nhập của anh từ nghề này cũng vì thế mà tăng theo.

Công việc của anh không có thời gian cố định, hễ cứ có người gọi là anh vội vàng đánh xe chạy xuống biển. Có lúc thì đi sáng sớm, có lúc giữa trưa hè nóng nực. Với bồn nước biển thể tích 1.500 lít, giá bán 13-15 nghìn đồng/30 lít, trừ tiền dầu, anh kiếm được một khoản thu nhập tương đối.

Anh Nhật hóm hỉnh: “So với nghề chính là buôn bán vật liệu xây dựng thì thu nhập từ nghề buôn nước biển ổn định hơn nhiều. Anh sẽ gắn bó với nó đến khi nào hết nước biển. Mà có lẽ, nước biển thì chẳng bao giờ cạn!”.

 

Bài, ảnh: Ái Kiều
 


.