Cho nhập hộ khẩu ở nhờ và những hệ lụy

10:07, 10/07/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hiện nay, tình trạng vi phạm Luật Cư trú phổ biến ở TP.Quảng Ngãi, nhất là nhiều phụ huynh vì muốn con được học ở một số trường điểm nên đã “chạy” hộ khẩu. Đây được xem là hành vi “giả mạo” điều kiện cư trú theo quy định của Luật Cư trú mới… Từ việc nhập khẩu này đã có biết bao hệ lụy khiến các cấp, các ngành đau đầu trong khắc phục hậu quả.

Dân số ảo!

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, hiện nay nhiều hộ dân ở phường Trần Hưng Đạo, Nguyễn Nghiêm, Trần Phú... cho người quen ở các địa phương khác nhập hộ khẩu cho con em họ vào hộ khẩu của gia đình để được đi học tại phường. Thực tế thì nhiều con em không sinh sống tại phường. Ông Đặng Ngọc Thanh - Chủ tịch UBND phường Trần Hưng Đạo cho biết: Qua điều tra, phường có 451 hộ, với gần 4.000 công dân không sống ở địa phương và đi đâu không rõ. Trong đó, 137 hộ bán nhà đi nơi khác, 24 hộ chuyển đi địa phương khác nhưng không chuyển hộ khẩu. Nhiều hộ ở các khu tập thể đã giải thể, nhưng hộ khẩu vẫn ở tại phường với mục đích là để con, cháu được đi học ở phường... Với số dân số ảo đó, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, các chỉ tiêu huy động sự đóng góp được giao trên cơ sở đầu người là rất khó cho địa phương. Cũng chính vì lẽ đó mà nhiều chỉ tiêu huy động sự đóng góp của dân không đạt kế hoạch. Đơn cử như đợt tuyển quân năm 2014, phường có nhiều thanh niên thuộc diện khám tuyển nghĩa vụ quân sự, nhưng không gọi được, vì không biết họ ở đâu.

Có trường hợp vi phạm pháp luật, cơ quan công an yêu cầu xác nhận, phường không biết danh tính công dân. “Hệ lụy lớn từ việc cho nhập hộ khẩu nhờ là khi có tranh chấp về dân sự thì phát sinh rất nhiều vấn đề như: Nếu hộ gia đình cho người nhập khẩu nhờ, sau khi học xong cấp III, họ rời địa phương đi đâu không rõ, nay gia đình đó cần bán nhà, thế chấp ngân hàng, chia đất thì không biết người “cháu gửi” năm xưa ở đâu để nhờ ký xác nhận. Bởi theo quy định của pháp luật, phải được sự đồng ý của tất cả mọi người có trong hộ khẩu từ 16 tuổi trở lên”, ông Thanh cho biết thêm.

Khó xử lý?

Còn ông Lê Hồng Nông - Bí thư Đảng ủy phường Nguyễn Nghiêm cho rằng: Những trường hợp nhập nhờ hộ khẩu thường kéo theo nhiều vấn đề phức tạp khiến địa phương khó xử lý như quyền công dân, bầu cử, nghĩa vụ quân sự và các khoản nghĩa vụ tài chính phải đóng góp khác... Để hạn chế tình trạng trên, Đảng ủy chỉ đạo chính quyền tuyên truyền để người dân hiểu những rắc rối có thể xảy ra khi cho nhập khẩu nhờ. Tuy nhiên, người dân không quan tâm đến những cảnh báo này. Hiện trên địa bàn phường có gần 300 trường hợp đến tuổi vào lớp 6, nhưng không sống tại địa phương, gây áp lực cho công tác tuyển sinh.

Và trên địa bàn có cả trăm trường hợp đã bán nhà, chuyển ở nơi khác nhưng vẫn không cắt hộ khẩu, trong đó có cả những cán bộ, công chức, viên chức... Đã vậy, có trường hợp bán nhà chuyển đi nơi khác, nhưng người nhập khẩu nhờ không chịu chuyển đi dù không có nhà ở tại phường. Ông Trần Cừ - Trưởng Công an phường Nguyễn Nghiêm cho biết: “Trước ngày 20.6.2013, Luật Cư trú chưa bổ sung, sửa đổi, người nhập hộ khẩu miễn là chủ hộ cho nhập là được. Còn sau khi sửa đổi thì phải xác định nhập khẩu để sinh sống tại địa phương thì cho, còn nhập khẩu với mục đích khác thì chúng tôi xử lý theo quy định. Tuy nhiên, việc xử lý gặp nhiều khó khăn”.

Ông Nguyễn Hà Hải - Chánh Văn phòng UBND TP.Quảng Ngãi, cho biết thêm: Những trường hợp học sinh nhập khẩu mà không xét cho học thì không được, mà cho thì quá chỉ tiêu. Điều đáng lo ngại là, không ngoại lệ những trường hợp này có khả năng có hộ khẩu cả hai nơi. Mà những trường hợp này khi đến tuổi nghĩa vụ quân sự thì rất khó kêu gọi khám tuyển. Đã vậy, việc nhập hộ khẩu nhờ sẽ có những phát sinh khác, như một gia đình nào đó cho nhập khẩu nhờ, khi người này lớn lên lập gia đình, rồi tách hộ và nếu gia đình đó trúng dự án phải giải tỏa, bồi thường, tái định cư thì chủ hộ được cấp 1 lô đất tái định cư, còn hộ tách mới được cấp đất tái định cư có thu tiền, khiến cho việc giải quyết cấp đất gặp khó khăn.

Bá Sơn
 


.