Vượt lên số phận

10:06, 17/06/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hơn 30 năm nay, anh Phạm Văn Cẩn (45 tuổi) ở xóm Khê Hội, thôn Cổ Lũy, xã Tịnh Khê (TP. Quảng Ngãi) chỉ dùng một tay để chèo thuyền, đánh cá. Là nạn nhân chất độc da cam, anh cao chỉ gần 1m với đôi chân teo, co quắp. Nhưng bằng ý chí và nỗ lực phi thường, anh đã “đứng dậy”, học chèo thuyền, thả lưới… và trở thành trụ cột của gia đình.

Người liệt chèo thuyền

Anh là con thứ mười trong một gia đình nghèo. Cha anh là thương binh, bị nhiễm chất độc hóa học. Lúc sinh ra, đôi bàn chân anh đã co quắp và cánh tay phải bị dị tật, miệng chỉ có thể ú ớ không phát âm nên từ… Nhớ về những lần tập bò, tập cầm nắm, khóe mắt anh ngấn nước. Anh kể: “Tuổi thơ của tôi là những cơn đau và nước mắt. Nhà đã nghèo, không có tiền thuốc thang nhiều nên tự dặn với lòng phải cố gắng để ngồi dậy, để tập bò... Thấy nước mắt của ba mẹ rơi vì mình, tôi không đành lòng nằm im một chỗ. Dù đau mấy cũng phải tập”.  Cứ thế, bạn anh đi học, đi đến trường thì anh ở nhà tập bò, tập cầm nắm tay, tập phát âm… Nỗ lực phi thường và ý chí mạnh mẽ ấy cũng đã được đền đáp. Đôi chân cong queo bắt đầu có cảm giác, dù không lành lặn để bước đi nhưng có thể dùng đầu gối để di chuyển, cánh tay phải hoàn toàn bị bại không cầm nắm được thì anh tập cầm nắm bằng tay trái… “Chỉ cần không bỏ cuộc thì mọi việc đều có thể làm được”, anh nói.

Anh Cẩn chuẩn bị dụng cụ cho một ngày đánh cá.                              Ảnh: H.THU
Anh Cẩn chuẩn bị dụng cụ cho một ngày đánh cá. Ảnh: H.THU


Nhà anh bên con sông Kinh, cả gia đình mưu sinh nhờ con nước. Thế nên năm 12 tuổi, vì muốn đỡ đần cho cha mẹ, anh quyết định xin cha lên ghe, tập chèo, thả lưới. Người bình thường lên ghe đã khó, với một người khuyết tật như anh thì càng khó gấp nhiều lần. Chẳng nhớ nổi bao lần té, ngã, rớt xuống nước, đến mức cha anh cấm lên ghe, sợ đứa con trai tật nguyền lỡ chẳng may có chuyện gì. Thế nhưng khao khát được sống, được làm việc như mọi người đã thuyết phục cả gia đình để anh thử sức. Suốt 3 năm ròng theo chiếc ghe của ba lênh đênh trên sông, anh cần cù, chịu khó học từng chút từng chút một từ cách giữ thăng bằng, chèo ghe cho đến thả lưới, thả rập... 15 tuổi, anh Cẩn đã có thể tự mình đi đánh cá.   

Hạnh phúc mỉm cười

Như trời xe duyên, năm 24 tuổi, trong một lần đánh bắt cá ở con sông Kinh, anh gặp được người con gái của  đời mình. Chị hơn anh 6 tuổi, dù lành lặn nhưng trên cơ thể chị có nhiều cục thịt dư như khối u nên đường tình duyên lận đận mãi. Thế nhưng khi gặp chị, anh cảm được cái tính hiền hậu, chịu thương chịu khó, còn chị thấy được sự chân thật, lạc quan nơi anh. Vậy là chẳng cần lễ lộc, đám cưới, hai anh chị vì hiểu và đồng cảm cho nhau mà cùng về “góp gạo thổi cơm chung”.

Nhà nghèo nên bố mẹ anh chỉ cho hai vợ chồng được mảnh đất nhỏ của ông bà để lại, nằm sát sông Kinh. Lúc mới lấy nhau, anh chị chẳng dám mong sẽ xây được nhà, chỉ dựng đỡ túp lều che nắng che mưa. Thế nhưng nhờ tảo tần, chăm chỉ làm ăn, anh chị cũng gom góp được ít tiền cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước mà đã xây được ngôi nhà nho nhỏ.

Trong căn nhà cấp 4 đơn sơ, mọi vật dụng trong gia đình được chị sắp xếp ngăn nắp, gọn gàng. Ngày ngày, anh và chị cùng nhau lên ghe, cùng nhau làm việc, anh thì chèo, thả lưới còn chị thì xâu lưới, gỡ cá… Anh tâm sự: “Hồi đôi mươi, tôi chỉ mong ước có được một người yêu thương mình thế mà giờ đây đã có nhà, có vợ, có con…

Thế là quá hạnh phúc rồi”. Đứa con trai của anh chị nay đã 20 tuổi, đang học nghề biển ở Đà Nẵng. Mỗi khi nhắc về đứa con trai bé bỏng của mình, mắt anh chị lại sáng rỡ, niềm hạnh phúc mà chỉ có những người trong cuộc mới hiểu hết. Chị Hường (vợ anh Cẩn) vui mừng, khoe: “Tháng nữa nó sẽ về thăm nhà, thằng bé biết nghe lời và ngoan ngoãn lắm!”.

Ngót nghét đã hơn 30 năm, anh Cẩn gắn bó cuộc đời mình với dòng sông Kinh. Dù có khó khăn, vất vả, đôi khi là hiểm nguy nhưng chưa một lần anh có ý định chuyển nghề, từ bỏ sông nước. Dù giờ đây, cái nghề chèo thuyền, giăng lưới đã dần mai một nhưng với anh, “sẽ mãi bám trụ với nghề đến khi còn sức lên ghe nữa”.

HIỀN THU
 


.