Vùng bị ô nhiễm, khu tái định cư: Nỗi lo thiếu nước sạch

10:06, 26/06/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Việc thiếu nước uống, nước sinh hoạt hợp vệ sinh trong thời gian dài đã  trở thành nỗi ám ảnh đối với người dân vùng bị ô nhiễm nguồn nước và nơi tái định cư. Họ đang cần lắm những công trình nước sinh hoạt để giúp họ ổn định cuộc sống.

TIN LIÊN QUAN

Ám ảnh nguồn nước nhiễm bẩn

Làng quê La Châu, xã Nghĩa Trung (Tư Nghĩa) nằm một bên là con sông Ven, còn bên kia là cánh đồng quanh năm đầy nước. Vì nguồn nước ngầm khá dồi dào nên bà con chỉ đào giếng khơi hay giếng khoang, với độ sâu từ 2-3 thước là có nước để dùng. Trước đây, nguồn nước khá trong lành nên không ai lo sợ bệnh tật xảy ra. Kể từ ngày dòng sông Ven bị tù đọng nước, trở thành nơi chứa vô số loại rác thải, xác súc vật chết lẫn nguồn nước từ các cánh đồng thải ra làm dòng sông không còn trong xanh nữa.

Nước nhiễm bẩn, nhưng hằng ngày, người dân thôn La Châu, xã Nghĩa Trung (Tư Nghĩa) phải bấm bụng sử dụng.
Nước nhiễm bẩn, nhưng hằng ngày, người dân thôn La Châu, xã Nghĩa Trung (Tư Nghĩa) phải bấm bụng sử dụng.


Thay vào đó là nguồn nước đen ngòm, hôi tanh. Mực nước ngầm cũng bị thay đổi. Bà con ám ảnh mỗi khi sử dụng nguồn nước. Bà Trần Thị Lài (75 tuổi) xách gàu nước đục ngầu dưới giếng khơi lên, than vãn: Ngày xưa nước trong vắt chứ đâu như thế này. Xách từ giếng lên là đổ vào nấu ăn, có khi đi làm đồng về mệt quá uống luôn cho mát ruột cũng thấy an lòng. Giờ, thì ôi thôi, nhìn đã sợ. Nhưng cũng phải lọc rồi nấu uống chứ biết làm sao?

Theo bà Lài thì nguồn nước này bị nhiễm bẩn cách đây khoảng 7-8 năm. Lúc đầu dùng giếng khơi, sau thấy nước ngả màu đục, gia đình bà đã đầu tư kinh phí để đóng giếng khoan, với hy vọng là đóng sâu từ 10 – 12m để kiếm nguồn nước ngọt, sạch. Thế nhưng, nguồn nước vẫn bị nhiễm phèn và xen lẫn một màu vàng đục. Thế là, bà đành phải thực hiện lọc cát, than bằng thủ công để lấy nước sử dụng từ đó đến nay.

Cả làng La Châu, nhà nhà điều có giếng và tất cả đều phải trải qua công đoạn lọc thủ công để lấy nước uống như nhà bà Lài. Nhìn các ảng, chum-những dụng cụ dùng lọc nước thấy vết đen, vết phèn bám đầy vành. “5– 7 hôm là phải xúc, rửa thay cát, than một lần”  – bà Lài cho hay.

Vì dùng nguồn nước nhiễm bẩn nên mỗi khi bệnh tật xảy ra ở nơi này là bà con nghi ngại do nguồn nước. Cái sự nghi ngại này tuy không có căn cứ (bởi chưa có cơ quan nào về lấy nguồn nước để xét nghiệm) nhưng thôn La Châu lại là nơi có số người bị mắc bệnh ung thư cao nhất xã Nghĩa Trung.

Đem nỗi lo lắng của người dân trao đổi với ông Phan Văn Phải – Chủ tịch UBND xã Nghĩa Trung thì ông lắc đầu bảo “xã cũng chưa có cách nào để giải quyết”. Ông Trung cho biết, nhiều lần xã kiến nghị lên các cấp lấy mẫu xét nghiệm nguồn nước, nhưng vẫn chưa có kết quả. Trong khi chờ đợi, xã rất mong các cấp quan tâm xây dựng công trình nước sinh hoạt cho người dân nơi đây và các thôn An Hà 3, Điền Trang (nơi nguồn nước cũng nhiễm phèn) sử dụng lâu dài, để bà con ổn định cuộc sống.

Vùng tái định cư dùng nước... sông

Ở khu tái định cư xã Ba Liên (Ba Tơ), người dân cũng đang mong chờ nguồn nước hợp vệ sinh. Hơn 2 tháng nay, ở xã Ba Liên mặc dù có mưa nhưng vẫn không làm vơi cơn khát của hơn 100 hộ dân ở các thôn Hương Chiêng, Đá Chát, Núi Ngang. Các giếng khơi của đồng bào Hrê nơi này đã khô đáy từ lâu. Nhiều hộ đã bỏ công đào, khoét lòng giếng sâu hơn với hy vọng tìm được nước uống, nhưng do địa hình triền núi có nhiều đá bàn nên người dân không thể đào được. Hằng ngày, họ phải xuống sông Nước Xuôi phía dưới đập Núi Ngang để lấy nước nấu ăn uống, tắm giặt. Một số hộ phải đào giếng khơi nơi gần bìa sông để lọc bớt chất bẩn rồi dùng. Ông Phạm Văn Mang chia sẻ: “Nhà có trẻ nhỏ nên phải cố gắng đào giếng khác, chứ tốn kém lắm. Nhưng nguồn nước này cũng phụ thuộc vào sông. Nước sông trong thì nước giếng trong, hôm nào mưa nguồn nước sông đục là giếng cũng đục ngầu. Uống nước này cũng phập phồng lo sợ, nhất là bọn trẻ mà đau ruột là mệt cả nhà, bỏ bê hết việc đồng, việc rẫy”.

Ông Phạm Văn Nhiết – Chủ tịch UBND xã Ba Liên cho biết: Ở vùng tái định cư này từng có công trình nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Thế nhưng sau khi đưa vào sử dụng một năm thì công trình hư hỏng. Theo thời gian, nguồn nước nơi đầu nguồn cung cấp cho công trình nước sinh hoạt cũng bị khô cạn, nên bà con đào giếng khơi để sử dụng. Cứ 6 hộ hùn vốn đào một giếng, nhưng do đặc thù của xã nằm ven triền đồi nên nhiều vùng bị đá bàn, vì thế giếng khơi đa số đào cạn. Đến giữa hè là khô nước, người dân phải dùng nước sông.

Tình trạng bị thiếu nước uống cũng đang diễn ra ở một nơi trong huyện Ba Tơ như xã Ba Vì, Ba Khâm, Ba Trang.

Bài, ảnh: MAI HẠ
 


.