Phòng chống đuối nước ở trẻ em: Chưa có giải pháp hữu hiệu

05:06, 11/06/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đến hẹn lại lên, khi mùa nắng nóng bắt đầu lại xảy ra những vụ chết đuối thương tâm ở trẻ em. Vấn đề phòng, chống đuối nước cho trẻ em ở tỉnh ta những năm qua vẫn chưa đem lại kết quả như mong muốn.

TIN LIÊN QUAN

Thực trạng đáng báo động

Mặc dù sự việc đã qua gần 2 tháng, song bà Nguyễn Thị Hồng ở tổ 16, phường Nghĩa Chánh (TP.Quảng Ngãi) vẫn chưa hết bàng hoàng về cái chết của cháu trai bà là em Phan Hòa Chánh (học sinh lớp 7, Trường THCS Nghĩa Chánh). Bà Hồng kể trong nước mắt, buổi trưa tháng 4 nắng nóng, một tốp học sinh Trường THCS Nghĩa Chánh, trong đó có Chánh, rủ nhau ra sông Bàu Giang thuộc phường Chánh Lộ (TP.Quảng Ngãi) xem câu cá. Trong lúc bất cẩn Chánh đã trượt chân ngã xuống sông, Chánh không biết bơi, trong đám bạn có một em biết bơi đã lao xuống cứu nhưng không cứu được.

Trẻ em tắm biển nếu không có người lớn trông coi rất dễ xảy ra tai nạn đuối nước.
Trẻ em tắm biển nếu không có người lớn trông coi rất dễ xảy ra tai nạn đuối nước.


Cũng trong thời tiết nắng nóng này, mới đây em Phạm Lê Thao (học sinh lớp 6, Trường THCS thị trấn Ba Tơ, huyện Ba Tơ) đã vĩnh viễn ra đi để lại nỗi đau cho người thân. Em Phạm Lê Thao cùng với bạn thường rủ nhau tập bơi trên dòng sông Liên chảy ngang thị trấn. Cũng như mọi ngày, hôm đó Thao cùng các bạn lại đi tập bơi và kết cục đau lòng đã xảy ra.  

Trên đây chỉ là hai trong số rất nhiều trường hợp trẻ em bị chết đuối xảy ra trên địa bàn tỉnh. Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH, trong năm 2014, toàn tỉnh có 31/33 trẻ tử vong do đuối nước. Từ đầu năm 2015 đến nay, dù mới đầu hè, song cũng đã có đến 6 trường hợp trẻ tử vong do đuối nước. Nỗi lo trẻ em bị đuối nước vẫn cứ thường trực, nhất là vào mùa nắng nóng. Năm nay, nắng nóng bắt đầu từ rất sớm, nhiều người tìm đến bãi biển, sông, suối… để “giải nhiệt”, trong đó có nhiều trẻ em. Điều đáng lo ngại là nhiều trẻ em không được trang bị kỹ năng bơi lội, không được trang bị áo phao khi bơi, điều này dẫn đến nguy cơ cao xảy ra tai nạn đuối nước.

Trông chờ giải pháp  

Có thể nói trong những năm qua, công tác phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ, trong đó có đuối nước đã được tỉnh quan tâm. Dịp hè năm ngoái  Tỉnh đoàn tổ chức các lớp dạy bơi miễn phí cho khoảng 220 em thiếu nhi tuổi từ 10-14. Một số doanh nghiệp, đơn vị cũng tổ chức lớp dạy bơi cho trẻ có thu phí như tại các bể bơi của khách sạn Central, khách sạn Mỹ Trà…

Hằng năm, vào đầu mùa hè Sở LĐ-TB&XH, Tỉnh đoàn phối hợp cùng các địa phương tổ chức tuyên truyền phòng, chống đuối nước trên hệ thống đài phát thanh. Bên cạnh đó, Sở LĐ-TB&XH cùng các ngành, địa phương phối hợp xây dựng, lắp đặt gần 100 biển báo phòng, chống tai nạn thương tích nơi hồ, ao hay các khu vực nguy hiểm.

Tuy vậy, các hoạt động nói trên vẫn chỉ như “muối bỏ bể” khi số lượng trẻ em được trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng, chống đuối nước khá hạn chế. Các lớp dạy bơi miễn phí chỉ mới được triển khai từ năm ngoái, số lượng trẻ được học chẳng đáng là bao, đa phần chỉ dành cho trẻ em ở thành phố. Để phòng, chống đuối nước cho trẻ hiệu quả cần phải có chương trình giáo dục, rèn luyện kỹ năng thường xuyên, trong đó cách tốt nhất là đưa việc dạy bơi, kỹ năng phòng, chống đuối nước vào hệ thống trường học. Sở GD&ĐT cũng đã triển khai thí điểm dạy bơi cho trẻ em trong trường học. Tuy nhiên, thực tế trong tỉnh hiện nay, chỉ duy nhất trường THCS Phổ Vinh (Đức Phổ) triển khai dạy bơi cho học sinh và cũng là trường duy nhất trong tỉnh xây dựng được hồ bơi.

Bà Trần Thị Thu Hà – Trưởng Phòng Chăm sóc – bảo vệ trẻ em, Sở LĐ-TB&XH cho biết: Dạy kỹ năng cho trẻ em trong phòng, chống đuối nước là việc làm rất cần thiết, hạn chế tối đa tình trạng trẻ tử vong do đuối nước. Tuy nhiên do nguồn kinh phí eo hẹp nên những năm qua tỉnh ta vẫn chưa triển khai được việc dạy bơi và rèn luyện kỹ năng cho trẻ em, nhất là trẻ ở các khu vực nông thôn, miền núi. Đây là một thiệt thòi lớn cho các em. Mong rằng vấn đề phòng, chống đuối nước ở trẻ em sẽ nhận được sự quan tâm hơn nữa của các cấp, các ngành.

Bài, ảnh: Vũ Yến
 


.