Những vầng trăng khuyết…

09:06, 22/06/2015
.

(Baoquangngai.vn)- Có những mảnh đời bất hạnh, phải sống chung với nỗi đau mang tên chất độc màu da cam đến tận cuối đời. Những tưởng họ sẽ mãi chìm sâu trong sự tuyệt vọng. Thế nhưng, chính họ lại có sức mạnh phi thường vượt lên số phận để tỏa sáng giữa đời thường.
Vượt qua nỗi đau
 
Tham gia cách mạng giai đoạn 1972-1975, ông Phan Văn Năm (sn 1954) ở thôn Tú Sơn 1, xã Đức Lân (Mộ Đức) cảm thấy bản thân mình thật may mắn khi nhanh chóng nhìn thấy cảnh quê hương yên bình trở lại. Thế nhưng, bất hạnh lại đến lúc ông không ngờ tới nhất.
 
Trở về với hai bàn tay trắng, ông Năm lập gia đình và sinh 5 người con. “Hồi đó, nhà ai cũng nghèo, cũng khổ nhưng tôi luôn tin là chỉ cần vợ chồng, con cái khỏe mạnh cùng nhau làm lụng thì chẳng mấy chốc thì khá thôi”- ông Năm kể lại suy nghĩ lạc quan lúc bấy giờ. Thế nhưng, không bao lâu sau khi chào đời, hai người con út của ông lại bị nhiễm chất độc da cam. Một người đã mất. Người còn lại là anh Phan Văn Nhân (sn 1987) sức khỏe yếu với dị tật ở tay và bị bệnh về thần kinh.
 
Dù chỉ tham gia chiến tranh 3 năm nhưng hậu quả để lại cho ông Năm khá nặng nề, phần thì nỗi đau khi con mang bệnh, phần thì cơ thể cũng rệu rã với những cơn đau hành hạ do chất độc hóa học đã ngấm trong người. Những tưởng, với hoàn cảnh éo le ấy, người cựu binh sẽ đầu hàng số phận, nhưng ông Năm đã không để cái đói, cái nghèo làm nhụt chí bản thân.

 

Sau những cần mẫn, vất vả, gia đình ông Năm đã vượt qua nỗi đau da cam để có được
Sau những cần mẫn, vất vả, gia đình ông Năm đã vượt qua nỗi đau da cam để có được "trái ngọt" với kinh tế ổn định
 
Cần mẫn với mảnh ruộng quê hương, cắn răng chịu những cơn đau hành hạ mỗi khi trái gió trở trời, tất cả những gian khổ ấy cũng có ngày trả lại cho gia đình ông những “trái ngọt”. Là gia đình nạn nhân chất độc da cam với hai thế hệ phải gánh chịu hậu quả, nhưng ông Năm nay đã sở hữu 4 con trâu cái, 5 heo nái, 8 sào ruộng, 3 ha keo cùng 1 mẫu đất trồng hoa màu. Thu nhập mỗi năm khoảng 100 triệu đồng. “Mình là thương binh, là nạn nhân chất độc da cam. Nhưng nghĩ lại mình vẫn may mắn hơn rất nhiều nngười khác. Nỗi đau thì không thể ai chối cãi hay trốn tránh được, nhưng tôi không vì thế mà chịu cảnh đói nghèo, các con không có tương lai”- ông Năm chia sẻ quyết tâm làm giàu.
 
Sau những mất mát do chiến tranh để lại, nay gia đình ông Phan Văn Năm là một trong những gương nạn nhân chất độc da cam vượt khó điển hình của huyện Mộ Đức. Dù thương tích vẫn còn ở lại trong người, nhưng ông Năm luôn nén lại mà cười hạnh phúc khi chứng kiến thành quả bao năm lao động kiên trì mà có được.
 
Tự mình viết nên truyện cổ tích
 
Là thế hệ thứ hai phải mang trong mình nỗi đau da cam, anh Nguyễn Xuân Diệu ở thôn Thạnh Đức 2, xã Phổ Thạnh (Đức Phổ) cũng không chịu khuất phục số phận. Mặc cho nhiều người có suy nghĩ rằng anh chẳng làm được gì, đến nay, anh Diệu ở tuổi 37 dường như đã nắm trọn hạnh phúc trong tay với kinh tế ổn định, gia đình yên ấm cùng người vợ hiền và 3 đứa con thông minh, lành lặn.
 
Khi nhắc đến hoàn cảnh của anh Diệu, người dân ở làng biển Thạnh Đức vẫn cứ ngỡ như chuyện cổ tích kỳ diệu. “Từ nhỏ chân nó đã bị teo tóp, đi đứng còn khó khăn phải nhờ đến nạng chứ đừng nói gì có công ăn việc làm ổn định như hôm nay”- Cụ ông Bùi Tiết, ngụ thôn Thạnh Đức 2 kể chuyện về anh Diệu.

 

Anh Nguyễn Xuân Diệu với một cơ thể khiếm khuyết đã tự mình tạo dựng nên sự nghiệp, khiến nhiều người khâm phục
Anh Nguyễn Xuân Diệu với một cơ thể khiếm khuyết đã tự mình tạo dựng nên sự nghiệp, khiến nhiều người khâm phục
 
Quả thật, khi tiếp xúc với anh, tận mắt nhìn cơ ngơi của gia đình anh với căn nhà rộng khang trang dùng để kinh doanh internet, bida và là đại lý bia, nước giải khát, chúng tôi vẫn không ngờ một người khuyết tật có thể tự làm nên thành quả đáng nể như vậy.
 
Ngày chưa lập gia đình, mặc cho gia đình can ngăn, anh Diệu quyết tâm tìm nghề phù hợp cho bản thân. Thử thách đi biển như bao thanh niên trai tráng cùng xóm thất bại vì cơ thể khiếm khuyết không hề làm anh nản lòng. Anh Diệu kiên trì một mình tập tễnh đi tìm thầy dạy học nghề cắt tóc và vay mượn tiền để mua đất, xây nhà nhỏ tự mở tiệm.
 
Anh Diệu mãi không quên những tháng ngày cực khổ ấy: “Để vay được tiền, tôi phải vất vả hơn người thường gấp trăm lần. Đi đến đâu họ cũng bảo tôi tay chân thế này thì vay đến khi nào mới trả được. Tôi đành ngậm ngùi quay về nhờ gia đình đứng ra vay giùm”. Với số tiền ít ỏi ban đầu là 10 triệu đồng với 1 tiệm hớt tóc nhỏ, nay anh cùng người vợ hiền đã mở rộng thành một tài sản lớn, với thu nhập hơn 15 triệu đồng/tháng.
 
“Tôi không bao giờ xem mình là người khuyết tật cả. Tôi chỉ thua người bình thường là đi đứng hơi khó khăn. Nên không có lý gì chỉ việc ngồi đó mà chờ vào gia đình nuôi hay phải sống khổ sở từ sự thương hại của người khác. Lúc tôi khó khăn nhất, tôi vẫn luôn tâm huyết rằng mình phải sống sao cho người khác nhìn vào mình và xem mình là một người lành lặn”- Với quyết tâm ấy, anh Nguyễn Xuân Diệu, một nạn nhân chất độc da cam đã vượt qua ranh giới bình thường để viết nên câu chuyện kỳ diệu về chính cuộc đời mình.
 
Bài, ảnh: Thanh Phương

.