Khó khăn ở Gò Mít

05:06, 24/06/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Khu tái định cư (TĐC) Gò Mít, xã Nghĩa Thuận (Tư Nghĩa) được đầu tư xây dựng từ năm 2008 để di dời 30 hộ dân vùng sạt lở, vùng ngập lụt, hộ nghèo không có đất sản xuất đến ở. Thế nhưng đến nay đã hơn 7 năm, các hộ dân nơi đây vẫn chưa được cấp sổ đỏ. Cùng với đó là người dân đang gặp khó khăn về tình trạng thiếu nước, ảnh hưởng tiếng ồn, mất an toàn giao thông từ việc vận chuyển, khai thác đá của mỏ đá trên địa bàn.

7 năm chưa được cấp sổ đỏ

Bà Tôn Thị Hoa, ở thôn Nam Phước ven sông Trà Khúc thuộc xã Nghĩa Thuận được chính quyền vận động vào ở khu TĐC Gò Mít từ năm 2008. Thế nhưng đến nay bà Hoa vẫn chưa được cấp sổ đỏ. Bà Hoa  bức xúc: “Gia đình tôi thuộc hộ nghèo. Đất sản xuất không có, lại chưa được cấp sổ đỏ, nên tôi chẳng thể nào vay vốn để chăn nuôi. Hằng ngày chỉ biết làm thuê, cuốc mướn kiếm tiền sinh sống qua ngày”.

Cũng như bà Hoa, anh Nguyễn Văn Tùng, sống ở khu TĐC Gò Mít  cũng bất an vì không có giấy tờ chứng minh sở hữu đất đang ở là chính chủ. Anh Tùng mong mỏi: “Chúng tôi mong sao các cấp, ngành sớm hoàn thành thủ tục cấp sổ đỏ cho dân chứ hết năm này tới năm khác, kiến nghị, chờ mỏi mòn mà không thấy chính quyền giữ lời hứa với dân”. Được biết, khu TĐC Gò Mít do Chi cục Hợp tác xã nay là Chi cục Phát triển nông thôn thuộc Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư. Thời điểm thực hiện dự án, chủ đầu tư và chính quyền địa phương chưa hoàn chỉnh việc lập đủ các thủ tục hồ sơ pháp lý liên quan đến vấn đề cấp đất nên đến nay, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân vẫn còn nhiều lúng túng.

Lý giải điều này, ông Tôn Long Cần-Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thuận, cho biết: Việc chậm trễ trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân tái định cư, trước hết lỗi thuộc về chủ đầu tư, ngay từ đầu chính quyền xã giao đất cho chủ đầu tư, nhưng đơn vị này đã không hoàn thiện các hồ sơ thủ tục pháp lý thu hồi đất nên chưa thể cấp sổ đỏ cho dân. Xã cũng đã kiến nghị nhiều lần đến UBND huyện làm việc với chủ đầu tư và các ngành liên quan để sớm giải quyết cho dân, nhưng đến nay vấn đề này vẫn chưa được tháo gỡ.

Ngoài thiệt thòi về quyền lợi chứng nhận quyền sử dụng đất, thì các hộ dân trong vùng tái định cư đang chật vật với tình trạng thiếu nước sinh hoạt và cả nước sản xuất. Hầu hết các hộ phải đào thêm giếng sâu từ 15-20m để tìm nguồn nước uống. Vào mùa cao điểm nắng nóng, một số hộ dân phải xuống vùng thấp lấy nước để về sinh hoạt.

Bị mỏ đá “tra tấn”   

Không chỉ gặp phải khó khăn nói trên mà các hộ dân ở khu TĐC Gò Mít cùng với hơn 100 hộ dân thuộc thôn Phú Thuận Tây thời gian qua rất bức xúc về tình trạng vận chuyển đá gây mất an toàn giao thông và ảnh hưởng tiếng ồn, bụi từ việc khai thác ở mỏ đá. Theo bà con khu vực hai bên đường phản ánh, xe tải đi lại liên tục làm đá vụn rơi vãi xuống mặt đường. Nhiều xe trọng tải lớn đi chiếm gần hết mặt đường, gây nguy hiểm cho người dân khi tham gia lưu thông ở khu vực này.

Anh Phạm Thái, có nhà cách khu vực mỏ đá khoảng 300m than thở: “Hằng ngày xe chạy 30-40 lượt, bụi bay mù mịt. Ngoài ra, đơn vị thi công mỏ đá đánh mìn gây tiếng ồn lớn. Nhà tôi mới xây bị nứt nhiều chỗ. Họ đánh mìn gây độ rền rất lớn, nhà ở xa mỏ đá cũng bị rung chuyển”. Ông Tôn Long Cần- Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thuận cho biết: “Mỏ đá nói trên do Công ty TNHH Xây dựng&TM Sông Vệ làm chủ đầu tư. Việc người dân phản ánh như trên là có thật. Xã đã nhiều lần nhắc nhở chủ doanh nghiệp, riêng tình trạng rơi vãi đá thì có khắc phục.

Tuy nhiên, một số hộ dân phản ánh nhà bị nứt do việc ảnh hưởng nổ mìn, chúng tôi đã đến kiểm tra và ghi nhận nhà của dân có bị nứt. Nhưng về nguyên nhân thì hiện tại chưa thể khẳng định là do ảnh hưởng bởi việc đánh mìn tại mỏ đá gây ra. Vì thế cần sự vào cuộc kiểm tra của cơ quan chức năng”.

Để giải quyết bức xúc của dân, mới đây Đoàn công tác của tỉnh gồm Công an tỉnh, Sở Công thương, Sở TN &MT... đã về tại khu vực mỏ đá Nghĩa Thuận để kiểm tra, nhưng vẫn chưa có kết luận. Mong rằng các cấp, các ngành sớm giải quyết dứt điểm những khó khăn mà người dân ở khu TĐC Gò Mít cũng như các hộ dân ở thôn Phú Thuận Tây gặp phải, để bà con sớm ổn định cuộc sống.


KN
 


.