Đưa điện ra xã đảo An Bình: Cần tính đến sự ổn định, lâu dài

08:06, 26/06/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Là xã đảo và bao đời nay người dân An Bình (Lý Sơn) vẫn gắn liền đời sống của mình với ánh đèn dầu, với dòng điện ắc quy và gần đây là điện mặt trời chỉ đủ để thắp sáng. Ước mơ của người dân trên đảo là có dòng điện “đủ mạnh” để đảo bừng sáng.

Đã có phương án cấp điện cho xã đảo

Xã An Bình đang chuyển mình trong thời gian gần đây khi lượng khách du lịch đến tham quan ngày càng nhiều. Đó là một phần từ “hiệu ứng” điện quốc gia kéo ra đảo lớn. Nói như  Chủ tịch UBND xã An Bình, Phan Đình Phương là xã đảo đang rất cần điện để “thắp sáng” đảo, chứ bao đời nay dù địa phương có tính toán, có đề ra phương án phát triển cho xã nhưng cũng đành bất lực vì không có điện.

 

 Do nguồn điện chưa đảm bảo nên ti vi thường bị chập chờn.
Do nguồn điện chưa đảm bảo nên ti vi thường bị chập chờn.


Trước mong mỏi của người dân, mới đây EVN đã bàn phương án cấp điện cho xã An Bình. Phó Tổng giám đốc EVN Nguyễn Tấn Lộc cho biết, để cấp điện cho đảo Bé, EVN đã đưa ra nhiều phương án để bàn bạc, tính toán và cuối cùng thống nhất xây dựng nhà máy phát điện diesel kết hợp với năng lượng tái tạo. Với phương án này, EVN đã đưa ra 3 giải pháp kỹ thuật để thực hiện, đó là sử dụng máy phát điện diesel hoàn toàn, dùng pin quang điện kết hợp diesel và dùng pin quang điện hoàn toàn. Tất cả các giải pháp này đều cung cấp điện 24/24 giờ cho xã An Bình.

“Qua xem xét, tính toán chi tiết về khoa học, bảo vệ môi trường và cả chi phí đầu tư, nguồn thu… chúng tôi nhận thấy giải pháp dùng pin quang điện kết hợp máy phát điện diesel được coi là tối ưu nhất. Đây là giải pháp thực hiện theo công nghệ tự động hóa, từ vận hành cho đến tích điện và truyền tải điện nên địa phương cũng không quá lo ngại về vấn đề ô nhiễm môi trường. Bằng chứng là đã có nhiều nơi chúng tôi đã thực hiện và tất cả đều tốt”-ông Lộc nói.      

Xây nhà máy hay kéo cáp ngầm?

Mặc dù giải pháp mà phía EVN đưa ra là khá hấp dẫn. Tuy nhiên, theo ông Phan Đình Phương - Chủ tịch UBND xã An Bình, bản thân ông đã nghiên cứu nhiều phương án cấp điện cho đảo và chính trên địa bàn xã cũng đã sử dụng điện năng lượng rồi, nhưng hiệu quả không cao. “Do đó, chúng tôi và người dân chỉ mong muốn được kéo điện cáp  ngầm. Bây giờ Nhà nước cho chúng tôi dùng phương án nào thì mừng phương án đó. Nhưng nếu tính toán về lâu dài, đầu tư điện cáp ngầm thì hiệu quả cao hơn. Vì chạy điện bằng dầu diesel vào mùa biển động rất khó và đi kèm với đó là các khó khăn khác nữa”-ông Phương nói.

Còn Chánh Văn phòng UBND huyện Lý Sơn Trương Văn Sửu cũng cho rằng, kéo điện cáp ngầm hiệu quả hơn. Còn việc sử dụng các phương án như dầu diesel hay điện năng lượng chỉ là phương án tạm thời và về lâu dài sẽ không đảm bảo để đảo phát triển theo hướng là điểm đến trên bản đồ du lịch của tỉnh.

Tuy nhiên, phương án mà chủ đầu tư là Tổng Công ty Điện lực miền Trung đưa ra đó là sẽ xây dựng nhà máy nhiệt điện pin quang hợp cộng với máy phát diesel khiến cho chính quyền và người dân vui chưa trọn vẹn. Theo lý giải của ông Phương, với địa thế và việc đi lại rất khó khăn, nếu EVN xác định đầu tư nhà máy nhiệt điện và chỉ cung ứng cho mỗi người dân 0,5kw/ngày là quá ít và sẽ không đủ tải để “thắp sáng” đảo. Hiện tại xã không có nhà nghỉ nên đa phần du khách đến đảo đều ở nhà dân. Vài năm nữa sẽ đầu tư xây dựng nhà nghỉ, khách sạn, đi kèm với đó là các thiết bị tiêu thụ điện năng cũng sẽ tăng lên. Khi đó lượng điện bấy nhiêu là không đủ. Ngoài ra, với địa hình là đảo, khi xây nhà máy nhiệt điện diesel thì cần phải tính toán phương án vận chuyển, trữ dầu, vì mùa mưa bão đảo có khi bị cô lập cả tháng thậm chí hai tháng trời.

Theo ông Lê Kim Hùng- Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Điện lực miền Trung (chủ đầu tư), với tính toán như hiện nay thì việc xây dựng nhà máy nhiệt điện pin quang hợp cộng với máy phát diesel sẽ có tổng vốn đầu tư khoảng 17 tỷ đồng. Trong khi đó, nếu đầu tư cáp ngầm phải tốn khoảng 145 tỷ đồng. “Nếu nói đưa đảo Bé phát triển thì hiện tại chúng ta cứ đầu tư. Còn về lâu dài cần tính toán hiệu quả thì sẽ dùng cáp ngầm sau”-ông Hùng nói.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Quang Thích cho rằng, xã đảo An Bình đang chờ điện, chưa có điện là chưa thể phát triển được. Do đó, khi tính phương án cấp điện cho đảo phải đảm bảo người dân được cấp điện sinh hoạt tối thiểu cũng như phục vụ cho sản xuất, dịch vụ, du lịch. Đồng thời đảm bảo quốc phòng, an ninh. “Tuy nhiên, nếu xây nhà máy điện diesel kết hợp năng lượng tái tạo thì phải tính phương án lâu dài. Trong đó đề cao phương án dự báo, tránh việc đầu tư gây lãng phí. Tính toán phương án dự trữ, cấp dầu, vận chuyển sao cho phù hợp vì đảo thường xuyên bị cô lập”-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Quang Thích đặt vấn đề.


Bài, ảnh: LÊ ĐỨC


 


.