Dự án đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi: Cần có phương án đền bù thỏa đáng

02:06, 22/06/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Là dự án quan trọng về giao thông trên địa bàn tỉnh nên yêu cầu cấp bách về giải phóng mặt bằng (GPMB) đang đặt ra đối với các ngành liên quan. Tuy nhiên, đến nay 38 hộ dân sống dọc theo Tỉnh lộ 623b bị ảnh hưởng bởi Dự án Cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi vẫn không chấp nhận bàn giao mặt bằng do giá đền bù quá thấp, địa điểm tái định cư không tốt hơn nơi ở cũ.

TIN LIÊN QUAN

Trước tình hình đó, huyện Tư Nghĩa, Sở GTVT đã tăng mức hỗ trợ, đền bù, tìm địa điểm TĐC mới hợp lý hơn nhằm sớm tháo gỡ nút thắt GPMB qua điểm nóng này…

Chưa thỏa đáng

Với khung giá đền bù đã được UBND tỉnh thông qua nên ngay từ khi dự án  khởi công, công tác GPMB cũng được huyện Tư Nghĩa tung quân đến gặp gỡ các hộ dân, đo đạc, áp giá đền bù. Tuy nhiên, với khung giá đền bù là 500 nghìn đồng/m2 khiến người dân không đồng ý ký biên bản để nhận tiền bồi thường và bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công dự án.

Dự án Cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi qua Tỉnh lộ 623b vẫn chưa thể giải phóng mặt bằng.
Dự án Cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi qua Tỉnh lộ 623b vẫn chưa thể giải phóng mặt bằng.


Có căn nhà mặt tiền tỉnh lộ và nằm giữa tim đường cao tốc, ông Nguyễn Hồng Dũng cho rằng, với khung giá như vậy thì nếu nhận tiền đền bù xong họ sẽ chẳng đủ tiền để làm lại căn nhà chứ chưa nói đến việc nuôi dạy con cái ăn học cũng như ổn định cuộc sống sau TĐC. Trong khi đó, đối với các hộ buôn bán, kinh doanh thì càng bức xúc hơn bởi theo họ nếu chuyển vào các khu TĐC thì việc kinh doanh sẽ không còn thuận lợi như hiện nay và nguồn thu nhập chính cũng sẽ bị giảm sút.

Chị Phạm Thị Thu, chủ quán phở thì bảo, cứ sáng mở mắt ra với quán phở cũng đủ tiền để gia đình có nguồn thu, ăn uống hằng ngày cũng như nuôi các con ăn học. “Khung giá đền bù mà huyện đang áp dụng là không thỏa đáng và thiệt thòi cho chúng tôi. Đất khu vực này chủ yếu là đất kinh doanh buôn bán vậy mà Nhà nước áp chung khung với giá đất gần đây là không được. Như mảnh đất của tôi 161m2, bị thu hồi hơn một nửa diện tích, trong khi đoạn này lại nằm dưới chân cầu nên có ở cũng không thể kinh doanh, buôn bán gì được. Với lại, mảnh đất trên giá thấp lắm cũng 700 triệu đồng, mặt tiền thuận lợi kinh doanh. Giờ nhà nước thu hồi, đền bù đất chỉ có 80 triệu đồng, cộng cả nhà lẫn đất chỉ có 550 triệu đồng. Chừng đó chưa đủ để mua mảnh đất mặt tiền tỉnh lộ. Tôi đề nghị cần phải tăng mức đền bù, hỗ trợ cũng như nơi TĐC thuận lợi hơn để người dân chúng tôi có nơi ở ổn định”- chị Thu nói.

Tăng mức đền bù, đề xuất điểm TĐC mới

Bộ GTVT đang yêu cầu các địa phương phải đẩy nhanh tiến độ GPMB để bàn giao cho các nhà thầu thi công. Trong đó, một số nhà thầu Dự án đường Cao tốc qua tỉnh ta thường đổ lỗi cho việc chậm trễ tiến độ là do chưa có mặt bằng sạch 100%. Do vậy, để sớm bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thuộc gói thầu số 5, các ngành chức năng đang tăng tốc GPMB. Tuy nhiên, với “điểm nóng 623b”, đang khiến nguy cơ không thể bàn giao mặt bằng kịp thời cho nhà thầu.

Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa Huỳnh Chánh cho biết, theo Quyết định số 285/QĐ-UBND ngày 21.11.2013 của UBND tỉnh Quảng Ngãi, đơn giá bồi thường cho 1m2 đất ở mặt tiền Tỉnh lộ 623b là 500.000 đồng. Trong khi đó, yêu cầu của các hộ dân, tiền bồi thường cho 1m2 đất theo giá thị trường là 7 triệu đồng. Để đảm bảo quyền lợi cho nhân dân, UBND huyện đã đề xuất hỗ trợ thêm cho các hộ dân 1m2 đất 2 triệu đồng và được ưu tiên chọn vị trí trong các khu TĐC ở xã Nghĩa Kỳ. Tuy nhiên, phương án này cũng không được người dân đồng ý. Để giải quyết dứt điểm nút thắt này, huyện đề xuất phương án cho các hộ dân được bố trí TĐC ở khu đô thị Trường Chinh (TP. Quảng Ngãi).

Tuy nhiên, dù được về khu TĐC ở TP. Quảng Ngãi nhưng hầu hết các hộ dân vẫn không thống nhất. Nhiều người cho rằng, bên cạnh giá đền bù thấp thì khi đến khu TĐC Trường Chinh, đất ở chỉ có 100m2 và phải đóng thêm 50 triệu đồng/lô để được bố trí TĐC. Anh Nguyễn Văn Thanh, chủ cửa hàng sản xuất, kinh doanh nhôm kính cho rằng, với mức giá đền bù như vậy là quá thấp và không thỏa đáng. Vì với nghề của anh vào khu TĐC chỉ có 100m2 sẽ rất khó để mở cửa hàng sản xuất, kinh doanh. Với lại khu TĐC dân thưa thớt thì làm ăn sẽ không ổn định.

Trước tình thế khó, ông Huỳnh Chánh - Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa cho biết đang đề xuất lên cấp trên cũng như sẽ tổ chức đối thoại với người dân để hai bên cùng thống nhất có phương án hợp lý hơn trong quá trình đền bù, hỗ trợ cũng như TĐC cho người dân.

Bài, ảnh: LÊ ĐỨC
 


.