Đồ bỏ mà có... ích

04:06, 08/06/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tận dụng những vật tưởng chừng bỏ đi để tạo thành những vật hữu ích, vừa giúp tiết kiệm chi phí, vừa góp phần bảo vệ môi trường. Đây là việc làm sáng tạo đáng được nhân rộng.

Vô ích mà... có ích

Trong khi, nông dân nhiều nơi khá “đau đầu” để giải quyết bèo lục bình sinh sôi làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường nước tại các đoạn sông, ao hồ thì nhiều năm nay, các hộ chăn nuôi ở xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa) đã tận dụng nguồn bèo lục bình có sẵn ở địa phương, kết hợp với cám, tấm tạo ra thức ăn đủ chất dinh dưỡng cho gia súc, gia cầm, vừa góp phần bảo vệ môi trường, mà còn giảm được chi phí trong chăn nuôi.

Tạo đồ chơi từ đồ phế liệu góp phần hạn chế rác thải ra môi trường.
Tạo đồ chơi từ đồ phế liệu góp phần hạn chế rác thải ra môi trường.


Gia đình bà Nguyễn Thị Nương ở thôn An Hội Bắc 1, xã Nghĩa Kỳ chuyên chăn nuôi vịt đẻ trứng cho biết, không cần phải tốn tiền mua rau muống, gia đình bà chỉ cần trục vớt bèo lục bình ở Bàu Sắt để bổ sung rau xanh trong chế độ dinh dưỡng cho vịt. Nhất là đối với vịt trong giai đoạn nuôi nhốt từ 2 - 3 tháng tuổi rất cần rau xanh. Với đàn vịt 1.000 con, cứ hai ngày là bà Nương cắt 2 bó bèo lục bình khoảng 30 kg thả cho vịt ăn.

Còn gia đình ông Đặng Tấn Hùng ở thôn An Hội Nam, xã Nghĩa Kỳ nuôi 1.500 con vịt thì cứ 2 ngày lại “tốn” 3 bó bèo lục bình làm thức ăn cho vịt. Vào mùa đông, thời tiết lạnh giá, các loại rau xanh tăng giá thì bèo lục bình là nguồn thức ăn chính bổ sung “chất rau xanh” cho vịt. Ông Vũ Thành Hương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa Kỳ cho hay, ngoài cám và lúa thì các hộ chăn nuôi ở địa phương tận dụng bèo lục bình là một trong những thức ăn chính trong “công thức” dinh dưỡng cho gia súc, gia cầm. Trong thân và lá màu xanh thẫm của bèo lục bình có chứa nhiều chất dinh dưỡng, đây là nguồn thức ăn tự nhiên rất hữu ích đối với chăn nuôi. Ở các vùng nước không bị ảnh hưởng của thuốc bảo vệ thực vật, bèo lục bình là loại “rau xanh sạch”, có nhiều chất dinh dưỡng đối với gia súc, gia cầm.

 Với cách làm tận dụng bèo lục bình làm thức ăn cho gia súc, gia cầm có thể mở ra hướng tạo nguồn thức ăn mới, hiệu quả trong chăn nuôi, vừa góp phần bảo vệ môi trường nước, hạn chế sự “xâm chiếm” của bèo lục bình.

Phế liệu thành... đồ chơi

Những sản phẩm làm bằng nhôm, nhựa hay nilong khi thải ra môi trường phải tốn hàng trăm năm mới phân hủy, làm ảnh hưởng lâu dài đến môi trường sống. Một trong những cách làm hay góp phần hạn chế rác thải ra môi trường đồng thời giúp thế hệ tương lai hình thành thói quen, ý thức bảo vệ môi trường đó là tận dụng đồ phế liệu làm... đồ chơi.

Cô Phạm Thị Hồng Thắm, Hiệu trưởng trường Mầm non Trương Quang Trọng (TP Quảng Ngãi) cho hay, trong giai đoạn trường mới thành lập điều kiện còn nhiều khó khăn, các “bảo mẫu” đã tận dụng đồ phế liệu làm đồ chơi cho trẻ. Đến nay, so với đồ chơi làm sẵn bán tràn ngập thị trường thì đồ chơi tự chế vẫn có “sức hút” hấp dẫn, thú vị đối với trẻ em. Những thứ tưởng chừng như bỏ đi như hũ sữa chua, hộp diêm, lon sữa, chai xì dầu... qua sự khéo léo, tài hoa của giáo viên mầm non đã biến thành các dụng cụ dạy học hữu ích, độc đáo.

Theo từng chủ điểm của tháng, dưới bàn tay sáng tạo, khéo léo, giáo viên mầm non đã “biến hóa” những thứ tưởng chừng bỏ đi ấy thành đủ các loại đồ chơi. Như vỏ chai nước tinh khiết được tạo hình thành chiếc máy bay trong chủ đề giao thông, hay trở thành ly đựng nước trong chủ đề dạy về đồ dùng gia đình. Hoặc hộp sữa tươi tưởng chừng như vứt đi được làm thành đoàn tàu tí hon. Vỏ chai nước rửa chén trở thành giỏ đi chợ xinh xắn, khiến trẻ thích thú, kích thích sự sáng tạo trong giờ học.

Cùng chia sẻ về điều này, cô Lâm Thị Mỹ Lệ, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non thị trấn Mộ Đức (Mộ Đức) cho rằng, bên cạnh ý nghĩa bảo vệ môi trường, tiết kiệm kinh phí, thì việc tận dụng các đồ phế liệu được làm từ những nguyên liệu dùng trong ăn uống đã qua kiểm định như muỗng, hũ sữa chua, vỏ chai nước... không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ em, giúp trẻ hạn chế tiếp xúc với các loại đồ chơi kém chất lượng, độc hại.               

Bài, ảnh: BẢO HÒA
 


.