"Phải đảm bảo an sinh cho các hộ dân"

07:05, 11/05/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đó là ý kiến của ông Phạm Viết Nho-Trưởng Ban Dân tộc, Trưởng Đoàn giám sát của HĐND tỉnh tại buổi làm việc với Sở NN&PTNT, Sở TN-MT và Sở Công thương vào sáng 7.5 về tình hình phát triển thủy điện trên địa bàn các huyện miền núi của tỉnh.

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Trương Quang Dũng-Quyền Giám đốc Sở Công thương cho biết, trên địa bàn tỉnh quy hoạch 25 thủy điện, với tổng công suất là 438,6 MW. Qua các đợt kiểm tra, rà soát Sở Công thương đã tham mưu UBND tỉnh đề xuất Bộ Công thương loại khỏi quy hoạch 13 dự án không đảm bảo yêu cầu về kinh tế - xã hội, ảnh hưởng lớn đến môi trường sinh thái... Hiện nay, theo quy hoạch Quảng Ngãi còn 12 dự án thủy điện, với tổng công suất 293,4MW. Trong đó có 6 thủy điện đã đi vào hoạt động, một số dự án đang triển khai. Cũng theo ông Dũng, sau khi có Nghị định 15 của Chính phủ và Thông tư 43 của Bộ Công thương thì việc quy hoạch, xây dựng các dự án thủy điện được quản lý chặt chẽ hơn.

Ông Phạm Viết Nho-Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn giám sát phát biểu tại buổi làm việc với các sở liên quan.
Ông Phạm Viết Nho-Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn giám sát phát biểu tại buổi làm việc với các sở liên quan.


Đánh giá về nghĩa vụ của các chủ đầu tư về việc trồng rừng thay thế, ông Trần Ngọc Thương-Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho hay, trên địa bàn tỉnh có 2 dự án thủy điện phải trồng rừng thay thế là thủy điện Hà Nang (hơn 71ha) và Nước Trong (gần 13ha). Đến nay, diện tích đất trồng rừng thay thế của Dự án thủy điện Hà Nang được Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh giao cho Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Trà Bồng thực hiện việc trồng rừng thay thế. Nguồn kinh phí trồng rừng do chủ đầu tư thủy điện Hà Nang chi. Dự án thủy điện Nước Trong do Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Thạch Nham thực hiện trồng rừng, kinh phí được trích từ ngân sách nhà nước.  

Ông Thương thông tin thêm, trên địa bàn tỉnh có 750 hộ dân di dời, tái định cư do ảnh hưởng các dự án thủy điện. Theo đánh giá của Sở NN&PTNT thì hầu hết số hộ dân di dời tái định cư thuộc dự án thủy điện Nước Trong, thủy điện Đăkđrinh có nhà ở tương đối kiên cố so với nơi ở cũ. Tuy nhiên, phần lớn người dân đến nơi tái định cư các dự án thủy điện gặp khó khăn về đất sản xuất, nhất là người dân tái định cư dự án thủy điện Hà Nang.

Sở NN&PTNT đề nghị cần rà soát, điều chỉnh, bổ sung các cơ chế chính sách liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất nhằm đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn tại các địa phương cũng như quy mô các dự án thủy điện. UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị thủy điện nghiêm túc thực hiện việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng đúng quy định.

Còn theo ông Phí Quang Hiển-Phó Giám đốc Sở TN-MT thì, việc phát triển các thủy điện bên cạnh những tác động tích cực, vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Đó là, diện tích rừng bị thu hẹp nhưng chưa trồng thay thế, người dân tái định cư chưa đủ đất để sản xuất… Sở TN-MT cũng kiến nghị tỉnh cần nghiên cứu tính toán, mô phỏng tác động tổng hợp về khả năng gây lũ phía hạ lưu của tất cả các thủy điện đang vận hành, cũng như các dự án thủy điện đã được quy hoạch để xây dựng quy trình vận hành hợp lý, tối ưu đối với từng dự án và tổng thể chung cho các dự án liên quan với nhau.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Phạm Viết Nho-Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn giám sát cho rằng, qua thực tế khảo sát thì phần lớn các hộ dân bị ảnh hưởng bởi các dự án thủy điện hiện đời sống rất bấp bênh. Vì thế, các ngành chức năng, các địa phương phải phối hợp chặt chẽ để giải quyết, đảm bảo an sinh lâu dài cho các hộ dân đã di dời, tái định cư. Đối với những tồn tại của các dự án thủy điện, các ngành, địa phương phối hợp với chủ đầu tư khắc phục, thực hiện đúng các quy định của pháp luật.

           

THANH NHƯ
 


.