Nơi người sống chen chân với người chết

09:05, 17/05/2015
.

(Baoquangngai.vn)- Đảo Lý Sơn diện tích vỏn vẹn chỉ hơn 10 km2, nhưng có đến gần 21.800 con người chen chân. Người sống cần đất đã đành, người chết cũng cần. “Thành phố” của người chết đang lấn từng thước đất sinh nhai của người sống trên hòn đảo vốn nhỏ bé này!

TIN LIÊN QUAN


"Sống chung" với người chết

Hầu hết người dân Lý Sơn đều quen thuộc việc chung sống dường như không có khoảng cách với người chết. Đi trên đảo, dễ dàng nhận thấy nhiều nghĩa địa lớn nhỏ, mồ mả nằm trên ruộng tỏi, trong sân nhà, sau vườn, cạnh hiên bếp, giếng nước. Đâu đâu cũng thấy đủ các loại mộ to, mộ nhỏ, mộ gió.

Ngôi nhà của vợ chồng chị Nguyễn Thị Thúy ở xã An Vĩnh áp sát vách với mồ mả. Mồ mả bao quanh dày đặc, mồ đắp đất có, mồ đắp cát có, mồ xây kiên cố có.

Ấy vậy mà, vợ chồng chị Thúy đã sống ở đây cả 10 năm nay. Chị Thúy cho biết, là con dân của đảo nên chị quen với kiểu "sống chung" với người chết rồi. Ngày đầu đến ở, mở cửa ra là thấy mộ cũng sờ sợ, mỗi khi mưa gió lại chưa có điện thắp sáng thấy rờn rợn, nhưng sống hoài cũng quen. Đất chật người đông, có đất để ở là may lắm rồi, chứ có tiền cũng chưa chắc mua được đất “sạch”.

 

Nghĩa địa áp tận vách khu dân cư.
Mồ mả áp tận vách nhà dân.



Cách nhà chị Thúy vài chục mét, nhà chị Phạm Thị Bé cũng sống trong tình cảnh tương tự. Cách hiên bếp chỉ hai bước chân là nghĩa địa với nhiều ngôi mộ xây trông rất bề thế.

Chị Bé chia sẻ: “Lúc đầu hai vợ chồng đắn đo không dám làm nhà, nhưng mọi người bảo mình không làm người khác cũng làm. Sống ở đây hơn hai mươi năm rồi nên cũng thấy bình thường”.

Với những người lần đầu tiên đặt chân lên đất đảo chắc chắn không tránh khỏi những sợ sệt. Thế nhưng, việc mở cửa là thấy mồ mả dường như đã quá đỗi quen thuộc với người dân nơi đây.

Hiện nay, trên địa bàn 2 xã An Vĩnh và An Hải có đến 6.044 mồ mả nằm rãi rác khắp nơi trên đất sản xuất nông nghiệp và các khu dân cư, chưa kể các khu nghĩa địa tập trung được quy hoạch.

Một ngôi mộ xây bình thường chiếm diện tích khoảng 6m2, hơn 6.000 ngôi mộ, Lý Sơn phải mất ít nhất hơn 36.000m2. Đó là chưa kể một năm trung bình có hơn 400 công dân mới chào đời và hơn 100 người về cõi vĩnh hằng.

Người đẻ, đất có đẻ đâu! Người sống cần đất đã đành, người chết cũng cần. Người dân trên đảo đang phải chen lấn với người chết để có đất sống. Không ít gia đình đông con, con cái lập gia đình, nhưng phải sống chung dưới một mái nhà vì không tìm đâu ra đất để ở.

Ông Nguyễn Thanh- Bí thư Huyện ủy Lý Sơn cho rằng: Nguyên nhân của hệ lụy trên là do tập tục sinh sống trước đây để lại, phần mộ của tổ tiên, ông bà được an táng theo từng thôn, xóm, dòng họ.

Dẫu biết điều này gây khó khăn cho việc quy hoạch sản xuất nông nghiệp, phát triển du lịch và ảnh hưởng đến chất lượng nước ngầm, đặc biệt ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân và cảnh quan môi trường sinh thái. Nhưng không mấy gia đình chấp nhận di dời về nghĩa địa tập trung, đơn giản cũng chỉ vì vấn đề tâm linh, tín ngưỡng đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều người.

Đến người chết cũng chen lấn nhau

Không chỉ người sống đang chen chân với người chết, mà tình cảnh người chết chen lấn với người chết cũng đang diễn ra. Trong những năm qua, huyện đã dành gần 19 ha cho 8 khu nghĩa địa tập trung. Trong đó, xã An Hải 2 điểm, xã An Vĩnh có 5 điểm và đảo Bé 1 điểm. Thế nhưng, hầu như các nghĩa địa đều chật ních.

Quy định mỗi ngôi mộ chỉ được phép xây 6m2 vậy mà số lượng ấy chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Nhiều ngôi mộ trông nguy nga, chiếm đến cả trăm m2 đất, ốp đá xanh, đá đỏ lấp lánh.

Phú quý sinh lễ nghĩa, nhiều gia đình không ngần ngại bỏ ra hàng trăm triệu xây mộ để tỏ lòng thành kinh với người đã khuất. Đất đã chật cộng với  tâm linh, tín ngưỡng của người sống đã khiến các nghĩa địa trở nên quá tải.

Một người dân sống gần khu vực nghĩa địa Bãi Bé, xã An Hải kể: Khi mới quy hoạch, lúc ấy đất còn rộng nên các ngôi mộ đều theo một hướng đầu hướng núi chân hướng biển, còn bây giờ tứ  hướng vì mồ mả ken kín. Nhiều gia đình đi làm ăn xa một thời gian không lên thăm nom mồ mả có khi kiếm cả buổi trời mới tìm ra được mộ người thân.

* Sẽ thực hiện đồng bộ giải pháp bảo vệ môi trường

Trước thực trạng trên, Lý Sơn vừa xây dựng Đề án Bảo vệ môi trường giai đoạn 2015 – 2020 với tổng kinh phí hơn 241 tỷ đồng. Cùng với thực hiện đồng bộ hệ thống thu gom, xử lý chất thải, rác thải; trồng cây xanh; điện chiếu sáng; cấp nước sinh hoạt, huyện sẽ ưu tiên quy tập mồ mả.

 

Tất dất
Lý Sơn sẽ tiến hành quy tụ mồ mả nằm rải rác trên đất nông nghiệp, khu dân cư.

   
Trước tiên, trong 2 năm tới, quy tụ tập trung khoảng 4.000 số mồ mả nằm gần các khu du lịch và trong khu dân cư về cải táng tập trung. Đến năm 2020, vận động nhân dân cải táng đạt 80 - 90% số mồ mả nằm rải rác ngoài khu vực nghĩa địa và đến năm 2025 sẽ tập trung đạt 100%.

Ngoài ra, các Ban quản lý nghĩa trang nhân dân thực hiện vận động cải táng và thông báo cho những gia đình, dòng họ không nên xây dựng mộ bằng bê tông. Huyện cũng sẽ tuyên dương những gia đình, họ tộc gương mẫu đi đầu thực hiện chủ trương của địa phương trong cải táng quy tập mồ mả.

Với những giải pháp căn cơ, đồng bộ, Lý Sơn được kỳ vọng sẽ phát triển mạnh về kinh tế, vững chắc về quốc phòng- an ninh, đồng thời sẽ trở thành đô thị biển xanh- sạch- đẹp, văn minh.




Bài, ảnh: Ái Kiều
 


.