Chống sạt lở giữa mùa khô

06:05, 23/05/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Khắp nơi trong tỉnh hiện đang đối mặt với khô hạn. Đây là mùa mà các huyện miền núi vừa lo hạn hán thiếu nước sản xuất, sinh hoạt,  vừa phải oằn lưng chống sạt lở sông suối...

Những công trình “khẩn”

Sau trận mưa lớn kéo dài từ ngày 24 – 27.3 vừa qua, trên địa bàn các huyện miền núi trong tỉnh đã xảy ra sạt lở núi, sông suối nghiêm trọng, đặc biệt là tại huyện Sơn Hà và Ba Tơ. Mưa đã làm sạt lở, tắc đường từ Ba Bích đi Ba Nam; sạt lở bờ sông tại thị trấn Di Lăng. UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương nhanh chóng khắc phục hậu quả của những trận mưa nghịch mùa này. Trong đó, huyện Sơn Hà được tỉnh cho phép đầu tư làm kè theo lệnh khẩn tại sông Rin. Huyện Ba Tơ cũng chỉ đạo giải phóng hơn 40 nghìn mét khối đất đá bị sạt lở trên đoạn đường Ba Bích đi Ba Nam, thông đường tại 37 điểm sạt lở.

Nhân dân xã Ba Nam tham gia khắc phục tắc đường do sạt lở gây ra.
Nhân dân xã Ba Nam tham gia khắc phục tắc đường do sạt lở gây ra.


Ông Huỳnh Thương-Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ cho biết: Cả huyện đang gồng mình chống hạn thì mưa lớn bất thường đổ xuống gây nhiều thiệt hại. Còn tại huyện Sơn Hà, bà Đinh Thị Trà-Phó Chủ tịch UBND huyện cho rằng, đang nắng hạn gay gắt, lại xảy ra mưa lũ gây sạt lở quá nặng, đe dọa cuộc sống của người dân ven sông Rin. Hôm  trước còn vất vả tìm nước chống hạn, hôm sau đã loay hoay chống mưa lũ, sạt lở. Thời tiết quá bất thường, trở tay không kịp.

Mới đây, tại huyện Sơn Tây, sau trận mưa giông, nhiều tuyến đường đi Sơn Long, Sơn Liên bị sạt lở nặng. Một số giáo viên và học sinh sau khi tan trường đã phải “cắt” rừng về nhà. Đặc biệt có trường hợp một cán bộ của huyện đi cơ sở, trên đường về bị sạt lở núi bất ngờ, may mà nhanh chóng thoát ra khỏi đống đất đá từ trên cao đổ sập xuống.

UBND huyện Sơn Tây đã phải khuyến cáo người dân khi có mưa giông lớn phải đề phòng, không đến gần những điểm có nguy cơ sạt lở hoặc lưu thông trên các đoạn đường chưa hoàn thiện, tránh tình trạng bị núi lở vùi lấp. Những ngày qua, ở Sơn Tây đã xảy ra sạt lở tại một số tuyến đường. Chính quyền đã huy động sức dân và tiền ngân sách để khắc phục tạm thời, thông tuyến, tạo thuận lợi cho người dân đi lại.

“Chạy” theo biến đổi

Lý giải nguyên nhân sạt lở núi, sông suối bất thường giữa mùa khô này, các địa phương đều cho rằng do khô hạn kéo dài đất đai kiệt nước, lúc mưa xuống, đất hút nước giãn nở vỡ ra khỏi các khối kết dính gây sạt lở.

Tại các điểm sạt lở núi ở Ba Bích-Ba Nam và sạt lở tại sông Rin, thị trấn Di Lăng giữa những ngày nắng hạn lại sôi động công trình chống sạt lở. Số tiền chi cho việc khắc phục này lên đến nhiều tỷ đồng. Nếu không chứng kiến cảnh nước sông sau những cơn mưa cuồn cuộn chảy thì khó hiểu được vì sao lại sôi động xây kè sông Rin khi hiện nay nước sông đang ở vào mực nước “chết”. Rừng bị tàn phá, khi mưa giông về nước cứ thế tuồn từ cao xuống thấp với tốc độ quá lớn đã đâm toạc bờ sông, gây sạt lở. Hết mưa-hết nước, sông lại cạn để lại vết sạt lở rộng lớn.

Thực trạng ấy sẽ còn tiếp diễn ngày càng gay gắt trong khi mùa hạn các địa phương lại chỉ tập trung chống hạn. Kinh  phí để khắc phục hậu quả mưa nghịch mùa gây sạt lở vô cùng khó khăn vì thời điểm này các địa phương hầu như chỉ có kế hoạch chống hạn. Còn chống sạt lở, theo thông lệ chỉ diễn ra khi mùa mưa bão đến.

Một thực tế khác đang diễn ra tại các huyện miền núi trong tỉnh là nhiều công trình khắc phục sạt lở chưa tìm ra nguồn kinh phí để thanh toán cho đơn vị thi công ứng trước, thì nay sạt lở bất thường lại càng khó khăn hơn trong tìm kiếm nguồn vốn khắc phục.

Song, nếu không khắc phục sạt lở thì những sinh hoạt bình thường của người dân sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thậm chí tính mạng và tài sản của họ bị đe dọa. Ứng phó với biến đổi bất thường của thời tiết quả không dễ, nhưng chắc chắn nếu chủ động xây dựng kế hoạch vừa chống hạn, vừa chống sạt lở thì địa phương “dễ thở” hơn khi tìm kinh phí đầu tư, khắc phục.

Bài, ảnh: THANH NHỊ
 


.