Sơn Linh- Phát huy nội lực để giảm nghèo

01:04, 03/04/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong những năm gần đây, xã miền núi Sơn Linh (Sơn Hà) thực sự chuyển mình, vươn lên xóa đói giảm nghèo. Thành công đó là nhờ xã triển khai hiệu quả các chương trình, chính sách đầu tư của Đảng, Nhà nước kết hợp khai thác tiềm năng, thế mạnh địa phương và khơi dậy sự nỗ lực vươn lên từ trong dân.

Năm 2012, công trình đập Pơrin ở thôn 3, xã Sơn Linh được đầu tư xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng, tạo bước chuyển biến trong sản xuất nông nghiệp ở địa phương, nhất là trong sản xuất lúa nước. Người dân trong thôn không còn lo sợ tình trạng thiếu nước sản xuất như trước đây nữa. Từ 3 năm nay, cánh đồng lúa của bà con luôn trĩu hạt. Anh Đinh Trổ - một người dân cho biết: “Trước kia bà con trồng lúa khó khăn lắm. Mùa nắng là hạn hán nặng, cánh đồng này bỏ không. Từ khi có công trình thủy lợi Pơrin bà con trồng lúa hiệu quả, năng suất tăng cao, người dân chúng tôi ai cũng phấn khởi, không lo thiếu đói nữa”. Cùng với công trình đập thủy lợi Pơrin, từ năm 2010 đến nay, xã Sơn Linh có 14 công trình cơ sở hạ tầng được đầu tư trên địa bàn với tổng kinh phí 37,5 tỷ đồng. Trong đó có 4 công trình đường giao thông, 3 công trình trường - trạm, 5 công trình nước sinh hoạt…

Công trình đập thủy lợi Pơrin ở Sơn Linh.
Công trình đập thủy lợi Pơrin ở Sơn Linh.


Cơ sở hạ tầng được đầu tư, cùng với những chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã làm cho diện mạo nông thôn có nhiều đổi thay, góp phần tạo động lực mạnh mẽ để người dân vươn lên phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững. Hiện nay, dư nợ vốn vay trên địa bàn xã trên 17 tỷ đồng với trên 500 hộ nghèo, hộ cận nghèo được vay vốn, nhiều hộ đã biết sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, cải thiện được kinh tế gia đình và vươn lên thoát nghèo. Bà Đinh Thị Thương ở thôn Bồ Nung - là hộ thoát nghèo nhờ vốn vay chia sẻ: “Nhà nước tạo điều kiện cho vay vốn, rồi được cán bộ chỉ cách làm ăn nên gia đình mình đã thoát nghèo nhanh. Ở xã mình giờ đây không còn đói nữa, hộ nghèo cũng ít hơn trước vì ai cũng biết làm ăn, trồng lúa, trồng mì, trồng keo… Ai cũng cho con cái học hành”. Nhờ nguồn vốn vay, trung bình mỗi năm xã Sơn Linh giảm được 70 hộ nghèo, và hiện số hộ nghèo toàn xã còn gần 490 hộ, chiếm 34%.

Để tạo chuyển biến trong nhận thức người dân về công tác giảm nghèo, cấp ủy, chính quyền xã Sơn Linh đã chỉ đạo mặt trận và các hội đoàn thể ở thôn, khu dân cư tích cực tuyên truyền, vận động bà con đoàn kết, nỗ lực vươn lên, không trông chờ ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước. Bên cạnh đó, Sơn Linh xác định tận dụng lợi thế về đất đồi núi để phát triển nông-lâm nghiệp kết hợp chăn nuôi theo hướng hàng hóa.

Ông Nguyễn Phan Thanh Hải - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Linh cho biết: Sơn Linh có lợi thế về đất đai để phát triển nông-lâm nghiệp, nên giải pháp phát triển kinh tế của chúng tôi tập trung vào những cây, con mũi nhọn ở địa phương để giúp người dân giảm nghèo bền vững. Trong đó cây keo là một trong những cây nguyên liệu đem lại giá trị kinh tế cao, góp phần cải thiện đáng kể đời sống vật chất cho người dân. Đến nay, diện tích trồng rừng nguyên liệu, cây lấy gỗ và cây keo trên toàn xã là 145ha, đã thu hoạch 75ha với năng suất 65 tấn/ha, sản lượng thu hoạch trên 4.870 tấn. Cùng với phát triển nông - lâm nghiệp, xã cũng chú trọng đến phát triển lĩnh vực thương mại - dịch vụ với gần 30 cơ sở kinh doanh, đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của nhân dân địa phương.

Với những chủ trương đúng đắn trong việc khai thác hiệu quả nguồn lực đầu tư và phát huy nội lực để giảm nghèo bền vững, Sơn Linh đang từng ngày thay da đổi thịt. Kết quả này sẽ là tiền đề để xã thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Bài, ảnh: Thanh Thuận

 


.