Ngư dân khổ vì... "chướng ngại vật"

11:04, 07/04/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mô hình nuôi trồng thủy sản lồng bè tại đầm nước mặn Sa Huỳnh, xã Phổ Thạnh (Đức Phổ) những năm qua đã mang lại lợi ích kinh tế không nhỏ cho người dân nơi đây. Nhưng hiện nay mô hình này phát triển ồ ạt, tự phát, chiếm phần lớn diện tích mặt nước đã vô hình chung cản trở luồng lưu thông của tàu thuyền ra vào bến, gây ra một số bất cập.

TIN LIÊN QUAN

Khó khăn vượt... “Chướng ngại vật”

Nhiều ngư dân thôn Thạnh Đức 1 cho biết: “Không phải là chúng tôi không linh động. Lúc làm cầu Thạnh Đức, tàu qua không lọt, anh em chúng tôi đã làm cabin có thể tháo rời để dễ qua cầu. Nhưng giờ, gặp các bè nuôi giữa sông thế này, dù linh động mấy, chúng tôi cũng khó mà lách”.

Thực trạng này đang khiến cho các chủ tàu thuyền ra vào cửa biển Sa Huỳnh đối mặt với khó khăn, nguy hiểm. Nhìn nhiều bè nổi nằm giữa sông, ngay sát chân cầu, có thể thấy, muốn qua được các “chướng ngại vật” này, người lái tàu phải có tay nghề vững mới qua được. Bãi neo đậu tàu thuyền đang dần bị chiếm dụng làm bè nuôi hàu, nuôi cá.

Số lồng bè nuôi trồng thủy sản tại đầm nước mặn Sa Huỳnh ngày một nhiều, gây cản trở sự ra vào bến neo đậu của tàu thuyền.
Số lồng bè nuôi trồng thủy sản tại đầm nước mặn Sa Huỳnh ngày một nhiều, gây cản trở sự ra vào bến neo đậu của tàu thuyền.


 Cách cầu Thạnh Đức không xa, Hòn Dù thuộc thôn Thạnh Đức 2 cũng trở thành địa điểm nuôi tôm hùm, cá mú, cá bớp… với số lượng lên đến hàng chục lồng bè. Địa điểm này nằm ngay cửa biển Sa Huỳnh lại càng khiến cho việc lưu thông của tàu thuyền thêm phần khó khăn. Thực tế đã có không ít trường hợp tàu thuyền của ngư dân gặp nạn.

Ông Võ Ngọc Duyên - Trưởng thôn Thạnh Đức 2 cho biết: “Cửa biển vốn dĩ đã bị bồi lấp, giờ lại thêm hẹp nên các tàu thuyền đôi khi bị va quẹt, đâm trúng lồng bè là điều không thể tránh khỏi. Tàu của địa phương thông thạo địa bàn, nhiều khi còn biết mà “né”, chứ tàu tỉnh bạn thì khó mà lường. Vừa rồi mới có một tàu Bình Định đâm vào lồng bè đấy”.

Để… vẹn cả đôi đường

Là một trong những người nuôi hàu đầu tiên ở Sa Huỳnh, anh Trần Trung, ngụ thôn Thạnh Đức 1 cho biết, ban đầu anh chỉ nuôi một lồng bè, nhưng sau thấy nuôi hàu vốn ít, lại cho lợi nhuận cao nên anh tiếp tục mở rộng diện tích. Hiện tại anh sở hữu 3 lồng bè. Nuôi hàu mỗi năm thu 2 đợt, với số lượng lồng bè hiện tại, sau 3 năm nuôi, anh thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng.

Nuôi hàu mang lại thu nhập cao, thế nên người nuôi tiếp tục mở rộng diện tích. Người mạnh tay thì đầu tư 5, 6 lồng bè một lúc. Chỉ tính riêng số hộ nuôi hàu tại Sa Huỳnh hiện nay ước tính đã 50 hộ. Nếu tính tổng cộng tất cả các hộ nuôi trồng các loại thủy sản khác thì lên đến gần 130 hộ.

Nói về việc các lồng bè tự phát mọc lên nhiều, gây ảnh hưởng đến luồng lạch di chuyển của tàu thuyền, nhiều hộ nuôi trồng thủy sản cũng thừa nhận điều này. “Những vụ tai nạn xảy ra vừa rồi cũng khiến cho chúng tôi ái ngại. Nhưng đã đầu tư nuôi rồi, chúng tôi không thể bỏ được”, anh Trung giãi bày.

Ông Nguyễn Kỳ - Chủ tịch UBND xã Phổ Thạnh cho biết: Nuôi thủy sản lồng bè là một mô hình mang hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, việc đảm bảo luồng lạch cho tàu thuyền qua lại cũng là vấn đề hết sức quan trọng. Hiện tại, xã đang tiến hành quy hoạch khoanh vùng, lựa chọn những địa điểm nuôi mới thích hợp như Bãi Con, phía nam bờ kè chắn sóng… Bước đầu các hộ nuôi đã chủ động sắp xếp lại lồng bè, cam kết không làm ảnh hưởng đến luồng lạch di chuyển của tàu thuyền. Ngoài ra, xã cũng đã triển khai xuống người dân, ai muốn tham gia mô hình cần phải báo cáo với  UBND xã để được sắp xếp vị trí nuôi hợp lý, tránh tình trạng tự phát.

Bài, ảnh: THU HIỀN
 


.