CLB Phòng chống bạo lực gia đình: Mô hình cần nhân rộng

04:04, 04/04/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Bạo lực gia đình luôn là nỗi đau, nỗi ám ảnh của rất nhiều người phụ nữ. Đã có những nỗi đau thể xác lẫn tinh thần kéo dài qua nhiều năm tháng dẫn đến gia đình tan vỡ. Từ thực tế ấy, CLB Ngăn ngừa giảm thiểu bạo lực gia đình trên cơ sở giới ở xã Bình Thới (Bình Sơn) ra đời nhằm góp phần làm đẩy lùi, ngăn chặn và hàn gắn những hậu quả mà bạo lực gia đình gây ra.

TIN LIÊN QUAN

Bình Thới là xã có tỷ lệ số vụ bạo lực gia đình cao nhất huyện với khoảng 13 vụ/năm nên tháng 6.2013, Phòng LĐ-TB&XH huyện Bình Sơn quyết định thành lập thí điểm mô hình CLB ngăn ngừa, giảm thiểu bạo lực gia đình tại Chi hội phụ nữ thôn An Châu. Tham gia mô hình có 38 hội viên phụ nữ.  Chị L. (41 tuổi) ở thôn Giao Thủy từng là nạn nhân của bạo lực gia đình trong nhiều năm cho biết, chồng chị là công nhân làm gỗ, còn chị mở tiệm may nhỏ ở nhà. Cuộc sống gia đình không đến nỗi quá khó khăn, nhưng từ khi chồng chị ra ngoài làm thì nảy sinh ngoại tình, tài sản trong nhà lần lượt đội nón ra đi.

Rồi vợ chồng xích mích, chồng chị hành hạ chị không thương tiếc, liên tục những trận đánh đập kéo dài. Có khi chị bị đánh đến phải vào cấp cứu ở trạm y tế xã, nhưng chị chỉ biết nhẫn nhịn vì con cái mà tiếp tục chịu đựng. Đến khi được các thành viên trong CLB vào cuộc quyết liệt, mời hai bên gia đình đến giải quyết, thậm chí đến tận nhà để trò chuyện,  khuyên giải, nên đã giúp chồng chị L. nhận thức ra vấn đề và thay đổi hành vi của mình. Nhờ đó, hạnh phúc đã quay trở lại, hai vợ chồng thương yêu nhau hơn, tập trung làm kinh tế để nuôi con trưởng thành.

 Chị Reo đang chuẩn bị chủ đề và tài liệu cho buổi sinh hoạt CLB.
Chị Reo đang chuẩn bị chủ đề và tài liệu cho buổi sinh hoạt CLB.


Ngày đầu thành lập, CLB cũng gặp không ít khó khăn vì bạo lực gia đình là việc nhạy cảm, và nhiều người vẫn nghĩ đó là việc riêng của gia đình, nhưng khi được nghe các điều khoản pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình họ mới chịu thay đổi suy nghĩ đó. CLB gồm có 38 thành viên, mỗi tháng tổ chức sinh hoạt một lần. Trong buổi sinh hoạt các thành viên được sinh hoạt văn nghệ; nghe Ban chủ nhiệm CLB tuyên truyền, hướng dẫn các thành viên kỹ năng ứng xử trong gia đình; giới thiệu truyền thống văn hóa tốt đẹp của gia đình Việt Nam, tác hại của bạo lực gia đình, các biện pháp, kinh nghiệm trong phòng chống bạo lực gia đình. Các thành viên trong CLB cùng nhau nói chuyện, bày tỏ tâm sự của bản thân để được chia sẻ và tư vấn. Bên cạnh đó, CLB còn xây dựng 5 địa chỉ tin cậy trong toàn xã để khi có người bị bạo hành gia đình sẽ đến những địa chỉ này để ở tạm thời, tránh những trận đánh đập chờ sự can thiệp của CLB. Năm địa chỉ tin cậy này là nhà của các thành viên trong CLB được chọn ra nhằm giúp đỡ cho những nạn nhân của nạn bạo lực gia đình có chỗ tạm trú. Ngoài ra, CLB còn có một đường dây nóng hoạt động 24/24 giờ.

Chị Nguyễn Thị Reo - Chủ tịch Hội phụ nữ xã là Phó Ban chủ nhiệm CLB, luôn có trách nhiệm và tâm huyết với CLB. Chị Reo kể: Lúc mới đi vào hoạt động, CLB gặp rất nhiều khó khăn, vì tâm lý ngại nói ra chuyện nhà của mình cho người khác biết. Nhưng sau khi được nghe tư vấn, tuyên truyền thì mọi người đã hiểu ra bạo lực gia đình không chỉ đem lại nỗi đau thể xác lẫn tinh thần cho người trong cuộc, mà đó còn là hành vi vi phạm pháp luật từ đó mọi người cởi mở hơn, chịu nói ra tâm sự của mình và khi có bạo lực gia đình xảy ra họ dám báo với CLB để có được sự can thiệp kịp thời. Nhà chị Reo cũng là 1 trong 5 địa chỉ tin cậy. Chính chị Reo là người phụ trách số điện thoại của đường dây nóng. Vì thế, có rất nhiều người là nạn nhân của bạo lực gia đình đến gia đình chị tá túc. Có người ở đến 3 ngày, chờ khi được giải quyết xong mới về nhà. Trong những lần đó, chị Reo không thể quên hình ảnh chị Nguyễn Thị H. (42 tuổi), giữa đêm khuya, dắt theo con chạy đến nhà  xin ở nhờ vì bị chồng uống rượu về say xỉn cầm dao đuổi đánh mẹ con chị.

 Anh Phạm Văn Tuất, thành viên CLB, cho biết: Trước kia, tôi luôn có suy nghĩ và quan niệm rằng, đàn ông thì phải làm những việc lớn chứ không thể xuống bếp nấu cơm, quét nhà. Thế nhưng, khi tham gia sinh hoạt tại CLB, tôi nhận thấy, muốn cuộc sống gia đình có hạnh phúc thì phải có sự chia sẻ, cảm thông từ cả vợ và chồng, chứ không thể quy trách nhiệm cho riêng ai. Bây giờ khi đi làm về vợ chồng tôi cùng nhau làm các công việc trong nhà từ dọn nhà, nấu cơm đến việc dạy dỗ các con nên không khí trong gia đình trở nên ấm cúng hơn.

 Ở nông thôn, tình trạng bạo hành gia đình hiện đang còn tồn tại là do nhận thức của người dân còn thấp. Vì vậy, các ngành, các cấp cần có sự quan tâm nhiều hơn nữa để mô hình ngăn ngừa, giảm thiểu bạo lực gia đình góp phần xây dựng gia đình phát triển bền vững.


 Bài, ảnh: Trúc Giang


 


.