Trên quê hương Ba Tơ Anh hùng

05:03, 10/03/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- 70 năm qua, Đảng bộ, quân và dân Ba Tơ luôn phát huy truyền thống của quê hương cách mạng, phấn đấu vươn lên, vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng Lực lượng Vũ trang và Anh hùng thời kỳ đổi mới.

TIN LIÊN QUAN

Lấy hạ tầng làm đòn bẩy

Trung tâm huyện lỵ Ba Tơ – nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử của cuộc Khởi nghĩa Ba Tơ 70 năm trước, nay là một đô thị trên đà phát triển. Cửa ngõ phía đông vào thị trấn Ba Tơ, đường giao thông được mở rộng, nhà cửa xây dựng khang trang. Phía tây nam, cầu sông Liêng đã nối nhịp đôi bờ vững chãi. Khu vực Quảng trường, nghĩa trang liệt sĩ được tu sửa, nâng cấp. Nhiều tuyến đường nội thị được mở rộng, hai bên bờ suối Tài Năng được kè kiên cố, tạo điểm nhấn cho thị trấn vùng cao…

 Trung tâm huyện lỵ Ba Tơ hôm nay.                              Ảnh: X.THIÊN
Trung tâm huyện lỵ Ba Tơ hôm nay. Ảnh: X.THIÊN


Những năm qua, huyện tận dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng, tập trung chủ yếu là đường giao thông, coi đây là đòn bẩy thúc đẩy kinh tế phát triển. Đến cuối năm 2014, có 27,7/122  km  đường của 10 tuyến đường huyện được bê tông xi măng và thâm nhập nhựa. Có trên 100 km đường ô tô từ huyện đến trung tâm xã thông suốt 4 mùa. Nhờ đó, hàng hóa cung ứng trên thị trường về tận KDC đa dạng và phong phú. Mạng lưới phân phối được mở rộng và phủ khắp đến các vùng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.

Tổng mức giá trị bán lẻ hàng hóa đến năm 2014 đạt trên 224 tỷ đồng.  Đầu tư xây dựng được 2 chợ, trong đó, Chợ liên xã khu Đông - xã Ba Động với tổng kinh phí thực hiện 8,5 tỷ đồng; chợ thị trấn Ba Tơ với tổng kinh phí 12,7 tỷ đồng. Công tác lập và phê duyệt quy hoạch phát triển du lịch được quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện. Hạ tầng kỹ thuật du lịch từng bước được đầu tư, nâng cấp. Dịch vụ du lịch được mở rộng và nâng dần về chất lượng. Theo thống kê, hàng năm loại hình du lịch di tích có trên 1.875 lượt khách đến tham quan, trong đó có 375 lượt du khách nước ngoài.

Công trình Nghĩa trang liệt sĩ huyện Ba Tơ được đầu tư nâng cấp khang trang.
Công trình Nghĩa trang liệt sĩ huyện Ba Tơ được đầu tư nâng cấp khang trang.


Hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu được quan tâm đầu tư từ nhiều nguồn vốn, từng bước nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu sản xuất và dân sinh, hướng đến đạt chuẩn theo yêu cầu của tiêu chuẩn nông thôn mới. Hệ thống lưới điện nông thôn phát triển mạnh, đến nay tỷ lệ hộ sử dụng điện đến cuối năm 2014 đạt 91%. Kết cấu hạ tầng văn hóa - xã hội được quan tâm đầu tư.

Các cụm công nghiệp trên địa bàn huyện đang là lựa chọn của nhiều nhà đầu tư có tiềm năng. Hiện có 2 nhà máy dăm gỗ đang hoạt động ổn định tại cụm công nghiệp Ba Động, tạo việc làm cho lao động địa phương và giảm được chi phí vận chuyển cho người dân. Mới đây, Nhà máy xẻ đá và cắt đá tạo hình cũng đã đưa vào hoạt động. “Với bước phát triển đó, trong 5 năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện luôn đạt 16 - 17%/năm. Thu ngân sách năm 2014 đạt hơn 410 tỷ đồng/năm...”, ông Lê Hàn Phong- Chủ tịch UBND huyện, cho biết.

Hướng đến phát triển bền vững

Giờ đây, từ trung tâm huyện lỵ, theo các con đường bê tông, thảm nhựa về các xã của huyện, bạt ngàn màu xanh của mía, keo lai... Những cánh đồng nằm dưới các sườn đồi trong mùa tháng ba này, lúa đang thời kỳ con gái, làm đòng tươi tốt báo hiệu một vụ mùa bội thu. Đây đó, những nếp nhà sàn của đồng bào dân tộc Hrê được xây dựng mới khang trang nhưng vẫn lưu giữ nét đẹp truyền thống của đồng bào nơi đây. Trước đây, rừng che bộ đội để làm nên những chiến thắng thì hôm nay, trên những cánh rừng này đã nuôi sống đồng bào các dân tộc ở Ba Tơ. Ông Trần Quang Vinh – Trưởng Phòng NN&PTNT, cho biết: 30 năm trước, trồng rừng tập trung chủ yếu là cây bạch đàn, bây giờ chuyển sang trồng keo, cây bản địa, mỗi năm trồng và khai thác  khoảng 4.000ha, mang  lại nguồn lợi cho dân không nhỏ. Độ che phủ của rừng đến năm 2014 khoảng 70%.

Huyện đã chú trọng triển khai, ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật thông qua việc hỗ trợ giống mới, đầu tư thâm canh trên từng chân đất nên hiệu quả kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp được tăng lên. Nếu như trước năm 1986, năng suất lúa bình quân đạt khoảng 20 tạ/ha, thì năm 2014 tăng lên 45,35 tạ/ha, cao nhất trong các huyện miền núi của tỉnh. Lương thực bình quân đầu người trong năm 2014 đạt trên 400kg/người/năm. Kinh tế vườn, đồi, kinh tế rừng và các mô hình kinh tế xen canh đã góp phần xóa đói, giảm nghèo và tăng tỷ lệ hộ khá, hộ giàu. Hằng năm, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm từ 5- 7%, hiện chỉ còn  khoảng 28%.  

 Chăm sóc sức khỏe cho người dân xã Ba Điền.               Ảnh: K.NGÂN
Chăm sóc sức khỏe cho người dân xã Ba Điền. Ảnh: K.NGÂN

Trong lĩnh vực giáo dục, trước năm 1989, toàn huyện chỉ có 15 trường phổ thông (tiểu học, trung học cơ sở). Hầu hết các trường học tạm bợ, tranh tre vách đất, thiếu phòng học, phải học ca ba. Đến nay, mạng lưới trường lớp học, cơ sở vật chất các bậc học cơ bản đáp ứng nhu cầu giáo dục của địa phương. Tỉ lệ trẻ em trong độ tuổi đến trường ngày càng tăng, chất lượng giáo dục từng bước được nâng lên.

Huyện đã được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi năm 2007, phổ cập giáo dục trung học cơ sở năm 2008 và tiếp tục duy trì kết quả đạt chuẩn cho đến nay.  Mạng lưới y tế các cấp được củng cố, tăng cường. Chất lượng khám, chữa bệnh được nâng lên, đảm bảo điều kiện chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân. Cơ sở bệnh viện được đầu tư, nâng cấp. Tổng số giường bệnh hiện có là 100 giường; bình quân số giường bệnh/1 vạn dân là 18,07 giường; số bác sĩ trên toàn huyện là 34 người, dự kiến năm 2015 là 38 người.

Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ Lê Hàn Phong tự hào, nói: Phát huy tinh thần quật khởi của cuộc Khởi nghĩa Ba Tơ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Ba Tơ luôn khắc ghi truyền thống cách mạng của quê hương, phấn đấu xây dựng Ba Tơ ngày càng giàu mạnh.


 MAI HẠ

 


.