Sức sống mới trên quê hương Tư Nghĩa

10:03, 25/03/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tháng 3 lịch sử. Từ trung tâm huyện lỵ Tư Nghĩa cho đến các con đường bê tông nông thôn cờ đỏ rợp trời, các em nhỏ khăn quàng đỏ trên vai tung tăng đến trường. Những cánh đồng lúa trải dài xanh ngắt... Tư Nghĩa hôm nay, sau 40 năm giải phóng là một bức tranh sinh động, căng tràn sức sống.

TIN LIÊN QUAN

Để có được diện mạo hôm nay, sau ngày giải phóng, từ một vùng đất khó, Tư Nghĩa đã thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, từng bước làm thay đổi các vùng quê và đạt được nhiều thành tựu to lớn trên các lĩnh vực. Kinh tế tăng trưởng khá nhanh và toàn diện. Cơ cấu kinh tế chuyển dần theo hướng nông nghiệp sang công nghiệp - dịch vụ - thương mại, góp phần làm khởi sắc các vùng quê một thời nghèo khó. Cơ sở vật chất cùng các dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh từng bước được đầu tư phát triển, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

 

Diện mạo vùng quê khởi sắc, nhiều tuyến đường trong huyện đã được trải nhựa, kéo điện thắp sáng.
Diện mạo vùng quê khởi sắc, nhiều tuyến đường trong huyện đã được trải nhựa, kéo điện thắp sáng.


Là huyện thuần nông, từ khi có công trình thuỷ lợi Thạch Nham và chương trình kiên cố hoá kênh mương dẫn nước về đồng, huyện đã định hướng cho nông dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa các giống mới vào sản xuất cho năng suất cao. Đến nay, năng suất lúa của huyện đạt gần 65 tạ/ha và là một trong những địa phương có năng suất lúa cao nhất của tỉnh. Tổng sản lượng lương thực đạt gần 60.000 tấn, tăng gấp đôi so năm 1975. Sản xuất lương thực từ chỗ thiếu ăn đã vươn lên đáp ứng được nhu cầu và có tích lũy.

Phong trào nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi phát triển đều khắp, xuất hiện ngày càng nhiều các mô hình kinh tế trang trại, kinh tế vườn đạt doanh thu 60 đến 100 triệu đồng/ha. Thành công của việc chuyển đổi từ 3 vụ lúa sang 2 vụ đã tạo điều kiện cho người nông dân tiếp cận những thành tựu khoa học kỹ thuật, tăng khả năng đầu tư thâm canh, tiết kiệm được chi phí sản xuất, đồng thời có thời gian mở rộng ngành nghề, tăng thu nhập.

Ngoài phát triển nông nghiệp, huyện luôn khuyến khích các địa phương xây dựng và mở rộng các làng nghề truyền thống. Một số nghề truyền thống như làm bánh tráng, làm hương, lốp xe, chiếu cói…đã trở thành nghề cho thu nhập khá đối với rất nhiều hộ nông dân.

Trong chiến lược phát triển kinh tế của địa phương, huyện Tư Nghĩa đã xem công nghiệp là hướng đột phá để tăng nguồn thu, tăng giá trị sản xuất và giải quyết việc làm cho người lao động. Cụm công nghiệp La Hà tuy mới đi vào hoạt động khoảng 6 năm nay, giải quyết việc làm cho gần 2.000 lao động, tạo lợi thế để địa phương phát triển kinh tế xã hội. Đây cũng chính là cơ sở để huyện tiến tới quy hoạch một số cụm công nghiệp mới như cụm công nghiệp Gò Su ở xã Nghĩa Thuận và Nghĩa Thắng, cụm công nghiệp Núi Máng ở xã Nghĩa Phương và cụm công nghiệp Thu Xà ở xã Nghĩa Hòa. Những cụm công nghiệp này đi vào hoạt động, cùng với sự phát triển của ngành nông nghiệp, các làng nghề truyền thống sẽ tạo được tính đồng bộ trong quá trình phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.

Kinh tế phát triển, huyện đã chú trọng đầu tư trên lĩnh vực văn hóa – xã hội, nên chất lượng dạy và học ngày càng được nâng cao. Tư Nghĩa là một trong những địa phương dẫn đầu tỉnh về trường đạt chuẩn Quốc gia khi toàn huyện đã có 42 trường đạt chuẩn quốc gia. 100% xã, thị trấn hoàn thành phổ cập tiểu học và trung học cơ sở đúng độ tuổi. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được tăng cường. Đến nay, đã có gần 300 giường bệnh, trung bình có 2,7 bác sĩ trên 1 vạn dân, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi còn dưới 10%, 12 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Hộ nghèo, thiếu ăn sau ngày giải phóng hơn 40% thì đến cuối năm 2014 chỉ còn 6%.

Ông Huỳnh Chánh - Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa cho biết: Sau 40 năm, các lĩnh vực kinh tế - xã hội của huyện đều phát triển khá. Cơ cấu kinh tế từ một huyện chủ yếu là nông nghiệp nay giá trị công nghiệp, thương mại, dịch vụ chiếm trên 40%. Huyện cũng đã đẩy mạnh Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới đến 13 xã trong huyện, bộ mặt nông thôn từng bước được đổi mới. Đến nay, đã có 3 xã đạt 15 tiêu chí, 6 xã đạt từ 9 đến 14 tiêu chí, 4 xã đạt từ 6 đến 8 tiêu chí. Huyện đang phấn đấu 2 xã Nghĩa Lâm và Nghĩa Hoà đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2015.

40 năm sau ngày giải phóng, Tư Nghĩa đã nỗ lực và phấn đấu không ngừng để hôm nay các làng quê khoác lên mình một diện mạo đầy sức sống.


Bài, ảnh: MAI HẠ 

            

 


.