Những vầng "trăng khuyết"

05:03, 23/03/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- “Trăng khuyết” ở đây nói về những cựu nữ thanh niên xung phong (TNXP) năm xưa đã dành trọn tuổi thanh xuân băng rừng, vượt suối gùi lương, tải đạn phục vụ tiền tuyến, góp phần làm nên khúc khải hoàn trong đại thắng mùa Xuân 1975. Trở về đời thường nhiều người mang vết thương trên thân thể, người mang vết thương trong lòng, người có hoàn cảnh neo đơn…

Đã 40 năm trôi qua, kể từ ngày rời đơn vị TNXP, bà Từ Thị Kim Hương ở thôn Mỹ Huệ 2, xã Bình Dương (Bình Sơn) vẫn bồi hồi mỗi khi nhắc lại những ngày tháng “thập tử nhất sinh” khi tham gia gùi lương, tải đạn ở khắp các vùng núi trong tỉnh. “Có nhiều lần đi tải đạn, tải lương, tôi cùng đồng đội bị địch phát hiện. Chúng truy đuổi, ném bom. Lúc ấy, anh em đồng đội chỉ biết chia nhau chạy để phân tán sự truy đuổi. Trong đó có lần tôi bị một mảnh đạn bay sượt qua lưng, may có bao gạo trên lưng nên mình chỉ bị thương nhẹ”, bà Hương nhớ lại.

Bà Bùi Thị Kim chăm sóc vườn keo.
Bà Bùi Thị Kim chăm sóc vườn keo.


Nhắc đến TNXP, những kỷ niệm một thời trong bà Bùi Thị Kim ở thôn Ngọc Trì, xã Bình Chương (Bình Sơn) lại ùa về. “Ngày ấy khí thế lắm! Tôi chỉ nặng có 32kg nhưng lúc nào cũng gùi trên lưng hơn 40kg lương thực, đạn dược. Bom, đạn của địch thì lúc nào cũng bay vèo vèo trên đầu. Thế nhưng với nhiệt huyết và sức trẻ không gì cản nổi chúng tôi, dù phải đối mặt với cái chết”, bà Kim chia sẻ.

Còn bà Thái Thị Liên, ở thị trấn Châu Ổ (Bình Sơn) thì không sao quên được những ngày tháng hiểm nguy và hào hùng ấy. Mới 14 tuổi, đang ngồi trên ghế nhà trường nhưng bà Liên đã quyết định nghỉ học xung phong đi TNXP. “Lúc đó mình chỉ nghĩ đi là để góp phần giải phóng đất nước nên hăng hái lắm. Được cái dù đói, sốt rét hoạt động dưới mưa bom bão đạn nhưng tình đồng chí, đồng đội luôn có nhau đã tiếp thêm sức mạnh. Thương nhất là có những hôm máy bay Mỹ rải chất độc hóa học trắng cả núi rừng. Mấy bụi mì bị thấm chất độc hóa học tuốt hết cả vỏ giống như luộc rồi, bốc lên mùi nồng nặc. Thế mà đói quá nhiều anh em vẫn phải ăn. May sao hai đứa con của tôi sau này không bị nhiễm loại chất độc nguy hiểm này. Bấy nhiêu thôi là tôi hạnh phúc lắm rồi!”, bà Liên trầm ngâm nhớ lại.

Hòa bình, những thế hệ TNXP như bà Hương, bà Kim, bà Liên lại tiếp tục chiến đấu trên mặt trận chống nghèo nàn lạc hậu. Mặc dù cuộc sống của họ không giàu có, dư dả. Sức khỏe các chị đã giảm sút. Có người chồng mất khi con còn nhỏ… nhưng cái họ có được chính là niềm tin. Sự tôi rèn, hy sinh trong thời chiến đã giúp họ vượt qua tất cả để tự mưu sinh, nuôi dạy con cái nên người.

Trở về với cuộc sống đời thường, mang trong mình nhiều vết thương, bệnh tật do di chứng của những đòn tra tấn của địch trong thời gian ở tù, nhưng bà Kim vẫn hăng say tham gia phát triển kinh tế. Đến tuổi xế chiều, bà chỉ còn một mình, bởi chồng bà đã mất cách đây gần chục năm. Vượt qua nỗi đau, bà chèo chống nuôi 4 đứa con ăn học. Giờ đây tuy đã bước qua tuổi 64, nhưng bà Kim vẫn sống lạc quan, miệt mài lao động. Ngoài chăm sóc 4 con heo, 60 con gà, bà  Kim còn trồng 6 sào keo, 3 sào mì xen đậu. Trong vườn bà còn trồng hàng chục gốc chanh và nhiều loại cây ăn trái khác đem lại hiệu quả kinh tế.

May mắn hơn những cựu TNXP khác, bà Hương còn người chồng làm chỗ dựa. Tuy nhiên, chồng bà cũng là bộ đội phục viên, điều kiện sức khỏe hạn chế, bản thân bà cũng bị những vết thương năm xưa hành hạ mỗi khi trái gió trở trời, nhưng không chịu khuất phục trước cái đói, cái nghèo, bà đã mạnh dạn vay vốn làm ăn.  Đến nay, bà Hương đã có hàng trăm con gà, vịt, heo và 2 con bò vỗ béo, trị giá hàng trăm triệu đồng. Không chịu nghỉ ngơi, bà còn thuê thêm mấy sào đất để trồng cỏ nuôi bò và trồng ớt. “Con cái bây giờ thành đạt hết rồi nhưng mình vẫn phải lao động. Vì lao động không chỉ để làm giàu cho bản thân mà còn làm giàu cho xã hội”, bà Hương chia sẻ.
 

Bài, ảnh: HỒNG HOA
 


.