Những người phụ nữ "chân cứng đá mềm"

03:03, 08/03/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nghị lực vượt qua nghịch cảnh để phát triển kinh tế. Những người phụ nữ tần tảo không chỉ ổn định cuộc sống cho chính mình, mà còn chia sẻ, giúp đỡ những người khó khăn hơn…

Vượt lên chính mình

Ngày chồng mất, chị Nguyễn Thị Phít, thôn Phú Long, xã Phổ Khánh (Đức Phổ) còn 3 tháng nữa là tròn 22 tuổi. Không nhà cửa, không có vốn liếng lận lưng, chị Phít nương tựa nhà mẹ đẻ, rồi làm thuê làm mướn để lo cho đứa con gái vừa lên 2.

Tự vượt lên trên nghịch cảnh của cuộc đời, giờ chị Phít lấy việc giúp đỡ người khác làm niềm vui.
Tự vượt lên trên nghịch cảnh của cuộc đời, giờ chị Phít lấy việc giúp đỡ người khác làm niềm vui.


“Đầm cá An Khê lúc bấy giờ là nguồn sống của hai mẹ con tôi suốt 6 năm trời”, chị Phít bồi hồi. Người ta đánh cá có đôi. Chồng chèo, vợ rải lưới. Còn chị Phít, một tay chị vừa chèo, vừa rải lưới. Đứa con gái không nhờ được ai trông, nên chị mang theo con đồng hành trên những chuyến ghe xuôi ngược. 3 giờ chiều đánh lưới đến 7-8 giờ tối thì trở về. Thời ấy chưa có xe đạp, cõng đứa con trên vai, tay xách giỏ đựng cá, dù vậy quãng đường từ đầm An Khê về nhà trở nên bớt xa hơn, khi có đứa con chuyện trò tíu tít.

Đánh cá ở đầm An Khê suốt mấy năm trời, chị Phít mới ki cóp đủ tiền mua được chiếc xe đạp cũ. Tờ mờ sáng đi lấy cá, rồi đạp xe ra đến thị trấn Đức Phổ để bán. Nhờ cần mẫn, chịu khó, nên dần dà cuộc sống đỡ khốn khó,  tậu được đất, xây được nhà khang trang.

Còn chị Bùi Thị Vân, thôn Mỹ Tân, xã Bình Chánh (Bình Sơn), khi chồng “nằm” lại với biển sau một chuyến ra khơi năm 1991 thì chị Vân đang mang thai đứa con thứ 2 được 3 tháng. Đau thương bất ngờ ập đến, nhưng chị vẫn gắng gượng để lo cho hai con vẹn toàn. Từ người phụ nữ chân yếu tay mềm, chị Vân trở thành người bươn chải với đủ nghề, rồi sau đó là trở thành “thuyền trưởng” của chiếc ghe máy 10 CV.  

Suốt 15 năm đằng đẵng, một tay chị lái ghe đi bốc dỡ hàng hóa cho ngư dân đánh bắt xa bờ, rồi vận chuyển mực từ thuyền đánh bắt về bến cho thương lái. Bình quân mỗi tàu, chị Vân phải hoàn thành việc chuyên chở, bốc xếp 2,5 tấn gạo, 200 lít dầu ăn, 100 bịch bột ngọt cùng hàng loạt nhu yếu phẩm khác thì mới nhận được 300 nghìn đồng tiền công. Ngày nào cũng quần quật từ 10 giờ sáng đến 5 giờ chiều, chị Vân mới thu về được 600 nghìn đồng.

Vất vả là thế, nhưng chị luôn dành thời gian đốc thúc con cái học hành. Người con lớn của chị giờ đang làm việc tại Chi cục Hải quan Dung Quất, còn người con nhỏ sau khi tốt nghiệp Đại học Quy Nhơn cũng đã nhanh chóng tìm được công việc ổn định tại công ty trắc địa tại Quảng Ngãi.

Lấy việc chung làm niềm vui “riêng”

Tháng Giêng này, tàu thuyền ra khơi tấp nập nên ngày nào chị Bùi Thị Vân cũng bận đến tối tăm mặt mũi. Bận bịu nhưng chị Vân vẫn không quên: “Thứ 7 này, địa phương tổ chức tọa đàm 8.3 cho chị em phụ nữ. Mình là chi hội phó nên phải gắng lo cho chị em một buổi gặp gỡ, giao lưu trọn niềm vui”. Tất bật gồng gánh mưu sinh, khi có chút thời gian rảnh thì lại hăng hái lo chuyện xã hội. Ở Mỹ Tân, chị là người tiên phong trong công tác “đi từng ngõ, gõ từng nhà” vận động bà con trong khu dân cư xây dựng cổng chào, cầu bê tông, sửa chữa đường trị giá 94 triệu đồng. Ngoài ra, chị còn là người đứng ra vận động người dân trong thôn tổ chức văn nghệ quần chúng để gây quỹ xây dựng 2 nhà mái ấm tình thương.

Lấy việc chung làm niềm vui cho riêng mình, chị Phít cũng trở thành người tiên phong trong vận động người dân trong thôn “lá lành đùm lá rách” để giúp đỡ những người neo đơn, cơ nhỡ. Ông Nguyễn Sáu, ở xóm 13, thôn Phú Long sống một mình, lại không may bị gãy chân. Chị Phít lặn lội vận động mọi người quyên góp được 4,8 triệu đồng cùng 108 lon gạo cho ông trang trải.

Cụ Nguyễn Thị Huê, Phạm Thị Thừa… sống neo đơn, không còn sức làm ruộng, nay không phải lo lắng khi đã có chị Phít đứng ra vận động người dân trong thôn hằng tháng đóng góp vào hũ gạo tình thương để mang đến cho hai cụ. Làm việc không lương, ngày nào cũng tất bật với những công việc “không tên” nhưng với chị Vân, chị Phít, chính cái công việc “vác tù và hàng tổng” này, lại là niềm hạnh phúc. Bởi khi hòa mình vào công tác chung của tập thể, được gặp chị em tâm sự, trò chuyện, chị Vân, chị Phít như quên đi câu chuyện buồn của đời mình…
                       

Bài, ảnh: Ý THU
 


.