Người Việt ở chợ đêm Viêng Chăn

10:03, 17/03/2015
.

(Baoquangngai.vn)- Đến Viêng Chăn- thủ đô nước CHDCND Lào, khách du lịch - đặc biệt là khách Việt Nam sang vào mỗi buổi tối đều không quên ghé thăm chợ đêm Viêng Chăn. Đến đây, du khách không chỉ tham quan, mua sắm mà còn được dịp gặp gỡ đồng hương là bà con người Việt làm ăn buôn bán ở đây.

 
Chợ đêm Viêng Chăn nằm trong khuôn viên công viên Chao Anouvong, trên chiều dài khoảng 300m, một mặt giáp đường Rue Pangkham, mặt kia giáp sông Mê Kông. Chợ mở cửa từ 18 - 22h hằng ngày. Chợ có không gian rộng rãi, thoáng mát. Trong chợ, các gian hàng được bố trí rất khoa học và gọn gàng. Tất cả đều được phủ chung một khung vải màu đỏ. Tại đây, du khách có thể mua đủ thứ quà: từ đồ ăn, quần áo, quà lưu niệm, đồ mỹ nghệ, những sản phẩm thủ công đặc trưng của địa phương.... 
 
Đây dường như là địa điểm hút khách nhất tại Viêng Chăn về đêm. Một điều đặc biệt, dù có khá đông khách tham quan, mua sắm nhưng không khí mua bán vẫn bình thản, nhẹ nhàng như phong cách sống nhẹ nhàng, từ tốn của người Lào, không ồn ào, xô bồ như những chợ dân sinh thông thường.
 
Tất cả ccác gian hàng đều được phủ chung một khung vải màu đỏ
Tất cả các gian hàng đều được phủ chung một khung vải màu đỏ
 
Thủ đô Viêng Chăn là nơi tập trung khá nhiều người Việt sinh sống và làm ăn. Có lẽ, chính vì thế mà vào chợ đêm Viêng Chăn, bạn có thể bắt gặp nhiều người Việt buôn bán ở đây. Họ nói thông thạo hai thứ tiếng, thậm chí nhiều người nói tiếng Lào khá sỏi, và nếu không được người khác giới thiệu hoặc chủ cửa hàng chủ động lên tiếng thì rất khó phân biệt đó là người Việt hay người Lào. 
 
Quê ở tỉnh Nam  Định, chị Trần Thị Nương cùng chồng đã có thâm niên 9 năm buôn bán đồ lưu niệm ở chợ đêm Viêng Chăn. Biết chúng tôi là người Việt Nam sang, chị Nương mừng lắm. Với chị, gặp bất kì ai từ Việt Nam sang cũng như gặp người quen vậy.
 
Chị Nương cười tươi bảo, bán hàng ở chợ đêm Viêng Chăn cũng thuận lợi vì có nhiều khách du lịch đến tham quan và mua sắm. Mỗi tháng, nếu bán hàng được được, trừ chi phí bao gồm tiền thuê nhà, ăn uống sinh hoạt cũng có thể dành dụm được 5 - 7 triệu đồng gửi về cho gia đình ở quê.
 
Những ngày đầu qua nước bạn Lào mưu sinh, mọi sinh hoạt, buôn bán với vợ chồng chị Nương rất khó khăn bởi không biết tiếng bản địa. Song được sự giúp đỡ của cộng đồng người Việt ở đây nên vợ chồng chị Nương cũng dần vượt qua những khó khăn ban đầu. "Những ngày đầu mới đến đất Lào, không riêng chị, mà nhiều người Việt đang sống và làm việc ở đây đều rất sợ phải học tiếng. Nhưng giờ thì mình có thể nói thành thạo như dân bản địa"- chị Nương chia sẻ.
 
Chị cho biết, làng chị có có rất nhiều người rời quê "xuất ngoại" sang Lào mưu sinh. Người đi trước cứ thế dẫn dắt, hướng dẫn cho người đến sau, có gia đình cả nhà 3 - 4 người dắt díu nhau sang làm ăn. 
 
Chợ đêm Viêng Chăn thu hút rất đông du khách đến tham quan, mua sắm
Chợ đêm Viêng Chăn thu hút rất đông du khách đến tham quan, mua sắm
 
Cùng cảnh ngộ với vợ chồng chị Nương có vợ chồng anh Huỳnh Văn Vũ quê ở Thanh Hóa. Vợ chồng anh Vũ gia nhập đội quân bán hàng ở chợ đêm Viêng Chăn được hơn 5 năm. 
 
Anh Vũ chia sẻ: Ở Lào mọi chi phí sinh hoạt có đều cao hơn ở quê, nên để thuận lợi cho việc mưu sinh nơi xứ người, vợ chồng tôi đành chấp nhận gửi con ở quê cho ông bà nội chăm sóc. Mỗi năm vợ chồng tôi chỉ về quê đúng một lần vào dịp Tết Nguyên đán. Biết là vất vả, nhớ nhà, nhớ quê, nhớ con  nhưng vì cuộc sống quá khó khăn cũng đành bám trụ ở xứ người để mưu sinh với hi vọng dành dụm ít vốn liếng để sau này về quê có cuộc sống ổn định hơn, thuận lợi cho việc học hành của con cái.
 
"Khoảng 3-4 năm về trước, bán buôn kiểu này thu nhập rất khá. Nhưng mấy năm trở lại đây kinh tế khó khăn, người bán ở đây cũng nhiều, nên việc làm ăn cũng khó khăn hơn"- anh Vũ cho biết thêm.
 
Trong những câu chuyện với những người Việt ở chợ đêm Viêng Chăn, chúng tôi thấu hiểu được những nhọc nhằn trên con đường mưu sinh tha hương của họ.  Phần lớn họ là những nông dân lam lũ ở các tỉnh miền Trung và Tây nguyên, vì cuộc sống khó khăn đành chấp nhận ly hương sang Lào tìm kế sinh nhai. Trong số họ, có người chỉ vừa mới đặt chân đến được một thời gian ngắn, có người đã trở thành những thế hệ thứ hai, thứ ba sinh sống trên đất khách.
 
Vì nhiều lý do khác nhau, nhiều người Việt chọn con đường
Vì nhiều lý do khác nhau, nhiều người Việt chọn con đường "xuất ngoại" sang đất nước bạn Lào mưu sinh.
 
Qua tìm hiểu của chúng tôi, ở đất nước bạn Lào, không riêng gì chợ đêm Viêng Chăn, mà hầu như ở đâu có chợ là ở đó có người Việt. Tại những chợ đầu mối, chợ lớn nhất ở các thành phố của Lào như chợ Sáng, chợ Cây số 13 ở Viên Chăn, chợ Pakse ở Champasak, chợ Savannakhet... đều có người Việt buôn bán. Chính vì thế, nên có điều khá đặc biệt là, tiếng là chợ Lào, song ở đây khách mua hàng có thể trả bằng tiền Việt.
 
Nhiều người Việt Nam khi đi công tác hay đi du lịch có dịp ghé qua các chợ ở Lào  đều tìm đến những gian hàng của người Việt để mua như một cách để ủng hộ đồng hương và cũng để yên tâm hơn bởi được hướng dẫn, tư vấn về chất lượng hàng hóa.
 
Đến các khu chợ, trung tâm thương mại ở Lào, chúng tôi đều có chung cảm nhận, người Việt dù mới xa quê dăm bảy tháng hay đã mưu sinh hàng chục năm trên nước bạn vẫn luôn đau đáu một nỗi niềm xa xứ, hướng về quê hương, nguồn cội. Họ tự hào là người Việt Nam và hai chữ  Tổ quốc với họ rất thiêng liêng và cũng rất đỗi tự hào…Ở họ có mỗi hoàn cảnh, mỗi cuộc sống riêng nhưng những câu chuyện về họ đã góp phần tạo nên bức tranh đa màu về người Việt ở đây, về tinh thần và nghị lực sống để khẳng định mình trên nước bạn.  
 
Bảo Ngọc
 

 


.