Ký ức ngày giải phóng

10:03, 28/03/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Với những người đã đi qua cuộc chiến tranh vĩ đại của dân tộc và trực tiếp cầm súng trong trận chiến đấu cuối cùng của 40 năm về trước để giải phóng quê hương thì không thể nào quên được ký ức của những ngày lịch sử đó.
 
“Đoàn Sông Trà” và trận đánh cuối cùng


Dù đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng khi nhắc đến thời khắc lịch sử ấy, người cựu binh già Ngô Đức Tấn – Trung đoàn trưởng Trung đoàn 94, đơn vị tham gia trận đánh cuối để giải phóng quê hương mắt như bừng sáng. Ông kể: Trung đoàn 94 thành lập ngày 20.2.1975, mang tên "Đoàn Sông Trà" do ông, lúc đó là Tỉnh đội phó, Tham mưu trưởng được bổ nhiệm làm Trung đoàn trưởng. Đây là lực lượng chủ lực cơ động của tỉnh dưới sự chỉ đạo của Quân khu 5, có nhiệm vụ chặn quân địch rút chạy từ Quảng Ngãi ra Chu Lai để giải phóng cho được Quảng Ngãi.

Ông Vũ Tùng Vi (bên trái) và ông Phạm Hoài Hải nhớ về ngày lễ mít tinh đặc biệt mừng quê hương giải phóng 40 năm về trước.
Ông Vũ Tùng Vi (bên trái) và ông Phạm Hoài Hải nhớ về ngày lễ mít tinh đặc biệt mừng quê hương giải phóng 40 năm về trước.


Những ngày cuối tháng 3.1975, quân địch lúc đó cố đem hết lực lượng và hỏa lực để tùy nghi di tản, tháo chạy ra Chu Lai. Với mục tiêu cuối cùng là chặn đánh không cho địch co cụm về Quảng Nam và Đà Nẵng, Trung đoàn 94 đã cùng với bộ đội huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh chặn đánh quân ngụy tháo chạy từ Quảng Ngãi đi Chu Lai. Trên đoạn đường 7km phục kích quyết chiến từ thôn Thế Lợi, xã Tịnh Phong (Sơn Tịnh) đến cầu Ô Sông (xã Bình Long, Bình Sơn), Trung đoàn 94 cùng với các lực lượng của Quân khu 5 tiêu diệt trên 1.000 tên địch; bắt sống hơn 2.000 tên; bắn cháy, bắn hỏng và thu 206 xe cơ giới các loại, giải phóng hoàn toàn các huyện phía bắc tỉnh Quảng Ngãi.

Từ đêm 23.3 đến sáng 24.3, Trung đoàn 94 được lệnh xuất kích, dồn lực giải phóng các địa phương trong tỉnh. Trong đó, phục kích đánh Tiểu đoàn 69 biệt động quân và bọn nguỵ quân, nguỵ quyền tháo chạy từ huyện Trà Bồng xuống Châu Ổ (Bình Sơn), tiêu diệt và bắt sống toàn bộ tàn quân ngụy. "Đến 10 giờ 30 ngày 24.3, toàn bộ quân ngụy trên đường tháo chạy ra Chu Lai đã bị tiêu diệt và bắt sống. Trận đánh cuối cùng kết thúc thắng lợi. Quảng Ngãi hoàn toàn giải phóng trong niềm hân hoan của quân và dân tỉnh nhà", người chỉ huy năm ấy xúc động nhớ lại.

Khí thế của buổi lễ đặc biệt

Sáng ngày 31.3.1975, hàng ngàn người dân thị xã Quảng Ngãi lúc ấy, nhân dân các huyện lân cận, đồng bào các huyện miền núi kéo về thị xã, tập trung đến sân vận động Diên Hồng tham dự cuộc mít tinh lớn để chào mừng sự kiện toàn tỉnh được giải phóng và ra mắt UBND cách mạng tỉnh. Ông Vũ Tùng Vi (75 tuổi), lúc đó là Phó Bí thư Huyện ủy Sơn Hà xuống thị xã tham dự lễ mít tinh cho biết: Để kịp tham dự buổi lễ, ông cùng một số cán bộ là đại biểu từ huyện Sơn Hà đã xuống thị xã từ chiều hôm trước. Còn người dân các địa phương thì từ sáng sớm ngày 31.3.1975 đã có mặt. Trong buổi sáng hôm ấy, khắp các ngả đường đi vào thị xã Quảng Ngãi, khí thế rầm rập, cờ hoa, biểu ngữ được nhân dân các địa phương về dự lễ mít tinh mừng giải phóng trưng lên.

Ông Ngô Đức Tấn – Trung đoàn trưởng Trung đoàn 94 năm xưa kể về trận đánh cuối cùng giải phóng Quảng Ngãi 40 năm trước.
Ông Ngô Đức Tấn – Trung đoàn trưởng Trung đoàn 94 năm xưa kể về trận đánh cuối cùng giải phóng Quảng Ngãi 40 năm trước.


Khoảng 9 giờ sáng, sân vận động đã chật kín người và buổi lễ được bắt đầu. Buổi lễ mừng ngày giải phóng chỉ diễn ra chừng 30 phút. Bí thư Tỉnh ủy lúc đó là đồng chí Lê Tấn Tỏa đọc diễn văn mít tinh. Tiếp đến là quyết tâm thư và Lời kêu gọi nhân dân đoàn kết, xây dựng lại quê hương, tiếp tục đóng góp cho miền Nam để giải phóng đất nước. Sau lời kêu gọi, cả rừng cách tay giơ lên cùng những khẩu hiệu được giương cao cùng tiếng hô vang: Không có gì quý hơn độc lập tự do; Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm...

Cũng chung niềm tự hào và cảm xúc trong ngày trọng đại và đặc biệt ấy,  ông Phạm Hoài Hải (nguyên là Phó Chủ tịch UBND tỉnh), lúc đó là chàng trai 28 tuổi, Trưởng ban địch hậu huyện Đông Sơn cũng có mặt tại buổi lễ mừng ngày giải phóng. Ông Hải hồi tưởng: Buổi lễ hôm ấy rạo rực lắm, chúng tôi không thể nhớ hết tất cả những gì diễn ra hôm đó, nhưng có hàng ngàn người từ khắp nơi kéo về sân vận động Diên Hồng càng lúc càng đông với khí thế rạo rực, vừa đi nhân dân vừa hô vang những khẩu hiệu mang theo. Thanh niên học sinh thì có mặt ở các ngả đường để hưởng ứng và giữ gìn trật tự. Sau khi buổi lễ kết thúc, từng đoàn người lại rầm rập theo các ngả đường trong thị xã để về lại địa phương và tiếp tục hô vang các khẩu hiệu.

Trong chiến dịch giải phóng miền Nam mùa Xuân năm 1975, Quảng Ngãi là một trong những địa phương đầu tiên ở khu vực duyên hải Nam Trung Bộ được giải phóng, sau chiến dịch Tây Nguyên. Một tháng sau đó, chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đánh vào sào huyệt cuối cùng của quân ngụy tại Sài Gòn kết thúc thắng lợi, miền Nam giải phóng, đất nước được thống nhất.

40 năm đã qua, mỗi mùa xuân về, những ký ức của ngày giải phóng quê hương luôn được nhắc lại trong niềm tự hào của bao lớp người Quảng Ngãi. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những thời khắc thiêng liêng nhất của quê hương, của dân tộc vẫn còn mãi.

Xuân Thiên

 


.